Ông Lê Văn Du, Phó trưởng phòng Hạ tầng Kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội).
Liên quan đến sự việc cư dân Khu đô thị Thanh Hà, xã Cự Khê (huyện Thanh Oai, Hà Nội) phản ánh việc phải sử dụng nước bẩn, không đảm bảo chất lượng, ngày 13/10, Sở Xây dựng Hà Nội đã có cuộc họp với đại diện Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5, Sở Y tế TP.Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội, UBND huyện Thanh Oai và các Công ty Cổ phần nước sạch Nam Hà Nội, nước sạch Thanh Hà, nước sạch Hà Đông, nước sạch Sông Đà, nước mặt Sông Đuống và lãnh đạo Tổ dân phố số 3 - đại diện cư dân khu đô thị Thanh Hà.
Sau cuộc họp sáng 13/10 để tìm giải pháp, ông Lê Văn Du, Phó trưởng phòng Hạ tầng Kỹ thuật, Sở Xây dựng TP.Hà Nội cho biết, năm 2018, Sở Xây dựng Hà Nội đã chấp thuận cho chủ đầu tư triển khai xây dựng trạm cấp nước cục bộ cung cấp cho khu đô thị Thanh Hà, chất lượng nước phải đảm bảo theo quy chuẩn mới nhất của Bộ Y tế. Đến nay, nhà đầu tư đã đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho trạm cấp nước. Tuy nhiên, một số thời điểm chất lượng nước không đạt yêu cầu.
Theo ông Du, trước mắt, phía Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông sẽ phối hợp với Công ty cổ phần đầu tư nước mặt sông Đuống và Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà để điều tiết, bổ sung nguồn cấp ổn định cho khu đô thị Thanh Hà, với công suất tối đa khoảng 2.000 m3/ngày đêm.
Phía Công ty Thanh Hà có trách nhiệm phối hợp với Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 (chủ đầu tư khu đô thị Thanh Hà) nâng cao chất lượng, hoàn thiện quy trình xử lý nguồn nước ngầm tại chỗ để đảm bảo quy chuẩn của Bộ Y tế. Từ đó, đảm bảo nguồn cung ổn định cho cư dân khu đô thị Thanh Hà. Thời hạn hoàn thành việc nâng cao chất lượng, quy trình xử lý là 3 tháng.
Ông Du cũng cho biết thêm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội, Sở Y tế sẽ thực hiện công tác kiểm tra nội kiểm, ngoại kiểm đột xuất đối với chất lượng nước tại khu đô thị Thanh Hà; công khai kết quả kiểm tra này với người dân.
Trong khi đó, bà Trần Thị An – đại diện cư dân Khu đô thị Thanh Hà, xã Cự Khê cho biết, hôm nay (13/10), người dân có mặt ở Sở Xây dựng Hà Nội rất sớm để chờ kết quả của lực lượng chức năng về việc kiểm tra tình hình cung cấp nước sạch tại khu đô thị.
Theo bà An, kết quả cuộc họp này quyết định đến tính mạng, sức khoẻ của hàng chục nghìn cư dân tại Khu đô Thị Thanh Hà. Tuy nhiên, sau khi chờ đợi, người dân nhận được kết quả cuộc họp không thoả đáng.
“Hàng nghìn cư dân hy vọng sau cuộc họp, người dân sẽ được sử dụng nước sạch lâu dài”, bà An nói.
Bà Trần Thị An, cư dân Khu đô thị Thanh Hà.
Bà An cũng đặt nghi ngờ về năng lực cung cấp nước sạch đạt tiêu chuẩn của Công ty CP nước sạch Thanh Hà khi công ty đã cung cấp nước 7 năm. Tuy nhiên, phía Công ty CP nước sạch Thanh Hà đã không giữ đúng hợp đồng cung cấp nước đạt chất lượng nước cho cư dân.
