Thế nhưng bất ngờ hơn khi chồng nạn nhân lại hết lời van xin trước tòa để giảm tội cho hung thủ và quyết định không nhận bất kỳ khoản bồi thường nào: “Vợ tôi đã chết, cũng không thể lấy lại tính mạng, có thù hằn cũng không thay đổi được gì”.
Khi hung thủ là anh ruột của vợ mình
Sự vụ đã lắng xuống một thời gian, đó cũng chính là lý do mà chúng tôi e dè khi gọi cửa gia đình ông Nguyễn Đình Hòa (1954), chồng của nạn nhân Bùi Thị Nhài. Thế nhưng lý do thôi thúc hơn hết để chúng tôi muốn gặp ông cũng bởi hành động hết lòng van xin giảm tội cho hung thủ giết vợ mình của ông. Những tưởng sẽ rất khó khăn để chúng tôi mở lời, nhưng hoàn toàn ngược lại. Dáng người gầy gò, da ngăm ngăm rám nắng, ông Hòa lững thững ra mở cửa. Dường như đã nhận ra lý do sự xuất hiện của chúng tôi, cho nên chưa kịp mở lời ông đã mời chúng tôi vào nhà, rót nước và hỏi thăm công việc. Ngạc nhiên trước sự ân cần của người đàn ông vừa trải qua nỗi đau này, chúng tôi bỗng dưng trở thành người thân để ông mở lòng tâm sự.
Một buổi sáng như bao ngày, vợ ông giục chồng con dậy ăn sáng, rồi đi mua đồ ăn cho bố đẻ là ông Trần Đình Dậu, năm nay 92 tuổi đang sống cạnh nhà ông Định (ông Dậu có 7 người con: 3 trai và 4 gái, ông Định là con trai trưởng). Trước khi đi ông Hòa còn dặn vợ: “Bà đi mau mà về để tôi còn đi công việc...”. Chẳng ngờ đó lại là lời cuối cùng ông nói với vợ, là lần cuối cùng ông thấy vợ bước đi. Chỉ một thoáng sau con gái ông chạy về hét toáng lên trong run rẩy: “Bố ơi thằng Định đâm chết mẹ con rồi”. Sững sờ trước tiếng con, nhưng ông vẫn cố bình tĩnh mà bảo: “Các con đưa mẹ đi viện ngay, phải cứu người trước, còn những chuyện khác để từ từ bố lo liệu, không đứa nào được gây chuyện nếu không sẽ là giết bố đấy”, ông Hòa nhớ lại.
Nhìn cách ông tiếp chuyện, chẳng ai nghĩ được rằng ông đang sống âm ỉ cùng cú sốc trời giáng ấy. Kéo dài 7 năm nay, tranh chấp đất đai giữa các anh em bên nhà vợ ông vẫn chưa giải quyết xong xuôi. Sự việc bắt đầu từ việc phân chia tài sản thừa kế. Do ông Bùi Trần Dậu (bố vợ ông Hòa) chia cho các con mảnh đất mà gia đình Bùi Trần Định đã sinh sống và xây nhà ở đó từ lâu. Cũng chính vì vậy, mâu thuẫn gia đình nổi lên giữa những người con của ông Dậu và Bùi Trần Định. Khi tòa xử xong, mảnh đất mà Bùi Trần Định đang sống vẫn do ông Bùi Đình Dậu đứng tên. Theo đó, nếu Bùi Trần Định muốn sở hữu phải chi trả một số tiền lên đến gần 900 triệu đồng cho các người em kia. Khi công an xã tới đưa quyết định của tòa thì Định đã xé quyết định này và không chấp hành. Từ đó anh em tiếp tục bất hòa và nảy ra nhiều cuộc tranh cãi.
Theo ông Bùi Trần Đăng trưởng thôn Quất Động cho biết: “Ông Định là người hiền lành chất phác. Tuy mắt đã kém nhưng thi thoảng ông vẫn đi buôn gạo. Với bà con làng xóm ông ấy sống không có điều tiếng gì. Việc ông ra tay sát hại chính em gái mình khiến nhiều người trong làng vô cùng bất ngờ”. Nhiều người hàng xóm cho rằng hoàn cảnh ông Định chẳng khấm khá gì, có lẽ do không xoay nổi số tiền lớn đó, lại thường xuyên bị những người em của mình gây áp lực nên ông Định nghĩ quẩn ra tay sát hại em gái rồi muốn đến đâu thì đến. Vậy là từ vụ án dân sự do phút chốc cùng quẫn mà hóa thành vụ án hình sự.
Không nhận bồi thường để giảm bớt nỗi đau
Trước tòa ông Hòa đã hết lời xin giảm tội cho người anh rể. Cũng bởi thế mà án tử hình cho hung thủ 73 tuổi kia giảm xuống thành chung thân. Nhưng “giữa chung thân và tử hình thì có khác gì nhau, tôi vẫn mong tòa xử nhẹ hơn để ông ấy có cơ hội trở về quê hương mà sửa sai, sống nốt tuổi già. Dù pháp luật làm đúng nhưng tôi vẫn thấy mức án cuối cùng nặng quá”, ông Hòa trải lòng. Có lẽ không mấy ai nghĩ được như ông, bởi lúc nói ra những lời này thì bên cạnh ông là nỗi đau thường trực. Không những thế ông còn nói trước tòa sẽ không nhận bất kỳ khoản bồi thường nào từ phía gia đình ông Định.
