Tâm lý tiêu dùng ngày càng tăng đang làm dấy lên hy vọng bên trong Nhà Trắng rằng người dân “xứ cờ hoa” sẽ nồng nhiệt hơn với sự lãnh đạo kinh tế của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Dữ liệu mới được công bố cho thấy sự cải thiện về giá cả và quan điểm của người tiêu dùng về nền kinh tế. Giá xăng đã giảm đáng kể trong năm nay, lãi suất thế chấp đã giảm và những rắc rối trong chuỗi cung ứng hầu như đã giảm bớt.
“Tài sản tiềm năng”
Đội ngũ cố vấn kinh tế của ông Biden đã lập luận trong nhiều năm rằng các chính sách của Tổng thống Mỹ thứ 46 đã tạo ra tăng trưởng mạnh mẽ và tỉ lệ thất nghiệp thấp, nhưng những lời kêu gọi đó đã không thu hút được sự chú ý của cử tri khi lạm phát cao làm “đau” túi tiền của người tiêu dùng Mỹ.
Việc giá cả trong những tháng cuối năm 2023 hạ nhiệt đã mang lại cho Nhà Trắng niềm tin rằng chương trình nghị sự Bidenomics có thể là một “tài sản tiềm năng” giúp họ thuyết phục cử tri trao cho vị Tổng thống 82 tuổi nhiệm kỳ thứ 2 vào năm 2024.
“Nếu nhìn lại cả năm, các vị sẽ thấy thực sự choáng váng về mức độ tiến bộ mà nền kinh tế đã đạt được”, bà Lael Brainard, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Nhà Trắng (NEC), nói với Bloomberg Television.
Niềm tin của người tiêu dùng tăng vọt “cho thấy rằng người Mỹ cuối cùng có thể bắt đầu cảm thấy tự tin hơn một chút, an toàn hơn một chút. Nhưng Tổng thống sẽ tiếp tục thúc đẩy chúng tôi làm việc”, bà cho biết.
Dữ liệu kinh tế được công bố trong vài tháng qua phần lớn là tích cực. Tỉ lệ lạm phát đã giảm nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là 2%. Tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức dưới 4% và nền kinh tế số 1 thế giới tăng trưởng mạnh mẽ.
Cụ thể, dữ liệu mới nhất, công bố hôm 22/12, cho thấy chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi – thước đo lạm phát ưa thích của Fed – hầu như không tăng trong tháng 11 và vẫn nằm dưới mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Mỹ trong 6 tháng qua.
Ngoài ra, 2 thước đo tâm lý người tiêu dùng Mỹ công bố trong tuần qua, bao gồm chỉ số tâm lý của Đại học Michigan và chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Conference Board, cũng ghi nhận mức tăng lớn hàng tháng.
Bà Brainard đã đặc biệt trích dẫn dữ liệu PCE mới nhất trong một loạt các lần “lên sóng” trên các phương tiện truyền thông Mỹ trong suốt ngày nó được công bố. Bà nói: “Điều đó sẽ mang lại cho mọi người niềm tin lớn rằng lạm phát sẽ giảm một cách bền vững và chúng ta có thể tiếp tục chứng kiến mức tăng trưởng tốt về thu nhập thực tế và tiền lương thực tế”.
Còn nhiều việc phải làm
Tuy nhiên, không hẳn tất cả đều đã tốt. Một cuộc thăm dò của Đại học Quinnipiac hôm 20/12 cho thấy 39% cử tri tán thành cách Tổng thống Biden xử lý nền kinh tế, trong khi 56% không tán thành.
Dù đó là một sự cải thiện đáng kể so với kết quả của cuộc thăm dò tương tự 18 tháng trước đó, khi chỉ có 28% cử tri chấp thuận, nhưng rõ ràng nhiều cử tri vẫn không hài lòng với nền kinh tế.
Theo một cuộc khảo sát của Bloomberg News/Morning Consult công bố đầu tháng này, ứng cử viên Tổng thống hàng đầu của Đảng Cộng hòa là ông Donald Trump đã dẫn trước ông Biden với tỉ lệ 51% so với 33%, khi cử tri được hỏi rằng họ tin tưởng ai hơn trong việc điều hành nền kinh tế.
