Ở cái tuổi 85, thượng thọ xưa nay hiếm, mắt đã mờ, tóc đã bạc nhưng ở cụ Trần Thị Lệ (ở phường Phương Liên, quận Đống Đa, TP.Hà Nội) vẫn nhanh nhẹn và minh mẫn hiếm thấy. Khi trò chuyện với PV, cụ Lệ thể hiện nhiều phong thái, tình cảm khác nhau, làm người đối diện bất ngờ. Cụ chậm rãi, trầm ngâm, có lúc dừng ngắt quãng hồi tưởng lại những chặng đường đã qua trong cuộc đời với hơn 70 năm mang nghiệp chữa bệnh hóc xương cứu người.
Cụ Lệ đang trao đổi với PV
Cách chữa hóc xương kì lạ
Đến làng Kim Liên (nay thuộc phường Phương Liên, quận Đống Đa, TP. Hà Nội), chúng tôi dễ dàng tìm được đến nhà cụ Lệ. Vì người dân trong phường đã quá quen thuộc với hình ảnh cụ già với mái tóc bạc phơ, khuôn mặt hiền lành, nói giọng miền Trung với "bí quyết" chữa hóc xương kỳ tài, nức tiếng gần xa. Ngôi nhà cụ Lệ ở số 16A, ngay cuối con hẻm. Chúng tôi đến đúng ngaầ̀nh cụ nhiều khách. Người ta đứng xếp hàng để chờ tới lượt được chữa hóc xương chật cả phòng, hành lang. Tầm hơn 11h trưa, khi khách đã vãn, chúng tôi mới có dịp được trò chuyện, được nghe cụ hàn huyên về cuộc đời chìm nổi với nghề... chữa hóc xương.
Nói về cơ duyên đến với nghề chữa hóc xương, cụ Lệ cho biết: Khi tôi mới lên 6 tuổi, ăn thịt gà bị hóc xương. Mẹ tôi đã áp dụng biết bao bài mẹo dân gian, chữa nhưng chiếc xương quái ác vẫn trong cổ họng. Trong lúc nguy kịch, gia đình cụ được người quen mách có ông thầy lang nổi tiếng vang danh gần xa tên là Nguyễn Văn Cương, người dân tộc thiểu số ở vùng quê hẻo lánh thuộc huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh). Người này có kỳ tài chữa hóc xương bằng mẹo rất giỏi. Hai mẹ con bà khăn gói quả mướp, lặn lội đưa nhau đi tìm nhà thầy lang Cương. Tới nơi, không nói không rằng, thầy lang Cương chỉ thẳng ngón tay trước mặt cụ Lệ rồi gõ vào đầu 3 cái, xoay chiếc đèn dầu 3 vòng. Làm phép xong, ông lang đưa cho cụ 3 hạt muối bảo ngậm vào miệng rồi uống 3 hớp nước. Cụ Lệ làm theo chỉ dẫn của thầy lang Cương, còn miệng thầy lang Cương thì lẩm nhẩm câu thần chú gì đó không ai biết. 6 tiếng đồng hồ trôi qua, cái xương mắc kẹt trong cổ cụ Lệ tự dưng biến mất. Hai mẹ con cảm ơn thầy lang Cương rồi vui mừng ra về.
Cụ Lệ kể tiếp, chuyện hóc xương gà đáng ra đã mãi mãi bị lãng quên. Tuy nhiên, vào một ngày mùa hạ, gia đình bà nghe thấy tiếng gọi cổng. Mở cửa ra, họ ngạc nhiên khi thấy thầy lang Cương ngày nào tìm đến. Sau khi mời vào nhà, ông Cương đề nghị chọn cụ Lệ là hậu duệ để truyền nghề chữa hóc xương. Lúc đầu, gia đình không đồng ý vì cho rằng, cụ Lệ khi đó còn quá nhỏ để có thể theo nghề. Hơn nữa, ông Cương có 5 người con, tại sao không chọn ai đó để truyền nghề mà lại chọn người ngoài. Ông Cương hết lời thuyết phục bố mẹ cụ Lê. Bởi theo lời của người đàn ông này, chỉ có cô bé mới xứng đáng làm người nối nghề. “Ông ấy nói nghề này không chỉ là chữa hóc xương mà cần thiết phải có tâm - đức - tài. Thuyết phục mãi cuối cùng mẹ cũng đồng ý cho cụ Lệ theo học ông Cương chữa bệnh hóc xương”, cụ Lệ chia sẻ.
Nói chuyện với chúng tôi, cụ Lệ cho biết: "Mọi người nghĩ chữa hóc xương thật đơn giản nhưng phải có bí quyết đấy. Tôi học thầy Cương hơn 2 năm mới hết được bí quyết. Lúc thầy ra đi, vẫn đau đáu căn dặn tôi là làm nghề này nhất thiết phải đặt chữ “Tâm” lên hàng đầu”.
