Ngày 14/11, Thành phố Hà Nội phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học "Triển khai Luật Thủ đô số 39/2024/QH15: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn".
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận vào 5 nhóm vấn đề chính. Nhóm vấn đề thứ nhất: Trên cơ sở Luật Thủ đô, các bài viết đã đề xuất xây dựng một hệ thống các văn bản, quy định, giải pháp để cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm thúc đẩy Thủ đô phát triển nhanh, bền vững, đóng góp nhiều hơn cho công cuộc xây dựng phát triển đất nước.
Nhóm vấn đề thứ hai: Từ tổng kết thực tiễn, từ kinh nghiệm triển khai Luật Thủ đô năm 2012 trong thời gian vừa qua, các bài viết đã đề xuất các giải pháp, các cơ chế, chính sách cụ thể trên tất cả các lĩnh vực; đồng thời, vừa nhấn mạnh tính khả thi, thống nhất, đồng bộ với hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành của đất nước, vừa làm rõ được những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội dành cho Thủ đô.
Đây là yếu tố quyết định để Luật Thủ đô sớm đi vào cuộc sống và có tính khả thi, giá trị thực tiễn, khắc phục được những tồn tại, hạn chế của việc triển khai thi hành Luật Thủ đô trong giai đoạn trước đây.
Nhóm vấn đề thứ ba: Từ kinh nghiệm quốc tế, các bài viết đã gợi mở cho Hà Nội việc vận dụng những cơ chế, chính sách phù hợp với vị trí, vai trò, chức năng của Thủ đô theo quy định của Hiến pháp năm 2013; giúp cho Thủ đô thực hiện hiệu quả, rõ nét hơn chức năng, nhiệm vụ không chỉ là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, mà còn là trung tâm lớn về kinh tế, về văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế; có sự so sánh giữa Luật Thủ đô với một số luật của Thủ đô một số nước trên thế giới.
Nhóm vấn đề thứ tư: Trên cơ sở phân tích, nghiên cứu tình hình quốc tế và đất nước, nhiều tham luận đã đề cập đến những yêu cầu quản trị, phát triển đặt ra đối với Hà Nội - một Thủ đô có quy mô dân số lớn so với thủ đô của các nước thế giới, của một quốc gia có quy mô dân số rất lớn, có nền kinh tế đang trong quá trình phát triển nhanh.
Nhóm vấn đề thứ năm: Việc xây dựng hệ thống văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô cũng đồng thời với quá trình xây dựng các chính sách, định hướng phát triển lớn của đất nước. Chính vì vậy, các bài viết cũng đặt ra nhiều nội dung cần tiếp tục nghiên cứu để có đóng góp thêm vào những thể chế, chính sách lớn của đất nước mà trong Luật Thủ đô chưa đề cập đến.
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đánh giá cao các ý kiến tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học đầy tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn, cụ thể, tập trung vào những nội dung quan trọng, nội dung khó, đóng góp cho thành phố những giải pháp, cách thức triển khai thi hành Luật Thủ đô.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết, đây là lần đầu tiên thành phố tổ chức hội thảo khoa học lớn để triển khai thực hiện, cụ thể hóa các nội dung của Luật Thủ đô sau khi được Quốc hội thông qua.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học giáo dục, trung động lực của vùng…
Đồng thời, không có Thủ đô nào trên thế giới mà xã nhiều hơn phường, huyện nhiều hơn quận, người dân sống ở nông thôn nhiều hơn người dân sống ở đô thị, song Hà Nội được xếp vào loại đô thị đặc biệt.
Từ những phân tích trên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, việc triển khai Luật Thủ đô cùng với các Nghị quyết, Chỉ thị quan trọng của Trung ương như một cú hích quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để Hà Nội phát triển nhanh và bền vững; thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị.
Trên cơ sở các ý kiến tham luận tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị UBND, HĐND TP và các đơn vị liên quan tiếp thu một cách nghiêm túc để cụ thể hóa vào các nội dung của Luật thuộc thẩm quyền của Thành phố.