Tốt nghiệp THPT năm 2007 nhưng vì điều kiện gia đình, anh Tô Văn Bình (SN 1985, xã Đại Chánh, Đại Lộc, Quảng Nam) đành phải bỏ dở con đường học tập để vào Nam làm ăn, phụ giúp ba mẹ trang trải cuộc sống và lo cho các em.
Khi công việc dần ổn định, anh tiếp tục theo đuổi việc học và đã có trong tay tấm bằng cử nhân luật hệ tại chức. Thế nhưng, chuyện xin việc ngày càng khó khăn. Sau nhiều đêm trằn trọc anh Tô Văn Bình quyết định chuyển sang hướng đi khác để phát triển kinh tế gia đình.
“Thời điểm làm trong tỉnh Bình Dương, tôi tham gia học thêm lớp tại chức do đại học Huế mở. Suốt 4 năm kiên trì làm ngày - học đêm, tôi đã lấy được tấm bằng cử nhân luật. Về quê, với mong ước xin được việc, thế nhưng chuyện xin việc ngày càng khó nên bản thân đành tìm cho mình một hướng đi khác”, anh Bình nhớ lại.
Năm 2017, anh đầu tư gần 30 triệu đồng, là số tiền tích góp được trong quá trình đi làm ăn xa, đầu tư nuôi con dúi (cúi núi). Ban đầu, anh xây một chuồng nhỏ, diện tích chỉ khoảng 4m2 theo kiểu nhà tầng để nuôi 2 cặp dúi rừng.
Để tìm hiểu kỹ thuật và con giống, anh đã đi đến các trại nuôi dúi ở Quảng Nam để học hỏi.
"Việc nuôi dúi lấy thịt thì đảm bảo, nhưng nuôi để sinh sản thì bản thân chưa có kinh nghiệm nên phải mất gần 1 năm trời mày mò, đàn dúi của tôi mới bắt đầu sinh sản”, anh Bình nhớ lại quãng thời gian khó khăn khi khởi nghiệp.
Gần 1 năm sau, 2 cặp dúi bắt đầu sinh sản. Từ thành công bước đầu anh mạnh dạn đầu tư hơn 60 triệu đồng xây chuồng trại trên diện tích gần 100 m2. Vào giữa năm 2020 đàn dúi của anh đã được nhân lên thành 150 con.
Với dúi thương phẩm, trung bình mỗi con phải chăm sóc trong 8 - 12 tháng, cho trọng lượng 1,2 - 1,5 kg/con, giá bán từ 500.000 - 700.000 đồng/con. Nếu bán dúi giống, tùy theo kích cỡ giá sẽ trong khoảng từ 700.000 đồng - 1,4 triệu đồng/con.
Chia sẻ về kỹ thuật nuôi dúi, anh Bình cho biết, dúi dễ nuôi, chủ yếu ăn đêm ngủ ngày, thức ăn cũng dễ tìm như cây cỏ, mía, rau củ. Với lợi thế đất vườn rộng, anh Bình chủ động trồng nguồn thức ăn ngay tại vườn, góp phần giảm kinh phí chăn nuôi.
Đặc điểm của dúi là không cần uống nhiều nước, chất thải ra ít và khô nên thường 15 -17 ngày mới phải dọn chuồng một lần. Dúi chịu lạnh tốt. Nếu thời tiết nắng nóng có thể phun sương trên mái che tạo nhiệt độ dưới 33 độ C để dúi sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh.
Dúi là loài sinh sản khá nhanh, 1 năm khoảng 3 - 4 lứa, mỗi lứa khoảng 2 - 5 con. Nuôi được khoảng 6 - 7 tháng là thời điểm dúi phát dục, cần ghép đôi để chúng giao phối. Qua theo dõi, nếu hai cá thể không xung đột thì ghép đôi với nhau. Sau 15 ngày tách đôi để dúi cái dưỡng thai và sinh con. Khi dúi sinh được 1 tháng thì tách dúi con sang chuồng nuôi thương phẩm...
Chuồng nuôi dúi cũng chỉ cần thiết kế đơn giản, không tốn nhiều diện tích, 100m2 là đủ không gian sống cho 400 con. Chuồng có thể xây hoặc đổ tấm bê tông gắn lại với nhau theo kích thước cao 60cm, rộng 50 cm, dài 50 cm. Tuy nhiên, chuồng phải kín gió, ở nơi ít tiếng động, không bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào.
Anh Bình cho biết, thịt dúi rất thơm ngon, mát, giàu đạm nên được nhiều tiểu thương và các nhà hàng trong huyện, tỉnh tìm mua. Nuôi dúi rừng hiệu quả kinh tế rất cao, trung bình nếu cứ 100 con mẹ thì 1 năm sẽ cho thu nhập gần 200 triệu đồng.
Để phục vụ việc nhân đàn, anh Bình bán ra số lượng dúi hạn chế, chủ yếu là dúi sinh sản. Nhờ con dúi, cuộc sống vài năm nay của anh khá ổn định, mỗi năm thu nhập khoảng 200 triệu đồng.
Mô hình phát triển kinh tế của anh Bình đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ huyện đoàn Đại Lộc và chính quyền địa phương. Huyện đoàn Đại Lộc đang tiếp tục tạo điều kiện để nhân rộng mô hình này cho thanh niên, tạo cơ hội xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Minh Hoa (t/h theo Dân Trí, báo Quảng Nam)