Khoảng 11h42 ngày 28/6, báo chí đã ghi lại toàn bộ diễn biến vụ việc người đàn ông này (đi xe gắn máy màu đỏ, mặc áo quần màu xanh) cùng một người đàn ông khác mặc áo sơ mi trắng, quần jeans xanh đuổi đánh một thanh niên vừa bị CSGT thổi lại.
Điều đáng nói, tổ CSGT đứng nhìn cảnh đánh nhau ngay trước mặt mình mà không hề có bất cứ phản ứng ngăn chặn hay can thiệp nào. Người đi đường vô cùng bức xúc trước hình ảnh phản cảm này.
Vụ việc diễn ra khoảng 2 phút mới có CSGT vào can ngăn. Mặc dù CSGT can ngăn nhưng người đàn ông mặc quần áo màu xanh vẫn hung hăng, nhặt đá ven đường tiếp tục đuổi đánh và ném người vi phạm. Hoảng sợ, người thanh niên bị đánh băng qua đường tháo chạy một mạch về hướng đường Tôn Đức Thắng và không dám quay lại.
CSGT đứng nhìn người dân đánh nhau. (Ảnh báo Thanh Niên) |
Được biết, người thanh niên tháo chạy nói trên trước đó bị CSGT thổi lại và báo phạm lỗi không bật đèn xi-nhan. Tuy nhiên, thanh niên này không đồng ý và phản ứng gay gắt vì cho rằng anh có bật đèn xi nhan. Sau một hồi cự cãi, CSGT không lập biên bản vi phạm, chỉ trả giấy chứng nhận đăng ký xe, không trả GPLX với lý do không giữ GPLX. Quá bức xúc nên thanh niên này bảo gọi báo chí đến ghi nhận vụ việc. Nghe vậy, 2 người đàn ông lạ mặt nói trên xông vào đánh anh Hùng như đã trình bày ở trên.
Sau khi nam thanh niên bị đánh bỏ chạy, CSGT đã đưa trả GPLX của anh này cho một người đi cùng…
Liên quan đến những khía cạnh pháp lý của vụ việc nói trên, phóng viên vừa có cuộc phỏng vấn Luật sư Nguyễn Như Thái Dũng – trưởng văn phòng Luật sư Thái Dũng (Hà Nội).
Phóng viên: Thưa luật sư! Ở vụ việc trên, hành vi chửi bới, đánh người vi phạm giao thông của người đàn ông lạ mặt luôn luôn đi cùng đội CSGT, và có thể nói là diễn ra ngay trước mắt các đồng chí CSGT. Đối tượng lạ mặt này đã phạm tội gì và sẽ bị xử lý ra sao?
LS Dũng: Người đàn ông lạ mặt đó phạm tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 245, Bộ luật Hình sự.Nếu hành vi hành hung của người đàn ông lạ mặt gây thương tích đối với người vi phạm giao thông có đủ các yếu tố cấu thành “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác” được quy định tại Điều 104, Bộ luật Hình sự, thì người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này.
Theo Điều 104, Bộ luật Hình sự, tùy vào mức độthương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà người phạm tội sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 15 năm. Nếu hành vi phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.
Nếu hành vi của người lạ mặt chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người này có thể bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội. Theo đó, người vi phạm có thể bị phạt từ 500.000đ – 2.000.000đ.
Phóng viên: Có thể thấy trong video mà báo chí ghi lại được, mặc dù người đàn ông lạ mặt và người vi phạm “đánh lộn” ngay trước mắt, nhưng các đồng chí CSGT lại không kịp thời can ngăn, thậm chí còn đứng nhìn... Luật sư đánh giá thế nào về thái độ của các đồng chí CSGT trong trường hợp này. Trách nhiệm của các đồng chí CSGT trong tình huống này là như thế nào?
LS Dũng: Như tôi đã nói, hành vi của người đàn ông lạ mặt kia là phạm tội gây rối trật tự công cộng. Trong trường hợp này, lực lượng chức năng thậm chí có thể tạm giữ ngay người đàn ông lạ mặt đó.
Bất cứ một người dân bình thường nào khi phát hiện hành vi phạm tội đều phải có trách nhiệm ngăn chặn hành vi phạm tội đó chứ không nhất thiết phải là Cảnh sát, Công an. Ở đây CSGT là người đại diện cho pháp luật. Họ được đào tạo để đảm bảo đời sống bình yên cho nhân dân mà lại làm ngơ trước hành vi phạm tội thì rất phản cảm và không thể chấp nhận được.
Luật sư Nguyễn Như Thái Dũng |
Hành vi của các đồng chí CSGT trong trường hợp này có biểu hiện vi phạm 5 Lời thề danh dự, 10 Điều kỷ luật và Điều lệnh nội vụ của Công an nhân dân Việt Nam được Nhà nước quy định tại Quyết định số 01/QĐ-BNV ngày 01- 01-1977 Bộ Trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 09/2008/QĐ-BCA(X11) ngày 3/1/2008;
Vi phạm Điều 14, Luật công an nhân dân về “Nhiệm vụ, quyền hạn của Công an nhân dân”; Vi phạm khoản 6, Điều 4 và khoản 2, Điều 15 Thông tư số: 65/2012/TT-BCAngày 30 tháng 10 năm 2012 của Bộ Công an về “Nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ”.
Phóng viên: Liệu có hay không khả năng các đồng chí CSGT có quen biết từ trước, thậm chí móc nối với người đàn ông lạ mặt kia để “dằn mặt” người vi phạm giao thông có biểu hiện không hài lòng và hỏi vặn lại CSGT? Giả sử điều này là sự thật thì các đồng chí CSGT phạm vào điều luật nào, sẽ bị xử lý ra sao?
LS Dũng: Để xác định được giữa các đồng chí CSGT và người đàn ông lạ mặt trong trường hợp này có mối liên hệ gì hay không thì cần phải có sự vào cuộc điều tra của lực lượng chức năng. Giả sử có chuyện CSGT móc nối với người lạ mặt thì sự việc càng trở nên nghiêm trọng.
Bởi khi đó, các đồng chí CSGT đã trở thành đồng phạm, thậm chí còn có thể là người chủ mưu trong vụ việc này. Tuy nhiên, trước khi có kết luận của cơ quan điều tra thì chúng ta không thể khẳng định được điều này.
Xin cảm ơn luật sư về cuộc trao đổi!
Liên quan đến vụ việc “bị đòn vì cự cãi CSGT” nói trên, trao đổi với báo Thanh Niên trước đó, một cán bộ Phòng PC67 cho biết, hiện Phòng PC67 đang tiếp tục xác minh, nếu phát hiện danh tánh, địa chỉ liên lạc thì PC67 sẽ phối hợp với chính quyền địa phương mời đương sự này lên làm rõ. Ngày 17/7, Văn phòng Bộ Công an có văn bản yêu cầu Công an TP.HCM chỉ đạo, kiểm tra xử lý thông tin về vụ việc. Cũng theo vị cán bộ Phòng PC 67 nói trên thì hiện chưa có quy định nào quy định về việc "người lạ” được phép đi theo, đứng cạnh CSGT theo dõi việc xử lý. Tuy nhiên "người lạ” này không có quyền can thiệp vào việc nhắc nhở người vi phạm, đe dọa người vi phạm. |
Theo Giáo dục Việt Nam