Các cuộc khảo sát cũng thường xuyên cho thấy khoảng cách giữa cảm nhận của mọi người về nền kinh tế và cách nó hoạt động, theo một số thước đo mà Bloomberg theo dõi.
“Người dân không chú ý đến dữ liệu kinh tế vĩ mô, họ chỉ quan tâm đến giá hàng tạp hóa, trong khi thực tế giá hàng tạp hóa vẫn đang đắt hơn trước rất nhiều”, ông Michael Strain, Giám đốc Nghiên cứu Chính sách Kinh tế tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), cho biết.
“Chúng tôi đang đi đúng hướng nhưng chúng tôi còn nhiều việc phải làm – còn khá nhiều việc phải làm… theo tinh thần của Bidenomics”, ông Jared Bernstein, một cộng sự thân tín của ông Biden, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Mỹ (CEA), cho biết khi phản hồi với câu hỏi của Washington Post liên quan đến sự không hài lòng của cử tri đối với nền kinh tế.
“Nếu các vị định đánh giá chính quyền Biden dựa trên dữ liệu thăm dò ý kiến, các vị cũng nên đặt những câu hỏi chi tiết về chính xác những gì chúng tôi đang làm. Đồng thời, con người là trọng tài tốt nhất cho điều kiện kinh tế của họ. Nếu họ nói với tôi rằng họ đang cảm thấy tồi tệ, tôi sẽ tin họ. Chúng tôi đang nỗ lực làm việc theo những cách mà chúng tôi tin rằng sẽ thu hẹp khoảng cách giữa các chỉ số và tâm lý”, ông Bernstein nói.
Khoảng cách giữa cảm nhận và thực tế
Chính quyền Biden đã bắt đầu tranh luận một cách tế nhị rằng, đối với một số người, điều kiện đã thực sự được cải thiện ngay cả khi họ có thể không cảm thấy như vậy. Theo một phân tích của Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày 14/12, trung bình, một công nhân Mỹ vẫn còn lại trong túi 1.000 USD sau khi mua cùng một loại hàng hóa vào năm 2023 so với năm 2019, do thu nhập được điều chỉnh theo lạm phát đã tăng lên.
“Người Mỹ đang bắt đầu cảm thấy tốt hơn về nền kinh tế tổng thể, giống như họ đã từng cảm thấy tốt về tình hình tài chính của mình trong một thời gian”, ông Daniel Hornung, Phó Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Nhà Trắng (NEC), cho biết. “Khi lạm phát tiếp tục ở mức vừa phải, động lực đó sẽ chỉ tăng lên”.
Giá xăng vốn gắn liền với tâm lý người tiêu dùng, đã giảm mạnh từ mức cao sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2/2022.
Ông Neale Mahoney, Giáo sư Kinh tế tại Đại học Stanford, người từng phục vụ trong NEC, cho biết có 2 yếu tố đang góp phần tạo ra khoảng cách giữa cảm tính và dữ liệu: Độ trễ phản ứng và Tâm lý đảng phái.
Nghiên cứu từ ông Mahoney và cựu chuyên gia kinh tế Nhà Trắng Ryan Cummings cho thấy sức nặng tâm lý của lạm phát giảm dần khỏi tâm lý người tiêu dùng ở mức khoảng 50% mỗi năm, có nghĩa là mọi người không thư giãn ngay lập tức khi giá cả giảm xuống.
“Ngày nay, việc người tiêu dùng vẫn cảm thấy hơi sốc là điều khá hợp lý”, ông Mahoney nói. “Chúng tôi nghĩ rằng lực cản đi xuống từ lạm phát đối với tâm lý sẽ giảm bớt đáng kể”.
Đội ngũ cố vấn kinh tế của ông Biden cũng cảnh báo rằng các sự kiện luôn có thể làm chệch hướng quá trình phục hồi, ngay cả khi mọi người đang tràn trề hy vọng về việc tránh được một cuộc suy thoái.
Bà Brainard hôm 22/12 thừa nhận những rủi ro địa chính trị có thể đe dọa nền kinh tế Mỹ, bao gồm cả các cuộc tấn công ở Biển Đỏ làm gián đoạn hoạt động vận chuyển toàn cầu, mặc dù bà cho biết chúng vẫn chưa làm tắc nghẽn chuỗi cung ứng.
Minh Đức (Theo Bloomberg, Washington Post)