Là người lớn tuổi nhất trong Đội sư tử Ba Đa (xóm 8, thôn Bình Vọng), ông Trần Văn Cường chia sẻ với báo VTC News: "Khi xưa, chúng tôi làm đầu sư tử, mặt nạ giấy bồi... chơi Trung thu. Đến nay, chúng tôi vẫn giữ nguyên truyền thống này để mang đến màu sắc, không khí Tết Trung thu xưa cho các con, các cháu".
Theo ông Cường, sự phát triển của xã hội và nhịp sống hối hả ngày nay khiến không khí Trung thu tại nhiều nơi phai nhạt dần. Trẻ con đôi khi chỉ còn được bố mẹ mua cho một món đồ chơi hiện đại mà không hề biết đến ý nghĩa của ngày Tết Trung thu cổ truyền. Thế nhưng, ở thôn Bình Vọng, Tết Trung thu luôn là dịp nhộn nhịp nhất, người già trẻ nhỏ cùng nhau múa sư tử, phun lửa dầu, rước đèn đón hội.
Đặc biệt, nhóm trẻ em tại làng hầu như đều biết làm ra những chiếc đầu sư tử độc đáo sắc màu. Bước sang tháng Tám Âm lịch, nhóm trẻ em tất bật làm đầu sư tử phá cỗ đêm Rằm và cũng là để kiếm thêm chút tiền. Tranh thủ giờ nghỉ trưa hay sau giờ tan học buổi chiều, các em nhỏ tập trung tại một địa điểm để làm.
Em Nguyễn Văn Hòa (12 tuổi) chia sẻ với báo Vov.vn, năm nay là năm thứ 3 các em làm đầu sư tử. "Từ đầu tháng 8 tới giờ, chúng cháu đã làm được 5 đầu sư tử để bán cho các đội múa sư tử ở thôn khác, đầu sư tử lớn cháu bán được 750.000 đồng, đầu nhỏ là 350.000 đồng", vừa nói Hòa vừa chăm chú từng nét vẽ.
Theo các em nhỏ tại thôn Bình Vọng, một chiếc đầu sư tử bao gồm phần phần đầu, phần cá chép (2 bên cánh của sư tử) và phần đuôi. Công đoạn khó nhất là phần cá chép bởi nó đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, làm phải cân xứng nhất. Không chỉ làm ra những chiếc đầu sư tử độc đáo, các em nhỏ múa sư tử cũng rất giỏi.
Được biết, trước rằm tháng Tám khoảng 10 ngày, người dân trong làng bắt đầu tự tay làm những món đồ chơi, những chiếc đầu sư tử và kết hợp tập luyện cho các cháu nhỏ để chuẩn bị cho đêm rước đèn. Từ ngày 13/8 âm lịch, đội sẽ đi biểu diễn quanh làng đến hết ngày 15/8 âm lịch.
Phong Linh (tổng hợp)