Đại biểu Phạm Trọng Nhân – Đoàn Bình Dương mở đầu bài phát biểu của mình tại Quốc hội bằng việc nêu ra hậu quả của các đám cháy gây ra hàng năm. Theo ông, mỗi năm chúng ta có hàng chục người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương, hàng ngàn tỷ thiệt hại, hàng ngàn hecta rừng bị thiêu rụi do các đám cháy gây ra.
Đặc biệt, các đám cháy tại các tòa chung cư những năm qua đang gây ra “nỗi ám ảnh” lớn đối với người dân. Ông phát biểu: “Hơn 1 năm kể từ sau thảm kịch Carina, dù nỗi đau đã nguôi ngoai nhưng trong tâm trí những người lính cứu hỏa và người dân nơi đây mọi thứ như mới hôm qua. Nhiều người dân ở chung cư vẫn chưa hết giật mình mỗi khi chợt nghe tiếng còi cứu hỏa, điều gì có thể bù đắp những mất mát và giúp họ quên đi ký ức kinh hoàng khi chứng kiến người thân ra đi trong ngọn lửa quá khủng khiếp, vậy nhưng phòng, cháy chữa cháy đang mang trong mình quá nhiều tồn tại, thiếu sót”.
Đại biểu Đoàn Bình Dương cho rằng, bất cập đến từ nhiều khía cạnh, đặc biệt là các trang thiết bị phục vụ cho PCCC: “Xe chất lượng kém hư hỏng, chiếm hơn 50%. Số trụ nước, bể nước, bến nước không chỉ thiếu vài chục mà nhiều địa phương con số lên đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn. Điển hình như Hà Nội thiếu gần 300 bể nước, 400 bến lấy nước, 7.000 trụ nước. Trong số các trụ còn lại có 522 trụ không sử dụng được. Trong khi đó nguồn nước tự nhiên ở các ao, hồ, sông ngòi ngày càng cạn kiệt”.
Ông cũng cho rằng công tác tuyên truyền, kiểm tra, huấn luyện mang lại hiệu quả rất thấp: “Bao nhiêu nguồn lực xã hội đã bỏ ra, tuy nhiên làm nhiều nhưng đọng lại ít và hệ quả là “những cái giá như” không có hồi kết. Chừng nào tình trạng thiếu kiên quyết trong xử lý các hành vi vi phạm, sự mất cảnh giác, lơ là của người dân vẫn còn đó thì dù có tổ chức gấp bao nhiêu lần các lớp tập huấn, kiểm tra cũng khó lòng mong công tác này hiệu quả. Không ai có khả năng cho mình cái quyền chối từ những rủi ro, bất hạnh nhưng người dân lại có một quyền cơ bản được Hiến định đó là tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Tuy nhiên, việc sinh sống trong các công trình có nguy hiểm về cháy, nổ chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy thì liệu đã đảm bảo quyền trên được thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm túc chưa”.
Đại biểu Trương Trọng Nhân cũng cho rằng, thực trạng trên có xuất phát từ việc thiếu kiên quyết trong xử lý các hành vi vi phạm và nhiều chủ đầu tư cố tình chây ỳ, kéo dài không khắc phục lỗi vi phạm thì khác gì sự khinh nhờn luật pháp.
“Có hay không sự du di, thỏa hiệp, “đi đêm” giữa chủ đầu tư với tổ chức, cơ quan có thẩm quyền chốt công đoạn, thủ tục trong quy trình thực hiện phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt là công tác thẩm duyệt, nghiệm thu, kiểm tra công trình. Nếu có thì đây chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, nó khác gì tội ác, cơ hội được sống và sống an toàn của người dân bị tước đi sau những lần du di, thỏa hiệp. Lẽ nào những nỗi đau tận cùng sau thảm kịch Carina vẫn chưa đủ thức tỉnh lương tri những ai có trách nhiệm để chấm dứt câu chuyện phạt cho tồn tại hay sao?”, ông Nhân đặt câu hỏi.
Cuối cùng, ông tâm tư nêu quan điểm trước Quốc hội: “Cái cần hơn một đạo luật, một nghị quyết tối cao chính là cái tâm kiên quyết không thỏa hiệp với các sai phạm và sự tắc trách từ các cơ quan chức năng cũng như tinh thần cảnh giác cao độ, không lơ là của doanh nghiệp và người dân trong ý thức phòng cháy hơn chữa cháy để không còn tái diễn những thảm kịch, không còn nỗi ám ảnh bởi tiếng còi cứu hỏa và những cái chết oan ức, thương tâm như trong thời gian qua”.
Công Luân - Hoa Liên