“Chúng tôi đã mở cửa hoàn toàn với phương Tây, nhưng không phải bởi vì chúng tôi bị đánh bại. Chúng tôi tự nguyện làm điều đó, không có ai tạo sức ép với chúng tôi cả”, bà Zakharova cho hay.
Cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev, người kiến tạo chương trình cải cách kinh tế và chính trị “chỉ muốn kết thúc chạy đua vũ trang”, người phát ngôn cho biết thêm.
“Ông ấy muốn kết thúc Chiến tranh Lạnh. Và vì vậy chúng tôi đã mở cửa và bị lừa dối. Các bạn đáp lại bằng cách bao quanh chúng tôi với hàng rào thép gai”, bà Zakharova cho biết thêm.
Tất cả những gì mà Nga muốn ở châu Âu là sự hợp tác “để phát triển mối quan hệ kinh tế, thương mại và văn hóa”, theo bà Zakharova.
“Chúng tôi muốn các nước tự do đến thăm nhau, chúng tôi muốn loại bỏ thị thực. Nhưng họ luôn luôn xúc phạm chúng tôi”, nhà ngoại giao Nga cho hay.
“Việc này giống như vụ việc tàu ngầm Nga tại Thụy Điển, tất cả mọi người (làm như) biết chúng ở đó, nhưng không ai nhìn thấy chúng. Một tháng sau khi khiến tất cả người Thụy Điển hoang mang, truyền thông mới viết một bài nhỏ nói rằng thứ họ tưởng là tàu ngầm thực ra là thứ khác”, bà Zakharova khẳng định.
Nga giữa vòng vây trừng phạt
Những năm gần đây, Nga liên tục hứng đòn trừng phạt từ phương Tây. Hôm 15/3, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thông báo áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Nga bao gồm các cá nhân đã bị buộc tội bởi công tố viên đặc biệt Robert Muller. Các lệnh trừng phạt này nhằm trả đũa việc Nga đã tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Chính phủ Mỹ cũng tuyên bố các lệnh trừng phạt mới nhắm tới những người tham gia vào các cuộc tấn công mạng lớn khác. Danh sách trừng phạt có 5 thực thể và 19 cá nhân bao gồm cơ quan nghiên cứu Internet của Nga, cơ quan được cho là đã đăng lên các thông tin gây chia rẽ chính trị trên các mạng xã hội Mỹ và Yevgeniy Viktorovich Prigozhin, người cung cấp tài chính cho cơ quan này và có quan hệ sâu sắc với Tổng thống Vladimir Putin.
Lệnh trừng phạt của Mỹ được đưa ra cùng thời điểm với lệnh trừng phạt của Anh nhằm vào Nga liên quan tới vụ cựu điệp viên Nga và con gái nghi bị đầu độc ở Anh hôm 4/3. Thủ tướng Anh Theresa May cáo buộc Moscow đứng sau vụ việc này và tuyên bố trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga dù Nga phủ nhận mọi cáo buộc có liên quan.
Nước Nga cũng bị bủa vây bởi những đòn trừng phạt từ Liên minh châu Âu. Hôm 5/6 vừa qua, Tổng thống Putin đã phải ra lời kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) chấm dứt các biện pháp trừng phạt đối với nước này liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine, đồng thời khẳng định mong muốn cải thiện quan hệ với các nước Liên minh châu Âu.
Liên minh châu Âu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine từ tháng 3/2014 và các biện pháp trừng phạt thường xuyên được gia hạn 6 tháng/lần.
Có điều thực tế cho thấy, các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga cũng không mấy hiệu quả, khi nước Nga dần dần vượt qua các khó khăn kinh tế, trong khi chính một số nước EU lại phải điêu đứng vì các biện pháp trừng phạt đáp trả của Nga.
Ông Putin nói: “Tất cả các hành động trừng phạt làm tổn hại đến tất cả các bên, từ những nước áp đặt đến những nước bị áp đặt. Do đó, tôi nghĩ rằng dỡ bỏ trừng phạt là điều tất cả các bên đều mong muốn”.