Chàng trai khuyết tật Nick Vujicic đến Việt Nam đã trở thành đề tài thu hút chú ý của cộng đồng doanh nghiệp và giới trẻ suốt tuần qua. Sự kiện cũng tạo ra nhiều hiệu ứng cho đơn vị đứng ra tổ chức là Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen.
Ông Lê Phụng Hào - cố vấn cao cấp của Chủ tịch Tôn Hoa Sen kiêm chủ tịch Hội Marketing Việt Nam chia sẻ với báo chí rằng "không tiếc" chi 36 tỷ đồng cho hoạt động này - một số tiền lớn trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phải tiết kiệm từng đồng chi phí. Vị này lý giải, chương trình này là vì cộng đồng nhằm truyền cảm hứng, động lực cho mọi người khi còn nhiều khó khăn.
Song, xét về khía cạnh kinh tế, nhiều ý kiến đánh giá đây là "thắng lợi" của Tôn Hoa Sen. Trùng thời gian Nick Vujicic tới Việt Nam, tổng giá trị cổ phiếu Tôn Hoa Sen trên thị trường chứng khoán tăng khoảng 400 tỷ đồng. Ông Lê Phước Vũ - chủ tịch Tôn Hoa Sen hiện đang nắm gần 45% cổ phần công ty cũng nhờ đó mà tài sản tăng 180 tỷ đồng.
"Chi ra 36 tỷ đồng và giá trị tài sản tăng 180 tỷ đồng thì đó là thắng lợi", ông Phan Lê Khôi - phó chủ tịch Tập đoàn truyền thông IB đánh giá.
Theo ông Khôi, trước đây doanh nghiệp Việt Nam làm truyền thông chủ yếu hướng tới tăng doanh số, thu hút khách hàng mới hoặc khẳng định hình ảnh. Tuy nhiên, chiến lược truyền thông hiện nay có một xu hướng là "trách nhiệm xã hội" (CSR - Corporate social responsibility), tức thông qua những sự kiện phục vụ cộng để quảng bá doanh nghiệp.
Như với Tôn Hoa Sen, mặc dù việc mời Nick Vujicic chủ yếu thu hút giới trẻ, đối tượng không phải nhóm khách hàng mục tiêu của công ty nhưng lại tạo ra tác động rất lớn khi thu hút truyền thông, công chúng và tạo hình ảnh tích cực với các cổ đông, ông nhận định.
Vị này cho biết, trong quảng cáo và truyền thông thì tính sáng tạo, đột phá và gây chú ý được đặt lên hàng đầu. Nhưng khi thị trường đang bão hòa bởi những thông điệp quảng cáo, các công ty truyền thông "đau đầu" với việc nghĩ ra những kịch bản quảng bá hiệu quả thì với CSR, đơn vị nào làm sáng tạo thì sẽ tạo ra sự khác biệt rất lớn, ảnh hưởng tới cả cộng đồng và tạo ấn tượng bền lâu.
Trên thế giới, việc doanh nghiệp "mượn" hình ảnh nhân vật nổi tiếng làm đại diện đã không còn mới mẻ, như trường hợp danh thủ bóng đá David Beckham là đại sứ của hãng thể thao Adidas, tay vợt Thụy Sĩ Roger Federer đóng quảng cáo cho Rolex...
Ở Việt Nam, trước sự kiện Nick Vujicic thì Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã mời cựu thủ môn Peter Schmeichel của Manchester United sang nhân sự kiện ra mắt sản phẩm thẻ mới. Cũng chính dịp này, BIDV trao toàn bộ 350 triệu đồng từ đấu giá đồ vật của cầu thủ Manchester United cho quỹ từ thiện "Hiểu về trái tim", thể hiện trách nhiệm với cộng đồng của doanh nghiệp.
Để quảng bá hơn nữa thương hiệu bia Sài Gòn, lãnh đạo Sabeco tiết lộ có thể chi một triệu USD (khoảng 21 tỷ đồng) để mời Novak Djokovic chơi tennis tại sân Lan Anh, TP HCM. Đánh giá về kế hoạch này, nhiều ý kiến bình luận Sabeco muốn đánh vào tâm lý yêu thích thể thao của người dân Việt Nam, giống như việc Pepsi đã từng tổ chức "Ngày hội bóng đá" với hình ảnh danh thủ Nguyễn Hồng Sơn tâng bóng cùng với các cầu thủ hàng đầu thế giới. Đồng thời, sau những trận đấu đầy mồ hôi, thứ nước giải khát là "bia" cũng luôn được người nghĩ tới.
Như vậy, bất chấp còn nhiều tranh cãi quanh việc khống chế trần chi phí quảng cáo, ông Phan Lê Khôi nhận định việc mời những nhân vật nổi tiếng trên thế giới, phù hợp với hình ảnh sẽ là xu hướng của doanh nghiệp Việt Nam thời gian tới, bởi doanh nghiệp thì chỉ suy nghĩ "có lợi thì họ làm".
"Doanh nghiệp sẵn sàng mời về một nhân vật nổi tiếng thế giới, được công chúng chú ý và phù hợp với mục tiêu quảng bá. Nhưng khi đó, họ tất nhiên sẽ phải tính toán kỹ lưỡng chi phí, sự chú ý của xã hội, tác động đến khách hàng mục tiêu", ông nói.
Theo Huyền Thư (VnExpress)