Pháp vừa có sự bứt phá ngoạn mục so với các đối thủ lớn ở châu Âu trong bảng xếp hạng hàng năm về các điểm đến cho đầu tư nước ngoài, Bloomberg đưa tin hôm 10/5.
Đây là tin vui và một “cú hích” cho Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi ông cố gắng nhấn mạnh những thành tựu kinh tế của mình sau cuộc vật lộn gây tổn hại về mặt chính trị nhằm cải cách hệ thống hưu trí của nước Pháp.
Chương trình nghị sự cải cách
Theo một báo cáo của hãng dịch vụ kiểm toán chuyên nghiệp đa quốc gia Ernst & Young (EY) có trụ sở tại London (Anh), số lượng dự án mới ở Pháp đã tăng 3% vào năm 2022, được hỗ trợ bởi nguồn tiền dành cho nghiên cứu và phát triển cũng như các lĩnh vực đang trải qua quá trình chuyển đổi như sản xuất xe điện.
Ở những nơi khác, Brexit tiếp tục đè nặng lên vận may của Vương quốc Anh, trong khi chi phí lao động cao và những khó khăn trong chuỗi cung ứng công nghiệp đã ảnh hưởng đến Đức, EY cho biết.
Tuy nhiên, theo EY, tốc độ tạo việc làm từ đầu tư nước ngoài ở Pháp thấp hơn ở Đức, Anh, Tây Ban Nha và Italy. Những dự án như vậy đã tạo ra khoảng 38.000 việc làm ở Pháp vào năm ngoái, so với gần 47.000 việc làm ở Anh.
Chính phủ của Tổng thống Macron đã nêu bật thành tích mạnh mẽ của Pháp trong bảng xếp hạng kể từ khi ông nhậm chức lần đầu tiên vào năm 2017 như một bằng chứng cho thấy chương trình nghị sự cải cách của ông đang mang lại hiệu quả.
Ông Macron dự định sẽ đưa ra thông điệp đó trong những ngày tới, trình bày dự luật thúc đẩy ngành công nghiệp xanh và triệu tập hội nghị thượng đỉnh hàng năm với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài tại Versailles, ngoại ô thủ đô Paris.
Nhà lãnh đạo Pháp cũng sẽ công bố khoản đầu tư trị giá 5,2 tỷ Euro từ Công ty Công nghệ ProLogium của Đài Loan (Trung Quốc) vào một nhà máy pin điện mới ở miền Bắc nước Pháp.
“Chúng tôi đã chứng minh rằng chúng tôi có khả năng đưa ra quyết định, thể chế vững chắc và khả năng thông qua cải cách, ngay cả những cải cách không được ưa chuộng”, ông Macron cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Challenges xuất bản hôm 10/5.
Tổng thống Macron vẫn còn nhiều việc phải làm để bắt đầu “một trang mới” sau nhiều tháng nước Pháp rung chuyển bởi sự giận dữ của công chúng về quyết định tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64, điều đã làm tổn hại đến uy tín của ông và tăng thêm khó khăn cho ông trong cuộc vật lộn nhằm giành được sự ủng hộ của đa số trong Quốc hội Pháp để thông qua các cải cách trong tương lai.
Tháng trước, Fitch Ratings đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Pháp xuống AA- từ AA. Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế cho rằng thâm hụt ngân sách của Pháp vẫn còn lớn và công cuộc đại tu hệ thống hưu trí sẽ chỉ có tác động tích cực vừa phải.
Fitch Ratings cũng cho rằng bế tắc chính trị và các cuộc biểu tình đôi khi biến thành bạo lực gây rủi ro cho chương trình nghị sự cải cách của ông Macron.
Biểu tình dai dẳng
Trở lại với báo cáo của EY. Theo EY các nhà đầu tư cũng quan tâm nhiều hơn đến triển vọng trung hạn của nền kinh tế Pháp, với chỉ 53% cho rằng sức hấp dẫn của đất nước sẽ cải thiện trong 3 năm tới, giảm từ mức 74% vào năm 2021.
“Căng thẳng chính trị và xã hội có thể khiến các nhà lãnh đạo doanh nghiệp quốc tế đặt câu hỏi về năng lực của chính phủ trong việc tiếp tục cải cách nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh, giảm nợ và thâm hụt thương mại, hỗ trợ đầu tư vào Made in France, đồng thời đầu tư vào cơ sở hạ tầng y tế và giáo dục”, EY cho biết trong báo cáo của mình.
Sau 13 đợt tổng đình công và biểu tình trên toàn quốc kể từ tháng Giêng nhằm phản đối cải cách hưu trí của Tổng thống Macron – với làn sóng phản đối gần nhất là vào Ngày Quốc tế Lao động (1/5), các nghiệp đoàn lao động Pháp đã kêu gọi một ngày hành động mới vào ngày 6/6 tới.
Nhưng đối với một số người biểu tình, việc đợi đến ngày đã hẹn là điều không tưởng. Ngay hôm 6/5, một cuộc “tuần hành của sự giận dữ” đã được tổ chức tại thành phố cảng Marseille ở miền Nam đất nước, quy tụ hơn 1.000 người, bao gồm cả nhà lãnh đạo của Đảng Nước Pháp Bất khuất (La France Insoumise) cực tả, Jean-Luc Mélenchon.
“Họ muốn chôn vùi chúng tôi, họ không biết rằng chúng tôi là hạt giống. Tôi muốn nói rằng tôi là hạt giống của sự tức giận. Tôi chiến đấu đặc biệt vì các con của mình”, một ngưởi biểu tình tên Catherine cho biết.
Hôm 6/5, nghiệp đoàn CGT có đường lối cứng rắn đã nhận lời gặp Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne vào ngày 16 hoặc 17/5. Theo một người phát ngôn của CGT, Tổng thư ký của nghiệp đoàn này, bà Sophie Binet, sẽ đến gặp bà Borne tại dinh thự của bà ở Matignon.
Kể từ khi ông Macron ký ban hành cải cách hưu trí thành luật hồi giữa tháng 4, bà Borne đã lặp lại lời mời đối với đại diện các nghiệp đoàn lao động lớn ở Pháp, nhưng không cung cấp một chương trình nghị sự cụ thể.
Ông Laurent Berger, lãnh đạo nghiệp đoàn CFDT ôn hòa, cho biết ông có thể nhận lời mời, nhưng cảnh báo rằng các cuộc đàm phán phải thực chất.
Trước đó, cuộc đàm phán giữa các nghiệp đoàn và Thủ tướng Borne hồi đầu tháng 4 đã thất bại, với việc Chính phủ Pháp từ chối hủy bỏ các thay đổi, bao gồm cả việc tăng tuổi nghỉ hưu tối thiểu từ 62 lên 64.
Minh Đức (Theo Bloomberg, RTL)