Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh sinh ngày 1/12/1920 tại xã Lộc An, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế.
Sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đã từ trần hồi 20h10 phút ngày 22/4 tại số nhà 5A Hoàng Diệu.
Tang lễ Đại tướng Lê Đức Anh tổ chức theo nghi thức Quốc tang.
11h30, Đoàn xe tang chậm rãi rời khỏi nhà tang lễ Quốc gia trong không khí trang nghiêm, rất nhiều người dân đứng đợi hai bên đường để vái vọng, tiễn đưa nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh về nơi an nghỉ cuối cùng.
11h20
Kết thúc lễ truy điệu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đội tiêu binh rước linh cữu nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh ra linh xa trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ trầm hùng.
10h50
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cho biết trong sáng nay có hơn 1.000 đoàn cơ quan, đoàn thể, địa phương, đơn vị, nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, tổ chức trong nước, quốc tế đã đến viếng Đại tướng Lê Đức Anh tại nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông; hội trường Thống Nhất (TP HCM) và Thừa Thiên - Huế. Nhiều nước cũng đã gửi điện chia buồn với Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Thay mặt ban tổ chức lễ tang, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình tuyên bố lễ truy điệu Đại tướng Lê Đức Anh bắt đầu. Sau đó, tất cả các đại biểu cùng gia quyến đứng nghiêm trang trong tiếng nhạc "Tiến quân ca".
10h45: Lễ truy điệu nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh chính thức diễn ra.
Linh cữu của Đại tướng Lê Đức Anh được phủ Quốc kỳ quàn tại vị trí trang trọng trong Hội trường nhà tang lễ Quốc gia. Phía trên lễ đài trang trí phông nền đen, treo Quốc kỳ có dải băng tang, trên di ảnh của nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh là dòng chữ trắng: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, nguyên Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Ban thờ đặt chính giữa phòng, lư hương, gối Huân chương cùng nhiều phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng đồng chí Đại tướng vì những công lao đóng góp của ông với đất nước.
Đứng nghiêm trang bên linh cữu của Đại tướng Lê Đức Anh là 4 sĩ quan quân đội mặc lễ phục và 6 chiến sĩ tiêu binh.
Lãnh đạo Trung ương, Thành ủy, UBND, HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM cũng xếp hàng nghiêm trang theo dõi lễ truy điệu nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh được truyền hình trực tiếp từ Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
10h30
Tại sân nhà tang lễ Quốc gia, đội nghi thức, đoàn xe tang và linh xa đã được chuẩn bị sẵn sàng cho lễ truy điệu Đại tướng Lê Đức Anh.
Trước đó, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình cho biết, để đảm bảo thời gian an táng tại TP.HCM và nguyện vọng của gia đình, lễ truy điệu được tổ chức lúc 10h45 phút ngày 3/5 thay vì 11h như đã thông báo trước đây. Lễ an táng vào hồi 17h cùng ngày tại nghĩa trang TP HCM.
Dự kiến, đoàn xe tang nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh sẽ khởi hành từ nhà tang lễ Quốc gia đi theo lộ trình: đường Trần Thánh Tông, Tràng Tiền, Tràng Thi, Điện Biên Phủ, qua nhà công vụ ông từng ở số 5A Hoàng Diệu, Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh, Phủ Chủ tịch rồi đi cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp ra sân bay Nội Bài vào TP.HCM.
Tại TP.HCM, linh cữu Đại tướng sẽ qua quân khu 7, nơi ông từng là Tư lệnh kiêm Chính uỷ quân khu, đi qua nhà riêng 240 Pasteur trước khi đến nghĩa trang TP.HCM.
10h15 sáng 3/5
Nhiều người dân vẫn đứng chờ hàng tiếng tại cổng nhà tang lễ Quốc gia, tiếc thương tiễn đưa Đại tướng Lê Đức Anh.
Bà Tuyết Vân (65 tuổi, một người hàng xóm sống gần nhà nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh) chia sẻ: "Tôi mới từ TP.Hồ Chí Minh ra, sáng nay đi có việc qua đây từ 8h30, tôi nán lại đây chờ linh xa ra rồi đứng vái vọng. Từ những năm 1977, khi tôi được về khu tập thể giáo viên trường đại học TP.Hồ Chí Minh, tôi vẫn ấn tượng với cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh, ông luôn sống đơn sơ giản dị và đức độ. Tôi vẫn nhớ về người hàng xóm thân thiện, luôn mỉm cười "Chào cô giáo" mỗi khi gặp mặt...".
10h sáng tại Hà Nội
9h40 tại Hà Nội
Vào chiều qua 2/5, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã có cuộc gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tại đây, lãnh đạo Chính phủ Campuchia bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn và lời chia buồn sâu sắc trước tin nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh từ trần. Ông Hun Sen nhấn mạnh Đại tướng Lê Đức Anh là người bạn thân thiết, người đã đóng góp cho sự nghiệp giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ vào năm 1979.
9h30: Những lời tri ân, tiễn biệt xúc động được ghi trong sổ tang viếng Đại tướng Lê Đức Anh
Trong sổ tang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh - nhà lãnh đạo xuất sắc với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, thực hiện nhiệm vụ giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, cũng như trong công cuộc đổi mới, hội nhập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đồng chí mất đi để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Chúng ta mãi nhớ về Đại tướng Lê Đức Anh, người đồng chí thân thiết, chí tình, một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo xuất sắc, một nhân cách đức độ, giản dị, gần gũi.
Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh - anh Sáu Nam kính mến!
