“Lê đen Tây Tạng”: Đặc sản hay cú lừa?
Gần đây, một loại trái cây với ngoại hình độc lạ đang tạo nên “cơn sốt” tại Trung Quốc - lê đen Tây Tạng. Đúng như tên gọi, loại lê này có phần vỏ đen bóng, còn phần thịt quả bên trong có màu trắng như lê thông thường. Giá của lê đen Tây Tạng là 32 NDT (hơn 110.000đ)/kg.
Những người bán lê đen Tây Tạng khẳng định, đây là loại trái cây nổi tiếng, chất lượng cao được sản xuất ở cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng - nơi “sạch nhất thế giới”. Tuy nhiên, không ít người tiêu dùng sau khi mua loại lê này về đã phát hiện, lê bị thối rất nhanh, chỉ trong khoảng 1-2 ngày sau khi mua về.
Thậm chí, các nhân viên của Sở Nông thôn Tây Tạng cho biết, họ chưa từng nghe nói đến giống lê đen này. Vậy rốt cuộc, lê đen Tây Tạng có nguồn gốc từ đâu?
Biến lê thường thành “đặc sản” nhờ xử lý ở nhiệt độ cao
Một số chuyên gia đã vén bức màn bí ẩn đằng sau giống lê kỳ lạ này. Theo tiết lộ, lê đen Tây Tạng thực chất được tạo ra bằng cách xử lý quả lê thông thường ở nhiệt độ cao, khiến vỏ lê chuyển sang màu đen hiếm thấy. Điều này tương tự như việc lên men tỏi thường (không dùng hóa chất) để tỏi chuyển sang màu đen và thay đổi về mùi vị.
Mặc dù phương pháp xử lý này không ảnh hưởng đến phần thịt quả nhưng sẽ làm hỏng cấu trúc tế bào của vỏ quả, khiến quả lê dễ bị thối hơn. Hay nói chính xác hơn, đây là một kỹ thuật “thay da” để biến những quả lê thông thường thành một loại trái cây cao cấp, từ đó người bán có thể đẩy giá lên cao gấp nhiều lần.
Không ít cư dân mạng Trung Quốc đã chia sẻ trải nghiệm đau thương khi lỡ mua “lê đen Tây Tạng”. Có người đã bỏ ra 44 NDT (152.000đ) để mua 2 quả lê đen Tây Tạng, nhưng chúng đã bị thối ngay ngày hôm sau. Trong khi đó, một quả lê bình thường có thể bảo quản được khoảng 20 ngày.
Không có “lê đen Tây Tạng” tự nhiên
Một số chuyên gia nông nghiệp đã khẳng định rằng, hiện nay trên thế giới không có giống lê vỏ đen tự nhiên. Cái gọi là "lê đen Tây Tạng" hoàn toàn là sản phẩm nhân tạo.
Điều kiện khí hậu trên cao nguyên Tây Tạng cũng không thích hợp để trồng cây lê. Ngay cả ở thành phố Lâm Chi, nơi cao hơn mực nước biển gần 3.000m, vỏ trái cây có thể có màu đỏ tím do các yếu tố như chênh lệch nhiệt độ và tia cực tím, nhưng sẽ không bao giờ chuyển sang màu đen tuyền.
Hương Nguyễn (Theo 163.com)