Hôm qua, thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh cho hay: “Nếu không hành động ngay từ bây giờ thì sẽ quá muộn!”
Theo Bộ LĐTBXH, năm 2012 có 606 người chết vì tai nạn lao động, tăng gần 10% so với năm 2011.
Năm ngoái cũng ghi nhận gần 6.800 vụ tai nạn lao động, thiệt hại về tài sản là 11 tỷ đồng và chi phí bồi thường lên tới 82,6 tỷ đồng.
Một vụ tai nạn lao động tại TP HCM. Hình minh họa
Nhưng đây là con số thống kê chưa đầy đủ, thứ trưởng Lĩnh cho biết, ước tính con số thực tế lên tới 40.000 vụ mỗi năm.
Các ngành khai thác mỏ, xây dựng, hóa chất để xảy ra nhiều tai nạn lao động với số người chết cao nhất.
“Điều kiện làm việc thiếu an toàn trong các ngành này gây ra rất nhiều rủi ro có thể dẫn tới tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp,” ông Nguyễn Thái Hòa, điều phối viên quốc gia của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về an toàn vệ sinh lao động cho biết.
“Điều đáng lo ngại chính là số vụ tai nạn lao động và ca mắc bệnh nghề nghiệp trong các ngành này, đặc biệt là ngành khai thác mỏ và xây dựng, có xu hướng gia tăng với những tác động nghiêm trọng hơn.”
Theo giám đốc Quốc gia Văn phòng ILO tại Việt Nam, ông Gyorgy Sziraczki, do phần lớn các vụ tai nạn lao động có nguyên nhân từ chính con người, việc tăng cường nhận thức về an toàn vệ sinh lao động cần được thực hiện ở phạm vi lớn hơn không chỉ ở nơi làm việc.
“Chúng ta cần vươn tới từng gia đình, cộng đồng và trường học, nơi tài sản quý giá nhất của chúng ta – những thanh thiếu niên – đang học tập và chuẩn bị bước vào thị trường lao động,” ông nói.
Theo ILO, cứ mỗi 15 giây, trên thế giới có một công nhân chết vì tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp. Và cứ mỗi 15 giây, 160 công nhân bị tai nạn khi đang làm việc.
Những tổn thất về con người trong vấn đề này rất lớn. Gánh nặng kinh tế do điều kiện an toàn lao động và vệ sinh ở nơi làm việc không đảm bảo ước tính tương đương với 4% GDP toàn cầu mỗi năm.
Hồng Hoa