Khi vừa bước xuống xe chở phạm nhân, Tiền đã dáo dác đưa mắt theo tiếng gọi của người thân. Mặt gã chợt biến sắc khi thấy vợ và đứa con nhỏ đứng gần đó... Tất cả cơ sự ngày hôm nay là do cách đây nửa năm, trong một lần uống say gã đã đi “hỏi chuyện” người “bắt nạt” vợ mình bằng gạch.
Bị cáo Lê Thanh Tiền trước vành móng ngựa |
Lê Thanh Tiền là con thứ 3 trong 1 gia đình nghèo có 8 người con. Vì hoàn cảnh khó khăn nên Tiền không được đi học mà sớm phải lăn lộn kiếm sống để phụ giúp gia đình. Do không biết chữ, Tiền chỉ kiếm được những công việc lao động chân tay, nhưng bù lại gã làm việc rất siêng năng và chăm chỉ.
Năm 2010, trong một lần đi làm công trình, Tiền quen biết chị Nguyễn Thị Quý (SN 1993, ngụ huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai). Khi đó, Tiền làm thợ hồ, còn chị Quý phụ giúp việc vặt. Cả hai người sau đó đã nảy sinh tình cảm và về chung sống với nhau như vợ chồng khi chị Quý bước sang tuổi 18.
Thời gian này, do gia đình vẫn còn nhiều em nhỏ chưa trưởng thành, Tiền cùng chị Quý ra ngoài thuê nhà trọ. Đến đầu năm 2013, “vợ chồng” Tiền đã có 2 đứa con. Cuộc sống càng thêm khốn khó khiến Tiền phải làm việc nhiều hơn. Tuy nhiên, Tiền cũng không chểnh mảng chuyện “giao lưu” với bạn bè.
Vì là người ở xã An Phước nên khi thuê nhà trọ ở đây, “vợ chồng” Tiền không mấy lạ lẫm với ai. Họ nhanh chóng quen thân với nhiều người, trong đó có anh Đỗ Hữu Lộc (SN 1969), ở gần nhà trọ của Tiền. Thường ngày, họ vẫn chào hỏi nhau mỗi khi gặp mặt. Anh Lộc thi thoảng còn nhờ chị Quý đi chợ mua đồ giúp mỗi khi đến bữa. Hôm nào anh Lộc nhờ mà chị Quý không đi, chị cũng cẩn thận gửi hàng xóm giùm.
Thế nhưng, chẳng hiểu nguyên cớ tại sao, từ sau khi chị Quý sinh cháu thứ 2 khoảng 1 tháng, anh Lộc có những lời nói, hành động khó hiểu. Chị Quý cho biết, khoảng đầu tháng 3/2013, cứ mỗi khi gặp chị ở ngoài đường là anh Lộc lại buông lời chửi bới, dọa nạt. Trong đó có 3 lần khi chị Quý đi chợ về thì gặp anh Lộc ngang đường. Khi giáp mặt, anh Lộc bỗng dưng hăm dọa: “Tao đập chết cha mày giờ...”.
Chị Quý vừa thấy lạ vừa thấy sợ nên mấy hôm đó, trước khi đi ngủ có kể lại với Tiền về biểu hiện lạ của anh Lộc. Tiền nói sẽ hỏi anh Lộc chuyện này, nhưng sáng hôm sau ngủ dậy thì Tiền quên mất. Sự việc trôi qua khoảng hơn 1 tuần, việc anh Lộc bắt nạt chị Quý không còn được nhắc đến, cả hai bên cũng gần như quên luôn sự việc.
Do anh Lộc thời gian này đang thất nghiệp, lại biết chị Quý có họ hàng với chủ công trình nơi Tiền đang làm nên nhờ chị Quý xin việc giúp. Chị Quý vui vẻ nhận lời, thế nhưng anh Lộc đi làm được 1 hôm thì ngày hôm sau công trình hết việc. Tiền cùng làm chung nên rủ anh Lộc và một người bạn nữa mua rượu về nhà nhậu.
Ngày 20/3/2013, Tiền và anh Lộc nhậu tại nhà 1 người bạn. Sau chầu nhậu ai về nhà nấy. Nhưng trong lúc ngà ngà hơi men, Tiền bỗng sực nhớ lại chuyện chị Quý kể cách đó hơn 1 tuần rằng anh Lộc có hăm dọa đánh mình. Do lời hứa với “vợ” sẽ hỏi chuyện này cho ra nhẽ nên Tiền lếch thếch đi về phía nhà của anh Lộc gần đó.