“Nhiều năm họ không làm được thì 3 tháng làm sao có thể nâng cấp quy trình nước sạch được. Chúng tôi mong cơ quan chức năng vào cuộc để người dân được sử dụng nguồn nước sông Đuống hoặc nước sông Đà”, bà An bức xúc nói và bày tỏ lo lắng về sức khoẻ nếu tiếp tục sử dụng nước từ nhà máy của Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà.
Cư dân khu đô thị Thanh Hà đề nghị công khai rõ ràng nguồn nước cấp cho cư dân sử dụng và chất lượng nguồn nước.
Trước đó, người dân sinh sống tại khu đô thị Thanh Hà tố nguồn nước sạch do Công ty Cổ phần Thanh Hà cung cấp không đảm bảo chất lượng, gây cay mắt, khó thở, mẩn ngứa khi sử dụng.
Trước phản ánh của người dân về chất lượng nước, ông Dương Đình Trình, Phó Giám đốc Công ty CP Nước sạch Thanh Hà cho biết, trước đó lưu lượng nước do Công ty CP nước sạch Nam Hà Nội cung cấp không đủ dùng nên Công ty Thanh Hà đã tăng sản lượng nước từ nguồn giếng khoan từ 1.000 - 3.000m3/ngày đêm (tăng 2.000m3/ngày đêm). Vì thay đổi lưu lượng, đồng thời bổ sung nước sạch quá gấp nên chưa kịp xử lý các vấn đề vi sinh...
Về nguyên nhân dẫn đến thiếu nước sạch, theo thông báo từ Công ty CP nước sạch Thanh Hà do ông Trình ký nêu rõ, do nguồn nước sạch do Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống Cung cấp cho Công ty nước sạch Hà Đông (một trong những đơn vị liên quan đến việc cấp nước cho khu đô thị Thanh Hà) không đủ lưu lượng tại nút giao Xa La dẫn tới việc cung ứng nước cho các đơn vị không đảm bảo, một số khách hàng không có nước phải điều tiết luân phiên.
Liên quan tới vấn đề nước sách tại khu đô thị Thanh Hà, Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống (SDWTP) đã có văn bản phản hồi ý kiến của lãnh đạo Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà. Theo đó, về trách nhiệm cấp nước cho Khu đô thị Thanh Hà, SDWTP cho biết, theo Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013, Nhà máy nước mặt Sông Đuống cung cấp nguồn nước cho khu vực phía Nam Hà Nội bao gồm quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng và huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên.
Khu đô thị Thanh Hà (Thanh Oai, Hà Nội).
Nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cấp nước cho khu vực Thủ đô, kết nối mạng vòng giữa các hệ thống cấp nước, kịp thời hỗ trợ bổ sung nguồn nước khi một trong các nguồn cấp gặp sự cố, trên cơ sở chấp thuận của UBND TP Hà Nội, Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống đã triển khai xây dựng tuyến ống DN800mm theo Quy hoạch (đấu nối từ tuyến ống DN1200mm sau sông Hồng) chạy dọc đường 70 để bổ sung cấp nước cho quận Hà Đông.
Trên thực tế, việc cấp nước cho Khu đô thị Thanh Hà do Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà chịu trách nhiệm trực tiếp cấp nước cho người dân từ hệ thống đường ống phân phối, dịch vụ và có thể được bổ sung từ nguồn của Công ty TNHH MTV cấp nước Hà Đông. Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống khẳng định, khu vực Khu đô thị Thanh Hà không thuộc phạm vi cấp nước của đơn vị này.
Đối với tuyến ống cấp nước từ ngã 3 Xa La đến vòng xuyến Thanh Hà (ngã 3 Kiến Hưng), Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống khẳng định, theo Quy hoạch cấp nước Thủ đô, tuyến ống này không được giao cho SDWTP đầu tư xây dựng. Do đó, SDWTP không có trách nhiệm đầu tư xây dựng.
Quỳnh An – Mạnh Lực