Chinh phục đỉnh cao từ niềm đam mê
Trước khi đến với "nóc nhà Đông Dương", cụ Huỳnh Văn Ráng (ngụ Lái Thiêu, TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương) từng chinh phục nhiều ngọn núi khu vực phía Nam. Từ Núi Cấm (tỉnh An Giang) cho đến núi Chứa Chan Gia Lào (tỉnh Đồng Nai), nơi nào cũng có dấu chân của cụ. "Mỗi năm, tôi leo dăm, bảy lần. Nhưng núi trong Nam không có ngọn nào cao lắm, khoảng một ngàn mét (so với mực nước biển - PV) đổ lại. Có ngọn núi, tôi leo lên leo xuống mấy lần. Khi leo thì có thấy mệt thật nhưng sau đó thấy người khỏe ra, ăn ngủ nhiều hơn, tinh thần cũng thoải mái hơn", cụ Ráng chia sẻ.
Cụ ông 83 tuổi xác lập kỷ lục "Người cao tuổi ba lần chinh phục đỉnh Phan Xi Păng (Ảnh Vinh Điền).
Trong suốt cuộc trò chuyện, cụ Ráng luôn hồ hởi kể về những chuyến leo núi, nhất là cuộc hành trình chinh phục "nóc nhà Đông Dương". Vào năm 2005, trong chuyến du lịch đến Sa Pa (tỉnh Lào Cai), cụ như bị hút hồn bởi đỉnh Phan Xi Păng (nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn) hùng vĩ. Cụ định chinh phục đỉnh núi nổi tiếng này trong chuyến đi đó, nhưng do tuổi đã cao nên các cán bộ ở trạm kiểm lâm (đỉnh đèo Trạm Tôn) không cho phép, cụ đành miễn cưỡng chiêm ngưỡng cảnh núi non qua đài quan sát. Cũng từ chuyến đi đó, cụ ấp ủ trong lòng ước mơ được một lần đặt chân lên đỉnh núi có một không hai này.
Hai năm sau, khi đã 77 tuổi, cụ Ráng quay trở lại Sa Pa và quyết lòng chinh phục đỉnh cao. Rút kinh nghiệm từ chuyến đi trước, lần này, cụ không khai tuổi thật với các cán bộ ở trạm kiểm lâm để tránh vấn đề tuổi tác, nhưng vẫn không được chấp nhận bởi "xưa nay chưa thấy cụ già nào đến đây xin leo núi, ngoài bác" - lời của cán bộ trạm kiểm lâm nói với cụ Ráng. "Thấy tôi năn nỉ một hồi, mấy ông cũng xiêu lòng, nhưng vẫn chưa chịu cho tôi leo. Mấy ông ấy dẫn tôi đến công ty du lịch gần đó để tôi đăng ký. Thế nhưng, cũng như mấy ông cán bộ kiểm lâm, nhân viên của công ty này không đồng ý cho tôi leo núi. Đến khi tôi để họ kiểm tra chân, tay, cơ bắp thì họ mới chấp nhận", cụ nhớ lại.
Sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký, cụ cùng hai người "tùy tùng" (một nhân viên hướng dẫn và một anh "cửu vạn" khuân vác đồ đạc) lên đường. Thời gian cụ Ráng leo bắt đầu từ lúc 8h sáng cho đến 17h chiều thì đến được đỉnh cao 2.900m. Cụ nghỉ lại ở trạm dừng chân một đêm thì quay trở xuống chân núi. "Đặt chân lên đỉnh núi Phan Xi Păng cao vời vợi phải đi bộ băng rừng, leo núi, vượt thác đá gập ghềnh mới khám phá được thiên nhiên hùng vĩ của đất trời. Ngoài hai chữ tuyệt vời ra, tôi không biết phải dùng từ nào để diễn tả", cụ chia sẻ cảm xúc khi đặt chân lên "nóc nhà Đông Dương".
Ước mơ thành hiện thực, nhưng cụ vẫn chưa thỏa lòng. Độ cao lý tưởng của đỉnh Phan Xi Păng có sức hấp dẫn kỳ lạ và luôn là thách thức thôi thúc cụ tìm đến thêm hai lần nữa, một lần vào năm 2010 và gần đây nhất là vào tháng 6/2013, khi cụ đã 83 tuổi. Theo cụ thì lần này thuận lợi hơn nhiều vì tiếng tăm của "ông già leo núi" nhanh chóng được nhiều người biết đến. "Mấy chuyến sau, trước khi đi, tôi đều liên hệ trước. Nghe thấy tên tôi là họ đồng ý ngay mà không cần chần chừ, do dự", cụ bộc bạch.
Theo cụ Ráng, thành tích mà cụ đạt được vẫn chưa thật sự hoàn hảo. Bởi cụ vẫn chưa lên đến trạm cuối, chưa khám phá sự kì bí ở đỉnh cao nhất Phan Xi Păng. Cụ dự định trong chuyến đi thứ ba vừa rồi sẽ phá kỷ lục của hai lần trước, chinh phục cho bằng được độ cao 3.143m của đỉnh núi hùng vĩ này, nhưng gia đình lo ngại về tình trạng sức khỏe của cụ nên không đồng ý, cụ đành hoãn lại. Cụ vui cười cho biết thêm: "Tôi chuẩn bị hai túi đồ, định trốn gia đình đi trước ra ngoài đó leo cho hết đoạn đường còn lại. Nhưng nếu đi như vậy, ở nhà không ai biết thì sẽ lo lắng. Nghĩ lại thấy không ổn, thôi để lần sau vậy. Tôi định sang năm 2014 làm một chuyến nữa, nhất định phải lên đến đỉnh cao nhất, tôi mới chịu".
