Tình trạng này khiến cho hàng chục hộ dân trên địa bàn xã Thượng Sơn phải đối mặt với nỗi lo bệnh tật. Đó chính là hệ lụy từ việc xây dựng một cụm công nghiệp (CCN) ngay trong khu dân cư...
CCN Thượng Sơn được hình thành từ năm 2005 do UBND xã Thượng Sơn làm chủ đầu tư. Đến thời điểm hiện tại đang có 6 cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động tại CCN, với nhiều mặt hàng sản xuất khác nhau. Đây là CCN góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đồng thời làm thay đổi diện mạo mới cho cả một vùng quê.
Đơn kiến nghị của tập thể hộ dân lên chính quyền.
Tuy nhiên, sau vài năm hoạt động, nhiều mặt tồn tại, hạn chế của CCN này đã khiến đời sống dân cư xung quanh lâm cảnh khốn đốn vì ô nhiễm. Đặc biệt nổi cộm là Cơ sở sản xuất hạt nhựa Luận Phượng.
Theo đó, nhà máy này đã xả nước thải chưa qua xử lí, làm một số giếng ăn của các hộ dân xung quanh không sử dụng được. Không những thế, nước thải đổi màu chảy theo kênh mương vào đồng lúa và hoa màu của người dân với mùi hôi khó chịu. Người dân tại đây phải sống trong cảnh đi ngủ nghỉ vẫn phải bịt khẩu trang, hững chịu những tiếng ồn ào, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Được biết, tình trạng trên đã kéo dài từ lâu, gây bức xúc kéo dài cho người dân. Họ đã có rất nhiều ý kiến lên các buổi họp Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân xã và huyện, nhưng vấn đề không được giải quyết triệt để, bao lâu nay họ vẫn phải âm thầm gánh chịu.
UBND huyện Đô Lương đã có nhiều cuộc họp bàn, kiểm tra thực tế cơ sở và đưa ra các quyết định xử phạt cũng như công văn đình chỉ hoạt động, nhưng chủ cơ sở này vẫn phớt lờ, cho nhà máy tiếp tục sản xuất.
Quang cảnh khu “xử lí” nước thải của cơ sở.
Để tìm hiểu thực trạng vấn đề, phóng viên đã có mặt tại Cơ sở sản xuất hạt nhựa Luận Phượng. Tại đây, cơ sở chỉ xây dựng 2 bể chứa nước thải không có nắp đậy, không có hệ thống xử lý. Nước thải sủi bọt đen ngòm được xả thẳng ra môi trường một cách hết sức tinh vi, chảy ngấm ngầm qua miệng bể rồi xuống kênh mương tới cánh đồng lúa và khu dân cư phía trước.
Trao đổi với P.V về sự việc nói trên, ông Nguyễn Tất Hảo - chủ tịch UBND xã Thượng Sơn - cho biết: "Tình trạng cơ sở sản xuất Luận Phượng gây ra ô nhiễm là có thật. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị bằng văn bản lên huyện để xử lý".
Nước bẩn từ bể chứa nước thải chảy thẳng ra cánh đồng lúa.
Ông Trần Kim Đoàn - trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đô Lương cũng cho biết: "Huyện đã thành lập Đoàn kiểm tra. Đồng thời, để có cơ sở kết luận mức độ gây ô nhiễm môi trường của cơ sở sản xuất Luận Phượng, UBND Huyện đã hợp đồng với đơn vị tư vấn về môi trường lấy mẫu phân tích (khí thải, nước thải). Kết quả như sau: Về nước thải, có 3 thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 5 đến 10 lần; về khí thải, có 3 thông số vượt quy chuẩn kỷ thuật về môi trường từ 2 đến dưới 5 lần. Sau khi có kết luận của đơn vị tư vấn về môi trường, UBND Huyện đã xử lý hành chính đối với các cơ sở, kể cả quyết định đình chỉ”. Tuy nhiên, trên thực tế, cơ sở vi phạm vẫn ngang nhiên hoạt động xả thải ra môi trường.
Vấn đề đặt ra và cần làm ngay là các cơ quan chức năng nên đưa ra những giải pháp cứng rắn, kiên quyết, kể cả biện pháp di dời các cơ sở không khắc phục ô nhiễm. Có như thế mới xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm ở cơ sở này, tránh gây ra bức xúc kéo dài đối với người dân.
Tiến Thành