Đau đáu tìm truyền nhân
Theo lời cụ Lệ, khi bắt tay vào chữa bệnh, lúc nào cụ cũng nhớ lời dặn của thầy Cương là phải đặt chữ “Tâm” lên hàng đầu. Hàng ngày, căn phòng nhỏ của cụ hầu như lúc nào cũng đông người đến chữa bệnh, trò chuyện, cảm ơn. Cụ Lệ cho biết: “Chữa cho nhiều người nhưng chưa bao giờ tôi lấy của ai một đồng tiền nào cả. Tôi tâm niệm "cứu người là phúc đẳng hà sa". Có lẽ, còn sống, còn khỏe, tôi còn tiếp tục với nghề”. Cả đời làm nghề, cụ không thể nhớ hết tên, mặt người bệnh. Nhiều khách ở tận Lào Cai, Cao Bằng, miền Tây Nam Bộ cũng lăn lội tìm đến cụ, xin chữa bệnh. Cụ Lệ nói: "Khách đến chữa nhiều, nhưng chưa trường hợp nào tôi "bó tay" cả. Hóc xương cứ tưởng là đơn giản nhưng là tai nạn nguy hiểm và được xem là khó chữa trị nhất. Vì thế khi gặp phải tai nạn thì người bị bệnh phải đi chữa trị sớm càng tốt. Tôi còn nhớ, có trường hợp đưa đến nhà trong tình trạng họng đã sưng tấy vì hóc xương gà. Trước đó, họ đã chữa chạy một số nơi nhưng không khỏi. Sau khi được tôi chữa thì đến đêm xương gà cũng biến mất".
Có lẽ, trong hơn 70 năm chữa hóc xương miễn phí, trường hợp bệnh nhân mà cụ nhớ nhất khi vừa được truyền nghề. Năm đó, có một bệnh nhân cao tuổi ở Hà Tĩnh hóc phải xương trâu đã 6 ngày, tình trạng đã vô cùng nguy hiểm. Học nghề đã được 2 năm nhưng đây là lần đầu tiên "thực hành" nên cụ hết sức lo lắng. Nhưng được sự hướng dẫn của thầy Cương, cụ bình tĩnh làm theo các bước thầy đã dặn. Cuối cùng bệnh nhân cũng qua khỏi trong sự vui mừng và khâm phục của mọi người. Sau đó, để trả ơn, người nhà bệnh nhân biếu cụ tiền và thóc nhưng cụ từ chối. Kể lại ca chữa trị thành công đầu tiên ấy, giọng cụ Lệ run run, khóe mắt ướt nước, có vẻ xảm xúc vẫn đong đầy.
Tâm niệm làm việc nghĩa cứu người, do đó cụ Lệ có một nguyên tắc bất di bất dịch là không bao giờ nhận tiền của ai. Cụ cắt nghĩa, chữa bệnh này xuất phát từ cái tâm. Chính vì thế, đến nay cụ vẫn chưa tìm được truyền nhân nào thích hợp, hội tụ đầy đủ cả tâm và tài. Theo cụ Lệ, cụ có 5 người con đã lập gia thất, cuộc sống gia đình đề huề. Con cụ đều thành danh ở trong và ngoài nước nhưng không ai nối tiếp nghề, bởi cuộc sống cơm, áo, gạo, tiền bắt buộc phải mưu sinh, phải làm giàu kinh tế. Cụ Lệ cho biết, bây giờ tìm được người sống không tư lợi, chỉ chuyên tâm làm nghề rất khó, chẳng khác nào mò kim đáy bể. Đã có rất nhiều người đến xin làm đệ tử, muốn được học nghề từ cụ nhưng cụ không đồng ý. Bởi sau khi nói chuyện, cụ chưa thấy được cái tâm ở họ. “Sau gần cả cuộc đời tôi làm nghề mới nghiệm ra một điều, làm nghề thì dễ nhưng để trụ lại với nghề bằng cái tâm đức thì quá khó”, cụ Lệ bảo. Đến bây giờ, cụ vẫn đau đáu về một người truyền nhân khi cụ ra đi, mong muốn sẽ có người kế tiếp cụ chữa bệnh cứu người.
Chào “thần y” ra về, chúng tôi chỉ biết nắm bàn tay chúc cụ khỏe mạnh để tiếp tục đi làm phúc cho thiên hạ. Tuy nhiên, nhiều người lo rằng, ai cũng già và phải về với tổ tiên. Khi cụ Lệ khuất đi, ai sẽ là truyền nhân của bài thuốc chữa bệnh hóc xương này. Bởi vì, vào cái thời buổi này, ai cũng cần có tiền để phát triển cuộc sống của mình. Cụ Lệ vẫn băn khoăn không biết lúc nào mình mới tìm ra được người có đủ tâm - tài để truyền nghề.
Cụ Lệ cười móm mém bảo: "Cả đời tôi không thể nhớ là mình đã chữa cho bao nhiêu người qua khỏi tai nạn hóc xương. Tôi thực sự hài lòng vì chưa bao giờ nhận của ai bất cứ một đồng tiền nào. Chữa bệnh là cái đức lớn lao nhất mà tôi tích được trong cả cuộc đời mình".
Bí quyết chữa hóc xương Bài thuốc chữa hóc xương của cụ Lệ rất đặc biệt. Cụ cho biết, nó đơn giản là một cái mẹo nhưng phải tuân thủ "quy tắc" chữa bệnh. Khi bệnh nhân đã ngồi vào ghế, không được hé miệng nói chuyện với cụ hoặc người xung quanh. Sau đó, cụ chỉ cần chỉ tay thẳng vào mặt người bệnh, cho bệnh nhân uống 3 hớp nước, ngậm 3 hạt muối rồi xoay chiếc đèn dầu 3 lần. Sau khi làm phép bất kể bệnh nhân mắc xương gà, xương cá, xương bò hay kim chỉ, râu tôm đều qua khỏi một cách rất nhẹ nhàng. "Đồ nghề" chữa bệnh của cụ Lệ đơn giản chỉ là một chiếc đèn dầu Hoa Kỳ cũ, một lọ muối và bình nước. Tuy nhiên, thật tài tài tình, tất cả những vật sắc nhọn trong cổ họng bệnh nhân đều "biến mất". Hơn 70 năm qua, tên tuổi cụ vang danh gần xa. Người ta tìm đến cụ nhiều, có người tôn sùng còn gọi cụ là "thần y”. |
Bảo Hằng