Từ đam mê Hán văn cổ
Mong muốn có một cuộc trao đổi riêng với tác giả cuốn sách nghiên cứu đồ sộ về trang phục Việt Nam trong hàng ngàn năm lịch sử, tôi đã hẹn gặp anh. Trần Quang Đức (SN 1985), viện Nghiên cứu Văn học Việt Nam, tác giả đã mời tôi đến buổi tọa đàm về chính cuốn sách của mình tại trung tâm Văn hoá Pháp (L'Espace). Đã 18h, căn phòng buổi tọa đàm vẫn không có chỗ trống.
Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là những người đến tham gia buổi tọa đàm về cuốn sách chủ yếu là những người thế hệ 9x. Trong đó, có rất nhiều sinh viên, cử nhân của khối ngành kỹ thuật như Bách khoa, Xây dựng. Hai vị diễn giả một già, một trẻ đã dành hơn 2 tiếng đồng hồ để chia sẻ về niềm đam mê của họ. Niềm đam mê tìm lại lịch sử thông qua những hiểu biết về mũ áo.
Anh bắt đầu câu chuyện với tôi bằng một câu hỏi: "Bạn nghĩ sao khi một chàng trai mới 25 tuổi mang ý tưởng viết sách của mình đến các nhà xuất bản, các đơn vị để xin tài trợ? Đặc biệt khi được hỏi: "Bạn muốn viết sách về vấn đề gì?". Câu trả lời: "Tôi nghiên cứu về mũ áo!".
Chắc chắn nếu đó là một cuốn sách viết về tình yêu hay điều gì đó có thể hứa hẹn bán chạy được thì lại là chuyện khác. Không ít người nghĩ "25 tuổi biết gì mà nghiên cứu!". Đó chính là điều khó khăn lớn nhất với tôi những ngày bắt đầu thực hiện ý tưởng. Không có khả năng về kinh tế, chỉ có kiến thức và đam mê tìm tòi.
Nhưng sau 3 năm miệt mài với việc đi tìm các tài liệu, dịch, tra cứu, so sánh tài liệu, tác phẩm mà tôi ấp ủ đã hoàn thành. Đặc biệt, tôi khá vui mừng vì không chỉ có các nhà nghiên cứu mà đông đảo bạn trẻ cũng có sự quan tâm đặc biệt cho cuốn sách này".
Có lẽ trong giới nghiên cứu, cái tên Trần Quang Đức còn khá lạ lẫm. Nhưng với những người yêu thích tiếng Hán thì chàng trai này cũng không phải cái tên mới mẻ. Khi đang là sinh viên năm thứ nhất đại học Quốc gia Hà Nội, Đức đoạt giải nhất cuộc thi Cầu Hán Ngữ lần thứ 3 - dành cho sinh viên chuyên ngành tiếng Hán trên toàn thế giới. Năm 2009, Đức tốt nghiệp tại đại học Bắc Kinh, Trung Quốc.
Từ năm 2010 đến 2012, khi công tác ở công ty Văn hóa truyền thông Nhã Nam, Đức tập trung nghiên cứu văn hóa trang phục Việt và viết cuốn sách Ngàn năm áo mũ. Hiện, anh là nghiên cứu viên thuộc viện Nghiên cứu Văn học Việt Nam. Trần Quang Đức đồng thời là dịch giả của các tác phẩm Trà kinh (2008), Chuyện tình giai nhân (2011) và Trường An loạn (2012).
Tác giả Trần Quang Đức và nhà nghiên cứu Trịnh Bách.
Lý giải cho niềm đam mê đặc biệt này, Đức chia sẻ: "Đúng là ở thế hệ tôi, đa số các bạn trẻ chọn tiếng Anh là ngoại ngữ thứ hai. Nhưng với tôi, từ cấp 2, tôi đã học chữ Hán, chữ Nôm. Đặc biệt là những kiến thức trong những cuốn Hán văn cổ luôn khơi dậy mong muốn tìm tòi của tôi.
Đến năm 2010, nhiều cuộc tranh luận về "áo mũ" nổ ra khi các công trình, các bộ phim đồng loạt ra đời nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Lúc đó, tôi bắt đầu nhen nhóm ý tưởng về một cuốn sách nghiên cứu riêng, nhằm dựng lại bức tranh trang phục Việt Nam trong cung đình và ngoài dân gian trong khoảng một nghìn năm từ thời Lý đến thời Nguyễn (1009-1945)".
Mong muốn khoả lấp khoảng trống mênh mông
Theo Trần Quang Đức, trang phục cung đình luôn được quy định nghiêm ngặt và có nhiều đổi thay qua các triều đại. Do đó, Ngàn năm áo mũ vừa đưa ra hình ảnh hiện vật, vừa lý giải nguyên do và phân tích mức độ mô phỏng trang phục Trung Hoa trong quy chế trang phục của các triều đại Việt Nam. Đức coi văn hiến Trung Hoa là nguồn tham khảo chính, chế độ trang phục cung đình Việt Nam đã chủ động mô phỏng của Trung Hoa.
