Cả cuộc đời bất hạnh
Phải mất nhiều lần hỏi đường, PV mới tìm tới được ngôi nhà ba bà cháu cụ Hiên đang tá túc. Căn nhà lụp xụp, đơn sơ nằm heo hút bên cánh đồng làng, xung quanh hàng xóm vắng vẻ, lạnh lẽo. Ấn tượng ban đầu đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh hai người phụ nữ, một già, một trẻ đang đùa nghịch ngoài sân ngô phơi đầu nhà. Với dáng vẻ và điệu bộ như con nít, họ cười đùa lăn lộn trong những bộ quần áo rách rưới, cáu bẩn.
Dân làng xung quanh cho biết, “cả hai đều là con và cháu của bà Hiên, họ mắc bệnh tâm thần từ nhỏ. Bà Hiên già cả bệnh tật nhưng vẫn phải đi làm thuê kiếm tiền nuôi hai người. Thường ngày, ai muốn gặp bà thì phải đợi khi trời tối muộn, lúc đó người ta mới thấy bà đi làm về.”
6 giờ chiều, chúng tôi cũng đã đợi được cụ Hiên về. Nom cụ gầy yếu, xanh xao, khuôn mặt toát lên vẻ kham khổ. Gác vội chiếc cuốc to bản trên vai, cụ Hiên ngồi bệt xuống sân ngô thở dốc. Với cụ, hôm nay là một ngày dài, sáng đi bộ hơn 5 cây số sang xã kế bên tra ngô thuê, chiều về lại có người nhờ đi quốc đất. Cụ Hiên buồn bã nói: “Công việc thường ngày của tôi là như thế, nặng nhọc, vất vả nhưng còn tốt hơn những ngày phải nhàn rỗi. Không có ai thuê là không có tiền, tôi già cả rồi, con cháu thì như thế, lấy gì ra mà ăn”.
Sau những tâm sự chân thành của cụ, chúng tôi phần nào thấu hiểu nỗi bất hạnh mà người mẹ già phải hứng chịu trong suốt những năm tháng đã qua. Số phận thật quá bất công, sao nỗi đau, sự cơ cực vẫn bám lấy cụ ngay cả khi về già.
Cụ Hiên xuất thân từ một gia đình bần nông, quanh năm quần quật cấy cày nhưng cũng chẳng đủ ăn. Thuở nhỏ đã phải làm người ở cho một phú nông trong xã. Lớn lên, hai người anh trai cụ lên đường nhập ngũ, nhưng đều đã hi sinh, để lại cha mẹ cho cụ Hiên chăm sóc. Thương cha mẹ già yếu, cụ đành ở vậy phụng dưỡng công ơn. Tuổi xuân con gái cứ qua đi, lúc cha mẹ mất thì đã quá lứa lỡ thì, cụ đành lòng gửi phận cho một người đàn ông lớn tuổi. Đó là cụ Nguyễn Văn Lợi.
Lập gia thất, những tưởng cuộc sống cơ cực rồi sẽ qua đi, nhưng cái đói, cái nghèo vẫn dai dẳng bám lấy ngôi nhà nhỏ của cụ. Năm 1958, niềm hạnh phúc hiếm hoi của cặp vợ chồng nghèo đã đến, cụ Hiên hạ sinh cô con gái đầu lòng, đặt tên là Nguyễn Thị Liên. Nhưng ngay sau đó, vợ chồng cụ Hiên nhận hung tin con mình bị mắc bệnh thần kinh bẩm sinh.
