Clip: Lễ khởi công xây dựng tượng phật trong chùa Cao Dân.
Vào những ngày đầu tháng Mười, PV báo điện tử Người Đưa Tin tìm gặp bà Kim Thị Sọl, 81 tuổi, ngụ ấp 7, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau – người dành dụm tiền lương chính sách trong nhiều năm làm kinh phí xây tượng phật đặt trong chùa Cao Dân.
Trao đổi với PV bên cạnh công trình vừa được khởi công, bà Kim Thị Sọl kể: “Từ năm 1960 – 1975, gia đình tôi là cơ sở bí mật nuôi giấu cán bộ các cấp xã, huyện trong căn hầm bí mật của gia đình.
Trong thời gian này, gia đình có hy sinh của cải, vật chất tiếp tế cho bộ đội và bị địch phóng pháo gây cháy nhà, thiệt hại nhiều tài sản”.
Sau khi hòa bình thống nhất, thực hiện tâm nguyện của người chồng đã mất, trong nhiều năm qua, bà Sọl luôn cố gắng dành dụm tiền chính sách nhận được hàng tháng (khoảng 1 triệu đồng/tháng – PV) để xây dựng tượng phật đặt dưới gốc cây bồ đề và được sự đồng ý của trụ trì chùa Cao Dân.
Tượng phật này được xây dựng quay theo hướng Đông. Chiều cao tượng khoảng 1,4m và chiều ngang khoảng 1,2m, với tổng kinh phí dự kiến 40 triệu đồng. Hiện tại, công trình cũng đã khởi công xây dựng.
Gạt vội những giọt mồ hôi trên trán, ông Hữu Qual (con trai của bà Sọl) nở nụ cười tươi chia sẻ: “Công trình này là cả tâm huyết của cha mẹ tôi. Toàn bộ nhân công xây dựng đều là con cháu trong gia đình. Tôi cũng hy vọng con cháu mai sau cố gắng gìn giữ, tu sửa để được khang trang hơn…”.
Được biết, chùa Cao Dân vừa được bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử quốc gia.
Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử quốc gia diễn ra ngay trong dịp Tết cổ truyền càng khiến đồng bào Khmer địa phương thêm phấn khởi, háo hức...
Đây cũng là ngôi chùa có truyền thống cách mạng lâu đời, nơi nuôi giấu cán bộ hoạt động trong hai cuộc kháng chiến.
Rất nhiều vị sư ở chùa Cao Dân đã trưởng thành trong cách mạng, không ít trong số đó trở thành cán bộ chủ chốt của Đảng.
Tiêu biểu là cố Đại đức Hữu Nhem - trụ trì chùa Cao Dân, từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng khu Tây Nam Bộ.