Xuất phát từ đặc trưng này, để dựng nên bức tranh phục trang một cách khách quan và chân thực, Trần Quang Đức đã tìm kiếm và xử lý một lượng tư liệu lớn, cố gắng truy nguyên về nguồn, tìm ra tư liệu gốc chuẩn làm cơ sở, diễn dịch những tư liệu đó một cách chuẩn xác.
Suốt 3 năm tìm tòi tư liệu, Đức cũng không nhớ mình đã đọc, dịch bao nhiêu tài liệu Hán văn cổ. Bất kể được bạn bè, các nhà nghiên cứu nói ở đâu có con cháu đời Lê, đời Nguyễn... Đức cũng lặn lội tìm đến. Tuy nhiên, lúc đến anh hăm hở, hy vọng bao nhiêu thì lúc gặp con cháu họ, anh thất vọng bấy nhiêu.
"Khi nghe được thông tin là hậu duệ vua Lê có thể còn những kỷ vật về chân dung tổ tiên, tôi đều tìm đến. Tôi nhớ mình đã đến gặp khoảng 10 gia đình hậu duệ đời Lê. Đúng họ là hậu duệ, họ cũng khẳng định trong nhà họ cũng từng có kỷ vật của tổ tiên. Tuy nhiên, đến giờ, chúng đều đã bị phá huỷ", anh Đức tâm sự. Kèm theo tìm kiếm các tài liệu hội họa, các văn bản cổ rời rạc, anh Đức còn phải nhờ đến những người bạn nước ngoài am hiểu tìm giúp các tư liệu liên quan để so sánh, phân tích chính xác nhất.
Phục dựng khác với phục chế
Anh Đức cho biết: "Trong quá trình nghiên cứu, tôi nhận thấy sự mô phỏng trang phục Trung Hoa trong trang phục triều đình của Việt Nam không phải rập khuân theo công thức 1:1 mà đều có sự sáng tạo, thể hiện sự tự tôn dân tộc, làm tôn thêm vẻ uy nghi, sang trọng của vua quan nước Việt.
Tôi cũng khảo sát thận trọng dựa trên tính đồng đại của hiện vật, kết hợp hiện vật với những mô tả trong thư tịch tương quan, đồng thời, cũng cung cấp nhiều tư liệu tranh tượng để người xem có thể đối chứng. Ví dụ như trang phục của các vị vua của Việt Nam đều là màu vàng thể hiện sự ngang hàng với hoàng đế Trung Hoa. Trong khi đó, Triều Tiên cũng bị ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa, quốc vương của họ đều mặc áo màu đỏ. Kèm theo đó, các hoạ tiết trong trang phục của vua quan Việt cũng được sáng tạo, cách tân".
Không chỉ dừng lại ở việc dựng lại bức tranh về trang phục trong đời sống của người Việt suốt một ngàn năm, anh Đức còn cố gắng phác thảo mô phỏng trang phục bằng các hình vẽ, phục dựng lại một số trang phục bằng đồ họa. "Một số bạn đọc xem cuốn sách này, cho rằng những hình vẽ làm mất hết giá trị cuốn sách. Nhưng với cá nhân tôi, tôi muốn mọi người hiểu rằng, phục dựng khác với phục chế.
Phục chế là copy nguyên xi, còn phục dựng là khi không có một hiện vật gốc nào để có thể đối chứng được. Như trang phục thời Lý, Trần... đến giờ cũng không có tranh ảnh, hay tài liệu nào mô tả chi tiết. Tôi muốn bạn đọc hình dung được trang phục bằng hình ảnh thay vì chỉ có ngôn ngữ. Mường tượng được bố cục hoa văn trên trang phục đó", anh Đức khẳng định.
Không muốn dừng ở trang sách, tác giả cùng đơn vị xuất bản còn tổ chức triển lãm trưng bày 15 tranh, ảnh tư liệu khổ lớn trong sách, trong đó có bức tranh khổ lớn "Trúc lâm đại sĩ xuất sơn đồ" dài 4m và 2 bộ triều phục đời Nguyễn. Những hoạt động này thu hút được rất nhiều khách thưởng lãm. Nó là minh chứng khẳng định, nếu có những hoạt động giàu tính văn hóa, nối dài từ sách bước ra đời như thế, những cuốn sách tưởng chừng "khó nhằn" cũng sẽ đến gần với người đọc hơn. Đây cũng là một cách để giảng dạy và lĩnh hội kiến thức lịch sử khá nhẹ nhàn
Đỗ Thơm