Cuộc đời của người đàn bà vá xe mang tên Nguyễn Thị Giới chứa đựng cả một đoạn trường truân chuyên, trôi nổi.
Hàng ngày từ sáng cho tới khuya, bà kiên nhẫn ngồi đợi khách đến vá xe
Lênh đênh phận má đào
Hai chữ truân chuyên đã vận vào bà từ lúc sinh ra cho đến lúc tuổi đã xế chiều. Hơn ba chục năm qua, bà vẫn ngồi trong căn chòi dựng tạm bên góc đường, bất kể nắng, mưa đợi khách đến vá, bơm xe.
Bà sinh ra ở Hà Nội ngày cả đất nước chìm trong khói lửa, giặc đói hoành hành. Khi bà chưa đầy 8 tuổi, cha bà chết vì đói. Mẹ bà phải đưa bà đi ở đợ cho nhà giàu. Từ ngày đó bà không một lần được gặp lại mẹ. Năm tháng ròng rã trôi qua, gương mặt người mẹ cứ thế phai nhòa trong kí ức, đến cả một cái tên, bà cũng không nhớ nổi.
Bà nhớ lại, chừng 12- 13 tuổi, bà theo người ta di cư vào Sài Gòn. Ở đây, bà tiếp tục đi làm thuê, ở đợ làm quần quật từ sáng tới tối mà không được trả một đồng tiền công. Mỗi lúc không làm vừa ý chủ là bà lại bị đánh đập. Biết phận mình, bà không một lời oán than. Bà còn có hai người anh em trai giờ ở đâu không rõ.
Cám cảnh bần cùng, năm 15 tuổi, bà lấy người chồng thứ nhất. Bà lấy ông vì nghĩ rằng có chồng sẽ đỡ đần cuộc sống, lại thêm ủi an phận côi cút. Theo chồng về sống ở Đà Nẵng được 2 năm, sinh một cô con gái thì cơm không lành canh không ngọt. Bà đành tiễn biệt đất miền Trung nắng và gió, lên tàu trở lại miền Nam.
Giọng bà chùng xuống khi nói tới đứa con gái bặt tin từ năm 6 tuổi. Bà nhẩm tính giờ nó cũng đã được 60 cái xuân xanh rồi. Rời miền Trung, bà trở lại Sài Gòn tiếp tục đi làm thuê làm mướn. Đến năm 20 tuổi, bà gặp người chồng thứ 2. Cảm mến vì người phụ nữ tính tình hồn hậu mà cảnh đời trắc trở, người đàn ông có cái tên Phạm Ngư bày tỏ nỗi niềm muốn gá nghĩa vợ chồng. Người phụ nữ đã qua một lần đò gật đầu ưng thuận trong sự hân hoan khôn tả.
Từ đấy, hai ông bà cùng chung tay làm nghề giặt ủi. Ngày ngày chồng giặt vợ là, 7 người con lần lượt ra đời. Nhờ chăm chỉ, ông bà đã mua được căn nhà ở số 337/3 đường Lê Quang Định, phường 5, quận Bình Thạnh. Thế nhưng niềm vui này cũng chẳng được bao lâu. Trước đây nghề giặt ủi còn kiếm ra tiền, giờ không ai thuê. Chỉ còn 6.000 đồng bạc lẻ, hai ông bà quyết định mua một cái ống bơm xe và cái thùng sắt đựng dụng cụ vá xe. Chọn góc đường Nguyễn Văn Đậu và Lê Quang Định là nơi làm nghề, hai vợ chồng bắt đầu nghề vá xe từ đó. Đây cũng là bước khởi đầu cho 36 năm đằng đẵng vá xe không mệt mỏi của cụ bà Nguyễn Thị Giới.
Những đứa con bà dần lớn lên ngoan ngoãn dù không được học hành tới nơi tới chốn. Cách đây 12 năm, chồng bà ra đi trong một cơn bạo bệnh. Trở thành góa bụa, bà phải ngăn nước mắt vào trong để tiếp tục lo cho con, cho cháu.
Người mẹ tảo tần
Từ ngày chồng mất, một mình bà gồng gánh chạy cơm từng bữa. Căn nhà hai vợ chồng cần kiệm mới mua được phải rao bán để lấy tiền trả nợ. Kể từ đó bà trở thành người tứ cố vô thân. Góc đường bà vẫn thường vá xe cho khách trở thành nhà...
Bà lấy cánh tay áo chấm nước mắt còn đọng lại nơi khóe mắt kể: Các con của bà không có điều kiện để học hành tử tế, từ bé đã phải bươn chải với đời. Nghề vá xe vất vả, lại không được nhiều tiền. Trung bình mỗi ngày bà kiếm được khoảng 30.000 đồng phải chắt chiu từng đồng một để dành tiền gửi cho con, cho cháu.
Con gái đầu của bà với người chồng thứ hai tên là Phạm Bá Vân lấy chồng, chuyển về Biên Hòa, Đồng Nai sinh sống. Tưởng rằng sẽ khấm khá hơn, nào ngờ chị bị bệnh rồi phải đi mổ mắt rồi chẳng còn làm được việc gì nữa. Người chồng tật nguyền thương vợ nhưng cũng không biết xoay xở ra sao. Thương con, dù chẳng khá giả gì, bà vẫn cố nuôi thêm đứa cháu ngoại.
Những người con còn lại của bà cũng lăn lộn với đời để kiếm sống, người thì làm nghề sơn nước, người làm nghề hàn sắt, khoan giếng, tài xế... Lâu lâu, họ lại ghé thăm bà. Mấy năm trước, bà đi khám bệnh, phát hiện bị rối loạn tiền đình, chân tay tê buốt, đi lại vô cùng khó khăn. Nhưng bà vẫn ngày ngày còng lưng vá xe bên vệ đường không một lời than vãn.
Bắt đầu làm việc lúc 12h tối cho đến 7h sáng hôm sau, bà lại trở về căn phòng trọ vài mét vuông của người con thứ tư tên là Phạm Bá Lương ở đường Nguyên Hồng, quận Bình Thạnh để tắm rửa rồi lại ra làm tiếp cho tới tận khuya.
Bình minh vừa ló rạng, bà lại tất bật với chiếc bơm xe cũ kỹ. Bao năm trôi qua, bà vẫn giữ cách vá xe cổ điển: tháo lốp xe, xả hết hơi rồi đặt lốp vào chậu nước để tìm lỗ hở, dán keo lên và bơm. Bà làm gọn gàng đến nỗi ai cũng ngạc nhiên. Câu chuyện về một cụ bà 77 tuổi vá xe ngoài đường trở thành giai thoại cho đến khi người ta phong cho bà danh hiệu "nữ hiệp vá xe đường phố".
Người qua đường từng một lần làm khách vá xe, hẳn sẽ nhớ như in nụ cười móm mém của bà. Nhìn cái vách che dựng tạm không ai không cám cảnh thân phận người đàn bà qua rồi cái tuổi thất thập. Mong rằng những cơn mưa không quá lớn, cơn lạnh không quá buốt để bà có được một đêm yên giấc.
Hiền My