Nhắc tới cô con gái đầu, cụ Hiên ứa nước mắt kể lại: “Con bé lúc sinh ra nhìn kháu khỉnh dễ thương lắm, vợ chồng chúng tôi mong mỏi nó sẽ là đứa để cậy nhờ lúc tuổi già. Ai ngờ nó mắc bệnh thần kinh, không được như người bình thường, tội cho nó, tội cho chúng tôi lắm”. Đau lòng trước căn bệnh của con gái, hai vợ chồng cụ Hiên cố gắng chạy chữa tứ phương, nhưng bệnh vẫn không hề thuyên giảm, đành bất lực nhìn con ngẩn ngơ, điên loạn. Vài năm sau, tai họa lại một lần nữa giáng xuống gia đình bé nhỏ, chồng cụ đột ngột qua đời, đúng vào năm hai cụ sinh cô con gái thứ hai. Thế rồi bao nhiêu của nả, ruộng nương, vườn tược… cũng dần đội nón ra đi sau những lần cô con gái đầu lâm bạo bệnh. Bế tắc và tuyệt vọng, đã có lúc cụ tưởng mình không thể vượt qua chuôi ngày đau khổ đó.
Mặc dù đã ở tuổi "gần đất xa trời" nhưng cụ Hiên vẫn phải lao động cực nhọc để nuôi con và cháu bị tâm thần
Tình duyên bỏ chợ
Lại nhắc về cô con gái đầu, cụ Hiên đau sót, “giá như lúc cái Liên nó lớn lên, tôi bắt nó ở nhà không cho đi quét chợ, thì đời nó cũng đỡ khổ. Đằng này, vì tham mấy chục nghìn của hợp tác xã, tôi đã cho cháu Liên đi. Tất cả cũng từ cái chợ ấy mà ra”. Thì ra khu chợ đầu làng chính là nguyên nhân cô cháu ngoại ngẩn ngơ của cụ ra đời.
Hơn 20 năm trước, có bác thương binh trong xã vì thương Liên mắc bệnh thần kinh nên nhường lại cho cô công việc quét chợ , mỗi tháng cũng để ra được dăm chục nghìn phụ giúp mẹ. Thế là ngày ngày, cô Liên ra chợ quét dọn, tới 7 giờ tối mới về. Công việc cứ diễn ra đều đặn như thế, cho tới một ngày, cụ Hiên đứng ngoài cửa mỏi mắt chờ không thấy con gái về. Tới nửa đêm, cô Liên hớt hải chạy về nhà, hỏi gì cũng không nói chỉ ôm mặt khóc trong vòng tay mẹ. Chưa bao giờ cụ thấy con gái sợ hãi như vậy. Nhìn bộ đồ rách rưới của con, cụ đã rõ chuyện gì xảy ra.
Thời gian trôi đi, cái bụng cô con gái cứ ngày một to lên, cụ lo cho số phận nó sau này. Thần kinh như thế làm sao nuôi nổi con đây, cụ chỉ trách kẻ đã nhẫn tâm làm ra truyện này, không chừa cả với những người bị tâm thần. Cô Liên đã hạ sinh được một cô con gái, đặt tên là Nguyễn Thị Linh, trớ trêu thay, cô bé cũng mắc chứng thần kinh từ nhỏ, hai mẹ con tâm thần chẳng biết bấu víu bào đâu ngoài người bà đã già yếu. Cụ Hiên lại thêm một lần “đeo bòng”, nuôi con giờ lại là đứa cháu gái mắc chứng thần kinh bẩm sinh.
Ngày nào cụ không đi làm thuê được là ngày đó cả nhà nhịn đói
Mong mỏi duy nhất
Hơn 20 năm nuôi cháu gái tâm thần, khoảng thời gian đó là bao nhiêu kỷ niệm vui buồn. Mái ấm có một không hai của cụ đã không ít lần lâm vào cảnh sóng gió. 8 năm trước, căn nhà nơi 3 bà cháu ở chỉ là túp lều lợp bằng tranh đơn xơ. Một đêm mưa bão, gió lốc đã cuốn trôi nơi che mưa che nắng duy nhất của họ. Trong cơn hoảng loạn, cụ phải dẫn con cháu vào ngôi đình làng ở nhờ. Cơn bão đã cướp đi những tài sản cuối cùng của gai đình, mất nhà, đồ đạc hư hại, tương lai 3 bà cháu tưởng chừng sụp đổ theo túp lều lá mỏng manh kia.
