Ngày 1/4, bệnh viện Gia An 115 vừa tiếp nhận bệnh nhân Ngô Thị T., SN 1938, ngụ Q. Bình Tân, TP.HCM trong tình trạng huyết áp cao (160/90 mmHg), đau vùng bụng, có khối phình đập theo nhịp mạch ngay rốn.
Bệnh nhân trước đó đã được phát hiện phình động mạch chủ bụng dưới thận, có chỉ định mổ nhưng chưa thực hiện. Ngoài ra, bệnh nhân còn có tiền sử bị bệnh mạch vành, xơ vữa động mạch và tăng huyết áp.
Sau khi nhập viện, bệnh nhân được chụp MSCT động mạch chủ và động mạch chậu, dựng hình 3D thấy khối phình động mạch chủ bụng của bệnh nhân có kích thước lớn, nguy cơ vỡ rất cao nên cần được can thiệp ngay lập tức để bảo toàn tính mạng.
Tuy nhiên, điều khiến các bác sĩ e ngại là bệnh nhân đã cao tuổi (82 tuổi), có bệnh lý mạch vành mạn.
Nếu mổ hở theo phương pháp truyền thống, bệnh nhân có thể bị các biến chứng như nhồi máu cơ tim, viêm phổi do thở máy kéo dài sau mổ, nguy cơ tử vong có thể rất cao.
Nhằm giảm thiểu các nguy cơ phẫu thuật, đảm bảo tỉ lệ thành công cao ê kíp phẫu thuật BV Gia An 115 đã quyết định triển khai một phương pháp mới đem lại sự an toàn cao nhất cho bệnh nhân, đó chính là phương pháp ” Phẫu thuật nội mạch, đặt Stentgraft động mạch chủ bụng-động mạch chậu”
Ban giám đốc bệnh viện cùng các bác sĩ chuyên khoa liên quan tiến hành hội chẩn cho bệnh nhân.
TS. BS Trương Vĩnh Long, Giám đốc bệnh viện đã quyết định phải đặt Stentgraft động mạch chủ bụng ngay cho bệnh nhân. Ngoài ra, cũng chuẩn bị sẵn các phương tiện và phương án cấp cứu hồi sức dự phòng.
Ngày 10/3, tại phòng mổ Hybrid, với sự hỗ trợ của hệ thống máy chụp mạch xóa nền kỹ thuật số DSA và các trang thiết bị hiện đại, ê-kíp phẫu thuật do TS.BS Phạm Thế Việt – Trưởng khoa Ngoại tiến hành can thiệp đặt Stent Graft vào trong lòng túi phình động mạch chủ bụng-động mạch chậu, tái tạo lại lưu thông mạch máu cho hệ động mạch chủ bụng-động mạch chậu cho bệnh nhân.
Sau thủ thuật, tình trạng bệnh nhân ổn định, hồi phục rất nhanh và được xuất viện sau 5 ngày điều trị.
“Với những trường hợp nhiều nguy cơ như bệnh nhân Ngô Thị T., việc đưa ra phương án xử trí kịp thời và sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật hiện đại đóng vai trò rất quan trọng bên cạnh kinh nghiệm, tay nghề của các bác sĩ thực hiện.
Bởi vì, bất cứ một sự cố nào phát sinh, dù là nhỏ nhất, cũng có thể đe dọa tính mạng của bệnh nhân”, với trên 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Phẫu thuật các bệnh lý Tim mạch và lồng ngực, TS.BS Phạm Thế Việt chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Việt, phòng mổ Hybrid – nơi đã thực hiện đặt Stent cho bệnh nhân T. – là phòng mổ rất hiện đại với sự tích hợp của các thiết bị chẩn đoán, can thiệp và phẫu thuật.
Nhờ đó, các phẫu thuật và can thiệp ít xâm lấn trở nên dễ dàng hơn, an toàn hơn với mọi chuyên khoa. Đặc biệt là các chuyên khoa sâu như tim mạch, thần kinh, ngoại gan mật, tiết niệu, cơ xương khớp…
Đặc biệt, tại đây, các bác sĩ vừa có thể phẫu thuật thay van tim nội soi, vừa có thể can thiệp nội mạch với sự hỗ trợ của máy chụp mạch xóa nền kỹ thuật số (DSA).
Sự hỗ trợ đắc lực của các thiết bị hiện đại giúp nâng cao chất lượng các ca mổ, giảm nguy cơ tai biến trong phẫu thuật cũng như biến chứng sau cuộc mổ, rút ngắn thời gian phục hồi của bệnh nhân.
Nguyễn Lành