Cây súng kíp "thần thánh"
Với một người đi săn, vũ khí luôn là vật tối quan trọng, bất ly thân. Cây súng kíp đã từng gắn liền với những thành tích săn bắn bất hủ của già Nhi giờ chỉ còn là một thanh sắt rỉ vô tri vô giác. Nhưng mỗi khi nằm trong đôi tay rắn chắc của ông, dường như nó lại toát lên một thứ quyền uy sắc lạnh và người cầm súng cũng trở nên kiêu hãnh lạ thường. Già Nhi bảo, cây súng này là kỷ vật do bố ông truyền lại. Nó là một trong những cây súng kíp hàng đầu của người Mông mà để có được, bố của ông đã phải đổi bằng một con bò lớn.
Già Nhi cùng cây súng kíp kỷ vật.
Ngửa cổ uống cạn chén rượu ngô thơm lừng, già Nhi ngồi khoan thai bên khung cửa sổ nhà sàn, vừa cẩn thận lau chùi cây súng kíp dài hơn 1m vừa thủng thẳng chuyện trò. Ông cho biết, thời đó, cây súng kíp giống như một vật "thần thánh" của người Mông và cũng chỉ có họ mới nắm được những tuyệt kỹ để làm ra loại súng này hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Và những người đàn ông Mông thường không có khái niệm về thời gian bởi họ thường dành toàn bộ quỹ thời gian của mình cho việc làm súng. Buổi sáng, sau khi thức dậy, họ sẽ ra bờ suối và ngồi khoan nòng súng đến tối mới trở về nhà.
Thuộc nằm lòng những bí mật của rừng xanh Để có được những thành tích bất hủ như vậy, chỉ có tài thiện xạ thôi chưa đủ, người thợ săn cần phải nắm giữ được những bí mật của rừng xanh, thông tỏ đường đi lối lại, am hiểu tập tính, thói quen của từng loài thú. Để nói về những điều này, dường như không ai có thể hiểu biết tường tận bằng già Nhi. Bằng cách luôn luôn chịu khó lắng nghe, quan sát, tìm hiểu, thậm chí trả giá đắt, già Nhi đã tích lũy được cho mình những kinh nghiệm đi rừng vô cùng quý giá, tưởng có thể viết thành một tập sách dày. |
Khoan nòng súng là một công việc đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn, bền bỉ và chuẩn xác. Thật khó có thể tin được những thanh sắt dài được dùng để làm nòng súng lại được người ta khoan hoàn toàn bằng tay mà không hề sử dụng đến bất cứ sự trợ giúp nào từ máy móc. Để khoan xong một chiếc nòng súng, người ta phải kiên nhẫn với công việc này trong nhiều giờ, cũng có thể là nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng tùy vào độ dài của nòng súng và kỹ thuật của người khoan. Để phục vụ công việc này, người ta thường làm các giá khoan nòng súng với các thanh gỗ dày, chắc được tạo hình giống như một chiếc thang với các bậc ở giữa được đục lỗ để cố định trục mũi khoan. Trục khoan là 1 thanh gỗ tròn, có đường kính khoảng 5cm, có lỗ nhỏ ở giữa để đút mũi khoan. Để kéo mũi khoan, người ta dùng 2 chiếc dây bằng da trâu hoặc da bò buộc vào trục gỗ, đầu dây có thiết kế tay cầm cho người kéo. Khi khoan, 2 người khoan sẽ đứng 2 bên giá khoan, phối hợp nhịp nhàng, đều đặn với nhau trong việc kéo dây để điều khiển mũi khoan, thao tác giống như việc cưa gỗ. Công việc tưởng như rất đỗi đơn giản này lại đòi hỏi rất nhiều ở người khoan về sức khỏe, sự dẻo dai, kinh nghiệm và tốc độ để có được những đường khoan thẳng, đẹp, chuẩn xác.
Theo lời kể của già Nhi, khoảng những năm 1940, 1950, cả vùng Son Bá Mười bao gồm 3 bản người Thái là bản Son, bản Bá, bản Mười mới chỉ có vài chục hộ dân sinh sống, đâu đâu cũng là rừng, muông thú nhiều vô kể, cuộc sống vẫn còn phụ thuộc nhiều vào việc săn bắn, hái lượm. Thời đó, người ta vẫn còn dùng cung tên để bắn thú rừng bởi súng là một món hàng vô cùng xa xỉ, có khi phải đổi bằng cả một gia tài. Cho nên ngay từ khi còn rất nhỏ, ông đã luôn ngưỡng mộ cây súng kíp của bố và ao ước một ngày nào đó mình có thể sử dụng nó như bố đã từng sử dụng. Nhưng không phải mất nhiều thời gian để ước ao, chẳng bao lâu sau đó, ông đã có cơ hội để thể hiện tài thiện xạ thiên bẩm của mình. Mùa ngô năm đó, khi già Nhi mới chỉ khoảng 15, 16 tuổi, có một con gấu lớn thường lên nương phá phách mùa màng, dân bản ghét lắm nhưng không làm gì được vì chúng rất khôn. Muốn trị con gấu đó để giúp dân làng, già Nhi đã xin bố cho dùng cây súng kíp rồi lên rừng tìm gấu. Gấu là một loài thú vô cùng khó săn bởi mũi của nó rất thính, có thể phát hiện hơi người ở khoảng cách 100m. Nhưng sau nhiều ngày lên rừng tìm kiếm, già Nhi đã hạ được con gấu đó để bảo vệ nương rẫy cho dân làng khỏi kẻ phá hoại. Tuy chỉ sử dụng đạn chì nhưng cây súng này đã giúp ông giết được 3 con hổ, 2 con gấu, hơn 30 con khỉ, khoảng 40 con hoẵng, còn các loài nhỏ như don, sóc bay... thì nhiều không đếm xuể. Sau này, khi ý thức được việc bảo vệ rừng cùng các loài động vật quý hiếm, già Nhi không bao giờ còn sử dụng đến cây súng nữa nhưng vẫn luôn giữ gìn như một kỷ vật vô giá của người cha đáng kính.
