30 năm giữ lửa
Trên căn gác nhỏ trong con ngõ 25 đường Lý Tự Trọng, TP.Hà Tĩnh, ông Trương Quang Dũng vẫn đang miệt mài làm những chiếc đèn ông sao cuối cùng để kịp giao cho khách hàng. Bước sang tuổi 70 với 30 năm làm đèn Trung thu nhưng niềm cảm hứng của ông vẫn chưa bao giờ tắt. Ông nói, ông làm đèn không phải vì tiền mà vì mỗi khi làm những chiếc đèn ông sao lấp lánh, ông cảm thấy rất vui như được sống lại kí ức tuổi thơ.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm ngành văn hóa, tuổi thơ của ông Trương Quang Dũng gắn bó với chiếc loa phát thanh của bố, chiếc đèn ông sao, với lễ hội rước đèn truyền thống vào dịp Tết Trung Thu. Mỗi dịp Tết Trung thu, ông lại một mình đạp xe dạo quanh phố phường. Nhìn những cánh hàng rong, những cửa hàng lấp lánh chiếc đèn lồng hiện đại, và có cả đồ chơi bạo lực, ông rất trăn trở. Từ đó, ông quyết định, sẽ làm những chiếc đèn thủ công truyền thống để gìn giữ nét văn hóa.
“Có những đồ chơi tẩm hóa chất rất độc hại, có những đồ chơi lại mang tính bạo lực. Thông qua những đồ chơi như thế sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường và mất an toàn cho các cháu. Qua chiếc đèn, tôi muốn gửi gắm các bậc phụ huynh giữ được truyền thống, muốn những cháu thiếu niên nhi đồng hiểu được nét đẹp Tết Trung thu cổ truyền của dân tộc”, ông Dũng chia sẻ.
Mỗi một chiếc đèn đều được ông làm rất cẩn thận, từ khâu chọn tre nứa, làm khung đến những nếp dán. Ông nói, càng tỉ mỉ bao nhiêu thì tuổi thọ chiếc đèn càng lâu bấy nhiêu. Một chiếc đèn ông làm có thể dùng được 3 – 4 mùa Trung thu, rất tiết kiệm.
Để làm được một chiếc đèn đảm bảo tiêu chuẩn thì việc đầu tiên là phải ra chợ chọn mua tre hoặc nứa, chọn loại thẳng, đẹp, màu vàng óng, có độ dẻo vừa phải. Sau khi tính toán kích thước chiếc đèn lúc đo mới “ra” tre nứa. Tiếp đến là kết khung rồi cắt giấy bóng. Giấy dán đèn ông sao mang 2 màu đặc trưng là màu vàng và đỏ. Riêng dán cũng phải có 3 công đoạn gồm đính hồ, đính băng, dính trong và dán giấy nhũ để trang trí. Bước cuối cùng là quấn giấy cán và làm vòng trăng. Ngoài đèn ông sao, ông Dũng còn làm các loại đèn cá cũng bằng chất liệu tương tự.
“Một chiếc đèn tùy kích cỡ to nhỏ, thường thì thì tôi làm mất 4 tiếng đồng hồ đến 1 ngày. Trung bình mỗi mùa trăng rằm, tôi làm được 40 chiếc đèn với giá từ 300 – 1 triệu đồng. Từ khi tôi làm đèn đến nay, lượng người mua đèn khoảng vài ba năm trở lại đây rất đông. Nếu như trước đây, tôi phải cột sau xe đạp hoặc xe máy để đi bán rong thì nay lại được khách hàng tìm đến tận nhà. Mỗi mùa Trung thu là điện thoại đặt hàng lại reo liên tục. Không những trong nội thành phố mà các huyện Nghi Xuân hay Kỳ Anh cũng đều đặt mua đèn của tôi làm. Tôi vui lắm. Vui không phải vì bán được nhiều mà vui vì tết Trung thu đã dần trở về đúng ý nghĩa của nó”, ông Dũng hào hứng.
Trung thu có Bác
Điều đặc biệt ở những chiếc đèn ông làm đó là không bao giờ thiếu tấm ảnh Bác Hồ đặt giữa những cánh sao. Đối với ông, chiếc đèn đẹp không phải cứ có màu mè, hoa văn sặc sỡ mà phải đẹp ở ý nghĩa của nó. “Ảnh Bác Hồ nằm ở giữa, bao quanh là ô vuông màu tím tượng trưng cho màu hoa sen ở Làng Sen quê Bác. Ảnh được dán trên màu đỏ - màu của dân tộc, chiếc đèn hình sao 5 cánh tượng trưng cho 5 châu lục – đường hướng ngoại giao của nước ta. Mỗi dịp Trung thu là để nhắc nhở các cháu thiếu niên, nhi đồng chăm ngoan, học giỏi như tình yêu thương mà Bác đã gửi gắm. Trung thu mà không có ảnh Bác thì không còn là Trung thu”, ông Dũng truyền tải ý nghĩa của chiếc đèn.
Đánh giá cao những đóng góp của của ông Trương Quang Dũng trong việc giữ gìn nét văn hóa truyền thống, ông Phạm Mạnh Hiền, Trưởng phòng Văn hóa thông tin, UBND TP.Hà Tĩnh cho biết, có những người “giữ lửa” như ông Dũng sẽ hướng cho người dân, đặc biệt là các em nhỏ hiểu hơn và nét văn hóa truyền thông, về tết Trung thu của dân tộc để không bị mai một.
“Những năm gần đây, xu hướng các bậc phụ huynh chọn mua những chiếc đèn hiện đại có xuất xứ nước ngoài cho con em chơi dịp Trung Thu giảm rõ rệt. Thay vào đó, những chiếc đèn thủ công truyền thống bằng giấy lại được người dân yêu thích lựa chọn. Đặc biệt, ở các khối phố, đều có một chiếc đèn ông sao để tổ chức đi rước đèn. Đây là nét văn hóa rất cần được phải phát huy và giữ gìn”, ông Hiền nói.