Châm điếu thuốc, rít vài hơi như để nén lòng trước khi giãi bày, ông nói tiếp: “Người thì đã mất rồi, người có tội cũng đã bị trừng trị theo pháp luật. Còn tiền bồi thường nếu có nhận cũng chỉ làm nỗi đau thêm dài. Gia đình ông Định cũng khó khăn, số tiền lớn thế sẽ làm họ thêm khổ, chúng tôi cũng chẳng sung sướng gì mà sau này con cái hai bên sinh thù hận. Sáng nay anh em nội ngoại và con cái còn ngồi hết ở đây mà phản đối việc làm ấy của tôi. Biết đây chỉ là ý kiến chủ quan của mình, nhưng tôi đã phân tích và nói rõ lòng mình cho họ hiểu: Đời người ngắn không bằng đời cây, tôi chỉ nghĩ cho ruột thịt nhà vợ là chủ yếu, nên tôi muốn giảm tội cho ông Định. Chẳng ai muốn anh em trong nhà lại lôi nhau ra trước công đường. Dù muốn hay không thì ông Định vẫn là anh của vợ tôi. Việc làm này là đúng lương tâm của tôi”.
Cố rít mạnh điếu thuốc tiếp theo để tỏ ra phấn trấn, sau khi nói về nỗi đau ông lại tươi tỉnh để kể về mối tình của họ. Ông Hòa hơn vợ 2 tuổi. Ngày ấy, khi chuẩn bị đi bộ đội gia đình ông đã mang cơi trầu sang nhà bà Nhài ăn hỏi. Có điều sợ cưới trước khi nhập ngũ thì không tốt, nên ông bảo bà chờ 5 năm đến ngày ông trở về để xây dựng gia đình bền chặt hơn. Mặc dù biết rằng chiến tranh khiến nhiều người đi mà không hẹn ngày về nhưng bà vẫn đợi. Vậy là đúng 5 năm, cuối năm 1979 nhân dịp nghỉ phép ông từ chiến trường biên giới phía Bắc trở về, đám cưới của hai người đã diễn ra. Kể từ ngày đó đã 34 năm trôi qua, ông bà có với nhau 5 người con. Trong mắt ông cũng như họ hàng, xóm giềng bà Nhài là người sống biết điều, không làm phật ý ai.
Tuy nhiên về phía đằng vợ thì bà Nhài luôn bị ông anh ruột là ông Định ghen ghét, có lẽ cũng bởi bà là con gái duy nhất lấy chồng gần và chăm sóc bố chu đáo. Sự ân cần của bà khiến bố đẻ yên tâm giao giấy ủy quyền đất đai. Ông Định từ khi lấy vợ, nhiều lần gây sự rồi bạc đãi bố mẹ đẻ và bất hòa với cả mấy người em. Mâu thuẫn lại thêm mâu thuẫn. Mặc dù là rể và bị ghét lây nhưng ông Hòa luôn tâm niệm: “Tứ thân phụ mẫu” nên cũng chẳng đụng chạm để tránh mất lòng anh vợ. Ông vẫn khuyên vợ cố gắng chăm sóc cho bố lúc tuổi già để hoàn thành tâm nguyện.
Những đạo lý sống được cho là chỉ riêng nhà mình có được ấy khiến ông Hòa tự hào. Thế nhưng buồn thay, kể từ khi vụ việc xảy ra, ngay cả khi ông hết lời xin giảm tội cho ông Định và không nhận bồi thường, thì vợ con ông Định vẫn chẳng mảy may một lời động viên thăm hỏi gia đình ông hay qua thắp nén nhang hương khói vợ ông. “Có khi gặp ngoài đường mà họ hững hờ không thèm nhìn mặt, chẳng bằng người dưng. Tôi chỉ thương ông cụ (bố vợ) khóc suốt vì thương con gái. Các con đã đưa ông vào nam ở cùng con trai út cho nên ngôi nhà ấy (nơi xảy ra án mạng) giờ đã thành nhà hoang” ông Hòa ngậm ngùi.
Để nỗi đau không phải kéo dài dằng dặc, mặc dù con cái phản đối nhưng ông Hòa vẫn quyết chọn cách hỏa táng cho vợ. Hiện tại, sợ bố vẫn còn sốc và sẽ có những vị khách đến làm bố phải suy nghĩ mà bỏ bữa sinh bệnh, nên dù đi làm xa nhưng chốc lát các con ông lại gọi về hỏi thăm, nhắc bố ăn uống. Ông Hòa vẫn trả lời các con rằng “Tao vững tâm lắm”. Tỏ ra vui vẻ, nhưng ai cũng nhận ra sự suy sụp trông thấy qua dáng ngồi, qua giọng nói và cách phì phèo rít mạnh điếu thuốc của ông. Mặc dù cố kìm nén lòng mình để xoa dịu anh em và con cái nhưng ai cũng thấu nỗi mất mát vẫn luôn âm ỉ trong ông. Ngôi nhà vắng lặng chỉ một mình một bóng, người đàn ông lại ngồi ngước lên bàn thờ nhìn di ảnh vợ, nỗi đau khó có thể xóa mờ trong phút chốc.
Mỹ Phụng – Nam Dương