Già Nhi kể chuyện săn hổ dữ.
Bản lĩnh người thợ săn
Tiếng thở dài của "chúa tể rừng xanh" Ở Son Bá Mười, trước nay chưa từng có ai hạ được hổ ngoài già Nhi. Không những thế, già còn hạ được những 3 con. Tất cả những con thú săn hạ được, già đều mang về xẻ thịt, chia cho dân làng để ăn mừng. Bởi vậy, người ta mới đặt cho già biệt hiệu là "Chúa tể rừng xanh", tiếng tăm lừng lẫy khắp xa gần. Nhưng tất cả chỉ là chuyện của ngày xưa. Già Nhi buột ra một tiếng thở dài: "Bây giờ tìm đâu ra thú rừng nữa để mà săn?". Đôi mắt đục mờ vì tuổi tác của ông bỗng rưng rưng lệ, chẳng hiểu vì nuối tiếc hay vì một nỗi khổ tâm nào khác không thể nói ra. |
Ngày đó, trâu bò trong làng thường bị cắn chết bởi một giống thú lớn mà hầu hết dân bản đều phỏng đoán là hổ. Già Nhi bảo "Giống hổ này rất lạ! Chúng hay bắt trâu, bò nhưng không bao giờ ăn hết cả con mà chỉ ăn một phần nào đó trên cơ thể con vật đã bị cắn nát. Đầu tháng, chúng chỉ ăn nguyên phần đầu, giữa tháng, chúng ăn phần thân giữa, cuối tháng, chúng chỉ ăn nguyên bộ mông và chỉ ăn những con bị cắn vào sau gáy, ngoài ra, tất cả những con không bị cắn ở đúng vị trí đó đều bị bỏ lại". Không biết bao nhiêu trâu bò trong bản đã lần lượt bị hổ cắn chết trước sự tức giận của dân làng. Đêm đêm, nghe tiếng hổ gầm vang núi, biết "ông ba mươi" lại về quấy phá nhưng dân trong làng cũng không biết phải làm thế nào để tống khứ nó đi. Sau nhiều ngày theo dấu chân hổ dữ, già Nhi cùng một thanh niên khác đã bàn nhau kế hoạch hạ trừ con thú đáng ghét này. Già Nhi đã nổ súng khi con hổ chỉ còn cách mình 5m. Nhưng lần ấy, già đã bắn trượt, viên đạn chỉ trúng vào mông cho nên con hổ vẫn còn sức chạy trốn. Sau gần nửa ngày lần theo vết máu, hai người bắt đầu nhận mùi hôi của con thú cùng tiếng gầm gừ rên rỉ đã ở rất gần. Khi phát hiện bóng con hổ thấp thoáng sau mớ cây, dây rừng chằng chịt, chuẩn bị giương nòng súng, cũng là lúc già Nhi cùng người bạn đồng hành bất ngờ bị nó quay lại tấn công. Cả hai bỏ chạy thục mạng rồi trèo tót lên cây. Con hổ bị thương gầm gừ một lúc rồi bỏ vào rừng sâu. Mấy hôm sau, lần theo dấu vết con hổ để lại, già Nhi phát hiện nó đã nằm chết trong một hang núi không xa.
Chia sẻ về những kinh nghiệm đi rừng của mình, già Nhi cho biết tuy rất nguy hiểm nhưng đi săn đêm sẽ thuận lợi hơn bởi người ta có thể dễ dàng phát hiện vị trí của con thú nhờ những cặp mắt sáng xanh như những ngọn đèn trong bóng tối. Riêng loài hổ, khi cảm thấy bị nguy hiểm, tự nó có thể "tắt" đi một mắt như một sự ngụy trang khéo léo, thậm chí có thể hù dọa một số kẻ yếu bóng vía về hiện tượng lạ lùng này. Nhưng điều đáng sợ hơn cả là khả năng "dịch chuyển tức thời" của chúng. Nhiều lần, mặc dù vừa phát hiện một cặp mắt hổ sáng quắc vụt lên trong đêm tối rừng già nhưng chỉ trong tích tắc, cặp mắt ma quái đã vụt biến mất và ông nhận ra bóng con hổ đã lù lù xuất hiện ở sau lưng với mùi hôi đặc trưng của nó xộc thẳng vào buồng phổi. Nguy hiểm là thế nhưng với già Nhi, đó lại là một thú vui không gì sánh được. Còn ban ngày, ông có thể nghe tiếng chim chóc trong rừng, quan sát hoạt động của bầy khỉ trên cây cũng có thể đoán được hành tung của "chúa tể sơn lâm" hoặc những loài thú lớn. Có khi ông tìm chúng để săn hạ, cũng có khi, ông chỉ tìm chúng để... trêu ghẹo.
Dương Dung