Xin gửi đến toàn thể gia quyến lời chia buồn sâu sắc nhất trước nỗi đau thương mất mát vô cùng to lớn này!".
Trong sổ tang, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân viết: "Vô cùng thương tiếc và tưởng nhớ một vị tướng tài ba, quả cảm, trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn, là Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, gắn bó sâu nặng với nhân dân Nam Bộ, với quân dân Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM. Một nhà lãnh đạo xuất sắc có tầm nhìn sâu rộng trong những vấn đề chiến lược, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Xin kính cẩn nghiêng mình tiễn đưa đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh - Chú Sáu Nam về yên nghỉ trong lòng đất Nam Bộ Thành Đồng Tổ quốc".
9h tại Hà Nội
8h40 tại TP.HCM
8h30 tại Hà Nội, đã có rất nhiều người dân, các em học sinh chờ tại nhà tang lễ Quốc gia để tiễn đưa nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh
8h20 sáng 3/5 tại Hà Nội
8h10 sáng 3/5 tại Thừa Thiên - Huế
Clip: Em gái Đại tướng Lê Đức Anh đau xót tiễn đưa nguyên Chủ tịch nước
8h sáng 3/5
Tại nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, rất nhiều đoàn đại biểu các nước, các cơ quan đoàn thể tiếp tục vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.
7h40 sáng 3/5 tại TP.HCM
Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Thành mời đoàn Thành uỷ, HĐND, UBND, Mặt trận Tổ quốc và các thành viên ban Tổ chức lễ tang do Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân vào viếng nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh.
Trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ, đoàn đại biểu dành một phút tưởng niệm nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.
7h30 sáng 3/5
Tại quê nhà Đại tướng Lê Đức Anh ở thôn Nam, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhiều đoàn đại biểu, cơ quan đoàn thể cũng đến tham dự lễ viếng.
Clip: Người dân tại Thừa Thiên- Huế đến thắp hương viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh
7h20 sáng 3/5, Đoàn các cơ quan trung ương bắt đầu tiến vào dâng hoa viếng.
7h10 sáng 3/5
Đoàn Ban chấp hành Trung ương Đảng do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng đoàn vào viếng Đại tướng Lê Đức Anh. Trong đoàn có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; các vị nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Nguyễn Minh Triết, Trần Đức Lương; nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An...
Sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thắp hương trước linh cữu, Đoàn dành một phút mặc niệm trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ và đi vòng quanh linh cữu tiễn biệt Đại tướng Lê Đức Anh và phân ưu cùng gia quyến.
Lễ truy điệu bắt đầu lúc 10h45
Đúng 7h, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình có bài phát biểu mở đầu tang lễ, nhấn mạnh đến những đóng góp của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh qua nhiều trọng trách khác nhau. Để đảm bảo thời gian an táng tại TP.HCM và nguyện vọng của gia đình, lễ truy điệu được tổ chức lúc 10h45 phút ngày 3/5 thay vì 11h như đã thông báo trước đây. Lễ an táng vào hồi 17h cùng ngày tại nghĩa trang TP HCM.
Linh cữu Đại tướng Lê Đức Anh đặt ở trung tâm đại sảnh Nhà tang lễ. Trước linh cữu là bàn thờ và Quốc kỳ viền dải băng đen, tiếp đó là di ảnh của Đại tướng trong bộ quân phục.
7h00 sáng 3/5
Ban tổ chức lễ tang thông báo: Ban tổ chức đã chuẩn bị vòng hoa cho các đoàn vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân không mang vòng hoa vào viếng. Gia đình xin chân thành cảm ơn các cơ quan, tổ chức, cá nhân đến viếng nguyên Chủ tịch nước và xin phép không nhận tiền phúng viếng.
6h30 sáng 3/5
Tại Hà Nội, thời tiết mưa phùn nhẹ, rải rác có nơi có dông.
Các tuyến phố hướng về khu vực Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, các lực lượng phục vụ tang lễ Đại tướng Lê Đức Anh đã có mặt để thực hiện nhiệm vụ như lực lượng cảnh sát giao thông, dân phòng, chuẩn bị hỗ trợ đảm bảo trật tự giao thông trong lễ viếng nguyên Chủ tịch nước.
6h sáng 3/5
Ngày đầu tiên Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, lễ thượng cờ rủ bắt đầu. Đoàn thượng cờ khởi hành từ phía sau lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dẫn đầu đoàn thượng cờ là quân kỳ Quyết thắng, kế đến là đội tiêu binh. Đoàn thượng cờ đi một vòng ra phía chân cột cờ, 3 chiến sĩ đội hồng kỳ tiến lên phía cột cờ chuẩn bị các nghi thức thượng cờ và vòng trở về phía sau. Nghi thức diễn ra trang nghiêm, người dân xung quanh khu vực đều dừng mọi hoạt động hướng về phía cột cờ.
Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh diễn ra trong 2 ngày 3-4/5
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, UBTƯMTTQVN quyết định tổ chức tang lễ đồng chí Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nghi thức Quốc tang trong hai ngày 3-4/5.
Ban lễ tang gồm 39 vị lãnh đạo, do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban.
Lễ viếng chính thức diễn ra vào ngày 3/5/2019.
Linh cữu đại tướng Lê Đức Anh quàn tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ viếng bắt đầu từ 7 giờ đến 11 giờ, ngày 3/5/2019 và lễ truy điệu từ 11 giờ cùng ngày tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội) và tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM)...
Linh cữu được di chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM, lễ an táng từ 17 giờ cùng ngày (3/5/2019) tại Nghĩa trang TP.HCM.
Nhóm PV