Cuộc sống của ba bà cháu cứ leo lét trôi trong sự đói khổ, cơ cực. Cả nhà chỉ trông vào 1 xào ruộng, mùa màng có năm được, có năm mất, quần quật mà chẳng đủ ăn. Cụ phải ráng đi làm thuê được đồng nào hay đồng nấy. Đôi vai gầy guộc của cụ ngày ngày vẫn rong ruổi hết làng trên xóm dưới mong mỏi có người mướn việc. Cụ kể, “người ta thấy mình giả cả, nghèo khó nên mới thuê giúp, chứ tôi ốm yếu lắm rồi, cầm cây cuốc cũng không vững. Nhiều hôm phải gánh trên vai hai xô phân đầy đi bón rau, đôi chân tôi tưởng chừng không lê nổi khỏi mặt đất, nhưng vẫn phải cố, tôi cần tiền mua gạo, con cháu đang đói ăn ở nhà”.
Vào những tháng giáp vụ, nhà hết gạo, cụ phải đi vay mượn từng bơ gạo của hàng xóm ăn qua ngày, tới mùa bà mới bán thóc trả được nợ. Cụ xúc động nói: “làng xóm họ tốt bụng mới cho chúng tôi vay gạo tới mấy tháng như vậy, mình mang ơn họ, nhưng tôi không bao giờ biết lợi dụng, cứ đến mùa gặt tôi lại bán thóc trả nợ, không biết ăn quỵt. Mình nghèo nhưng vẫn phải giữ lấy nhân cách”. Nghe tới đây, chúng tôi vừa thương xót, vừa cảm phục cụ Hiên, cái đói, cái nghèo chẳng thể bào mòn đi nhân cách một người mẹ già đã ngoại 80. Cụ sống chỉ với mơ ước mỗi ngày kiếm nổi “20 nghìn” nuôi con và cháu, nó dẫu tầm thường với nhiều người nhưng lại là niềm mong mỏi lớn nhất với cụ lúc này.
Sống với hai người không bình thường trong nhà, cụ Hiên nhiều lúc cũng vấp phải những tình cảnh oái oăm. Mỗi lần hai mẹ con lên cơn, họ lại lôi cụ Hiên ra chửi, có lúc hàng xóm còn thấy hai mẹ con túm lại đánh bà, lôi đồ đạc ra đập phá. Những lúc như vậy, cụ Hiên chỉ còn biết bỏ chạy, hết cơn mẹ con họ lại cười. Truyện sinh hoạt, nhiều lúc phải nịnh họ mới chịu ăn cơm, chịu đi ngủ không là nhảy múa thác loạn suốt cả tối. Chỉ có cơm nước, giặt giũ là hai mẹ con đỡ đần được bà, tuy nhiên phần nhiều vẫn là do cụ Hiên làm. Cả ngày đi làm thuê vất vả, tối về lại cặm cụi vào bếp lo bữa cơm cho con và cháu. Cụ Hiên chỉ mong mình đừng lâm bệnh, bởi chỉ còn cụ là nơi nương tựa duy nhất cho hai mẹ con cô Liên.
Nhưng liệu rằng, đôi bàn tay run rẩy của mẹ còn có thể cầm cuốc được bao lâu, đôi vai gầy guộc có thể gánh nước tưới ngô tới bao giờ… Cụ không biết, không ai biết, chỉ biết rằng, ngày nào không được đi làm 3 mẹ con bà cháu phải bớt một bữa ăn.
Mọi sự giúp đỡ, ủng hộ xin vui lòng gửi theo địa chỉ: Cụ Nguyễn Thị Hiên, 80 tuổi ( ngụ tại Xóm 2, thôn Thư Lâu, xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). |
Sơn Tùng