Đến nơi, Tiền thấy anh Lộc đang đứng ở bãi đất trống gần nhà, Tiền bắt đầu gợi chuyện hôm trước: “Sao ông hăm đánh vợ tôi hoài vậy? Vợ tôi đã làm gì?”. Anh Lộc ngớ người ra một lúc rồi như nhớ lại và trả lời: “Tao nói giỡn chơi thôi, tao có làm gì đâu”. Lời qua tiếng lại một hồi, mâu thuẫn bỗng trở nên gay gắt, Tiền đẩy anh Lộc ngã xuống đất rồi bỏ chạy.
Anh Lộc bị đánh bất ngờ, tức giận đuổi theo. Thấy anh Lộc bám theo mình, Tiền cúi xuống nhặt viên gạch rồi quay lại ném anh Lộc. Viên gạch trúng phần cổ trái của anh Lộc khiến anh này gục tại chỗ. Gây án xong, Tiền sợ hãi chạy về nhà không nói gì, sau đó lại chạy qua nhà một người bạn ngồi. Anh Lộc được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng đến sáng hôm sau thì qua đời vì xuất huyết não. Tiền bị công an bắt giữ ngay sau đó.
Trong phiên tòa hôm đó, nỗi đau mất em của chị Đỗ Thị Thanh Hương (SN 1967, chị nạn nhân) lại bị gợi lại. Chị Hương ngồi ở hàng ghế đầu nghe vị đại diện Viện kiểm sát đọc cáo trạng và những lời khai của Tiền thì bật khóc vì em mình mất mạng một cách tức tưởi. Ngồi cạnh chị Hương là người cha già gần 70 tuổi của Tiền. Thấy người nhà nạn nhân khóc, ông lão chỉ biết cúi đầu run run. Ông giận đứa con mình vì một phút nông nổi mà gây ra nỗi đau quá lớn cho người khác, còn bản thân thì vương vào vòng lao lý.
Không ít người khi nghe các tình tiết vụ án đều lắc đầu vì bị cáo quá manh động trong cách giải quyết sự việc. Vì một mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống, hơn nữa sự việc đã qua từ trước đó, vậy mà khi say rượu Tiền lại bới móc lại rồi gây ra án mạng đau lòng đến vậy. Trong cách giải quyết vụ việc, Tiền cũng vô cùng đáng trách, lẽ ra là chỗ quen biết thì chỉ cần nói với nhau một cách nhẹ nhàng, đằng này Tiền lại dùng “gạch thay lời muốn nói”.
Tuy nhiên, trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình Tiền, chị Hương, người đại diện hợp pháp của anh Lộc cũng hiểu và thông cảm cho gã. Khi Hội đồng xét xử hỏi về việc đề nghị mức án cho Tiền, chị Hương đã nói: “Nó (Tiền-PV) mà ở tù lâu thì tội vợ con nó quá, tôi cũng không làm khó nó làm gì. Em tôi cũng không may mà chết rồi, mong tòa giảm án cho nó phần nào cũng được, để nó sớm về nuôi vợ con”.
Chị gái nạn nhân kể lại cuộc đời éo le của em trai mình |
Giờ nghị án, Tiền đưa mắt về phía “vợ” con như muốn nói điều gì đó nhưng rồi gã lại cúi xuống. HĐXX nhận định, hành vi của bị cáo đặc biệt nghiêm trọng, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống mà đã gây ra cái chết đáng tiếc của anh Lộc, gây mất trật tự xã hội, do đó cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc nhằm giáo dục riêng và phòng ngừa chung. Tuy nhiên, xét các tình tiết giảm nhẹ đặc biệt là phần xin giảm án của gia đình bị hại, tòa tuyên phạt Lê Thanh Tiền 15 năm tù giam về tội “Giết người”.
Mặc dù mức án thấp hơn so với đề nghị Viện kiểm sát đưa ra, nhưng Tiền vẫn mếu máo khóc. Ôm đứa con nhỏ vào lòng, người phụ nữ chung sống với Tiền như vợ chồng mắt cũng rơm rớm. Người cha già của Tiền thì đứng chết lặng khi nhìn con trai ra xe trở về trại giam. Trước mắt Tiền là những tháng ngày sám hối trong tù ngục, ở đó, chắc chắn gã sẽ nghĩ về những tháng ngày tự do, về cuộc sống có “vợ” con bên cạnh. Và nhớ rằng chỉ vì sốc nổi, thiếu kiềm chế mà gã đã ra tay giết người... để rồi phải trả một cái giá quá đắt bằng những tháng năm mất tự do dài đằng đẵng.
Theo Phạm Văn - Đông Phong (Pháp luật Việt Nam)