CSGT toàn quốc đồng loạt ra quân đợt cao điểm dịp Tết 2022

CSGT toàn quốc đồng loạt ra quân đợt cao điểm dịp Tết 2022

Đồng Xuân Thuận

Đồng Xuân Thuận

Thứ 4, 15/12/2021 11:02

CSGT toàn quốc tập trung cao nhất về lực lượng và trang thiết bị trong 2 tháng ra quân cao điểm từ 15/12.

Ngày 14/12, theo thông tin từ Cục CSGT (Bộ Công an), đơn vị này vừa ban hành kế hoạch cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và các Lễ hội đầu xuân 2022 của lực lượng Cảnh sát giao thông.

Theo đó, trọng tâm của đợt cao điểm này là tấn công, trấn áp, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, hoạt động xuất nhập cảnh trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật trên phạm vi toàn quốc, nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, đường sắt và đường thủy; phòng ngừa, làm giảm TNGT và ùn tắc giao thông; ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các vụ tụ tập gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép, phục vụ nhu cầu đi lại, vui chơi, lễ hội, vận tải hành khách, hàng hóa của nhân dân trong dịp cuối năm, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

An ninh - Hình sự - CSGT toàn quốc đồng loạt ra quân đợt cao điểm dịp Tết 2022

CSGT toàn quốc mở cao điểm bảo đảm TTATGT dịp Tết 2022.

Trong cao điểm giao thông Tết từ ngày 15/12/2021 - 14/2/2022, lực lượng CSGT toàn quốc sẽ tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát tập trung tấn công, trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc, nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng ngừa và làm giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trên cả 3 lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa; bảo vệ tuyệt đối an toàn các hoạt động giao thông vận tải, nhu cầu vui chơi, lễ hội của Nhân dân trong dịp Tết Dương lịch 2022, Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Trên lĩnh vực giao thông đường bộ, lực lượng CSGT toàn quốc sẽ huy động và bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT, phòng chống đua xe trái phép; trọng tâm là các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT, ùn tắc giao thông, như: Vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, chạy quá tốc độ; chở quá tải, quá số người quy định; đón, trả khách không đúng nơi quy định; không có GPLX hoặc GPLX không hợp lệ; xe hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định..; tăng cường tuần tra, kiểm soát cơ động bằng xe mô tô để xử lý vi phạm quy định về bắt buộc đội mũ bảo hiểm. Quá trình thực hiện lực lượng CSGT tăng cường sử dụng hệ thống camera giám sát, cân tải trọng và các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại đã được trang bị vào việc xử lý vi phạm TTATGT.

Trên lĩnh vực giao thông đường sắt, CSGT bố trí lực lượng phối hợp với chính quyền, Công an các địa phương và ngành Đường sắt tổ chức kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây tai nạn giao thông đường sắt tại các đường ngang, lối đi tự mở, vị trí nguy hiểm đối với an toàn giao thông đường sắt. Phối hợp với ngành Đường sắt kiểm tra việc chấp hành các quy định về phương tiện giao thông đường sắt được đưa ra sử dụng như: Điều kiện lưu hành của các phương tiện giao thông đường sắt; trang thiết bị thông tin, chỉ dẫn cần thiết trên phương tiện giao thông đường sắt... Đặc biệt là kiểm tra an toàn kỹ thuật đường ngang được phòng vệ bằng tín hiệu cảnh báo tự động phức tạp về TTATGT đường sắt…

Trên lĩnh vực giao thông đường thuỷ nội địa, thời gian trước tết Nguyên đán lực lượng CSGT tập trung vào các đối tượng vận tải hàng hóa, các hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, hoạt động vận tải hành khách ngang sông, theo tuyến cố định ở các tuyến vận tải trọng điểm; các cảng, bến trái phép hoặc không đủ điều kiện hoạt động... Các hành vi cần tập trung xử lý gồm: Vi phạm điều kiện hoạt động của phương tiện; vi phạm các quy định về thuyền viên; người lái phương tiện; vi phạm các quy định về khai thác khoáng sản; vi phạm về cảng, bến, quy định về vận tải hàng hóa, hành khách...

Thời gian trong và sau tết Nguyên đán, lực lượng CSGT tập trung vào các đối tượng và địa bàn có hoạt động ngang sông, dọc sông, theo tuyến cố định, các hoạt động du lịch, lễ hội, vui chơi, giải trí trên đường thủy nội địa. Các trường hợp cần tập trung xử lý gồm: Điều kiện an toàn của bến; điều kiện an toàn kỹ thuật của phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện; chấp hành các quy định về vận tải của người tham gia giao thông.

Quá trình thực hiện lực lượng CSGT thường xuyên bố trí lực lượng ở các bến, các địa bàn trọng điểm ở những thời gian cao điểm về lưu lượng người tham gia giao thông. Kiên quyết đình chỉ các bến, phương tiện không đảm bảo điều kiện an toàn, đặc biệt là không thực hiện đúng quy định về cứu sinh, cứu đắm...

Trong kế hoạch, Cục CSGT cũng yêu cầu CSGT Công an các đơn vị, địa phương bảo đảm tuyệt đối an toàn, thông suốt các hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đoàn khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam.

Trong khi thực hiện nhiệm vụ TTKS, xử lý vi phạm tiếp xúc với người dân, cán bộ chiến sĩ trong lực lượng CSGT phải đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 theo khuyến cáo của ngành Y tế; nêu cao tinh thần trách nhiệm, văn hóa ứng xử, nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác; chấp hành nghiêm điều lệnh; nâng cao cảnh giác, đảm bảo an toàn khi thi hành nhiệm vụ.

Tuệ Minh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.