Cho đến nay, đỉnh Phan Xi Păng vẫn là đích đến của những ai có ý chí, muốn thử sức, cùng với niềm đam mê chinh phục, khám phá. Những người chinh phục đỉnh núi này ngoài sức khỏe, cần phải có lòng kiên trì. Bởi theo cụ Ráng thì cuộc hành trình từ chân núi lên đến đỉnh gặp không ít khó khăn. "Đường đi hiểm trở, gập ghềnh, vách đá cheo leo có thể gặp sự cố bất cứ lúc nào. Càng lên cao, đường càng vắng vẻ, không có người dẫn đường, sẽ bị lạc ngay", cụ tâm sự.
Cụ Ráng trong cuộc hành trình chinh phục "nóc nhà Đông Dương" (Ảnh nhân vật cung cấp).
Kinh nghiệm rèn luyện sức khỏe
Chuyện "xưa nay hiếm" Ba lần chinh phục đỉnh Phan Xi Păng để lại không ít kỷ niệm trong lòng cụ Huỳnh Văn Ráng. Trong những cuộc hành trình leo núi, cụ gặp một số du khách trong và ngoài nước, già có trẻ có, cùng hăng say chinh phục đỉnh núi. Thế nhưng, khi lên đến đỉnh núi thì còn lại duy nhất cụ là người lớn tuổi. "Leo đến độ cao như vậy, mấy ông Tây luôn trầm trồ khen ngợi về sức khỏe dẻo dai của tôi, một số người mời tôi chụp hình để về làm kỷ niệm. Một số người dân tộc thì lắc đầu. Họ nói: "Trước giờ, chưa thấy người 60 - 70 tuổi leo đến đây, huống hồ ông đã ngoài 80", cụ Ráng kể lại. |
Trải qua cuộc đời thăng trầm, cụ Huỳnh Văn Ráng mới thực sự thảnh thơi, an hưởng tuổi già khi các con của cụ đã thành gia lập thất và ổn định cuộc sống. Trong những chuyến du lịch, gia đình thường chọn những địa điểm núi non trập trùng để cụ leo núi cho thỏa chí đam mê. Cụ leo núi là để rèn và kiểm tra sức khỏe, nhưng dần dần, môn thể thao này trở thành sở thích của cụ.
Việc cụ Ráng chinh phục thành công "nóc nhà Đông Dương" không chỉ là vấn đề kỷ lục mà trên hết là kinh nghiệm rèn luyện sức khỏe. Ở vào độ tuổi "xưa nay hiếm", nhưng trông cụ vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát, da dẻ hồng hào. Sức khỏe của cụ là niềm mơ ước của các bậc bô lão hiện nay. Để có sức khỏe tốt, cụ phải tập luyện đều đặn mỗi ngày. Vì theo cụ, sức khỏe là thứ quý nhất, không gì có thể sánh được. Cụ quan niệm: "Muốn thành công ở bất cứ lĩnh vực nào, mỗi người cần có sức khỏe tốt. Người ta thường nói, sức khỏe quý như vàng. Nhưng tôi thì nghĩ khác, không gì có thể mua được sức khỏe mới đúng. Có sức khỏe là có tất cả". Và đó cũng chính là bí quyết thành công của cụ.
Mấy mươi năm trước, ở vào tuổi trung niên, cụ Ráng cũng thường xuyên mắc phải những chứng bệnh lặt vặt. Mọi phương thuốc từ Đông cho đến Tây y chỉ có thể làm giảm bớt, chứ không sao trị dứt bệnh. Một người bạn thân đã bày cho cụ trị bệnh bằng cách tập dưỡng sinh, nhưng do công việc khá bận bịu nên cụ không có thời gian đi đến lớp dưỡng sinh mỗi ngày. Cụ tự học các bài tập dưỡng sinh từ sách kết hợp với thuốc thang. Dần dần, cụ thoát được các chứng bệnh tuổi già và có sức khỏe dẻo dai.
Chuyện cụ Ráng ba lần chinh phục đỉnh Phan Xi Păng nhanh chóng loan truyền, từ những cụ già cho đến các thanh niên trai tráng đều ngưỡng mộ cụ. Ngày 8/9/2013, ban đại diện Tổ chức kỷ lục Việt Nam tại Bình Dương đã xác lập 12 kỷ lục cấp tỉnh, trong đó, cụ Huỳnh Văn Ráng giữ kỷ lục "người cao tuổi ba lần chinh phục đỉnh Phan Xi Păng". Chia sẻ về điều này, cụ khiêm tốn cho biết: "Bản thân tôi cũng rất bất ngờ vì tôi leo núi chủ yếu để rèn cho mình có một sức khỏe dẻo dai, sức chịu đựng bền bỉ và tính kiên trì. Tôi chỉ xem đó là cách để kiểm tra sức khỏe của mình, mong muốn làm tấm gương nho nhỏ về sức khỏe cho con cháu noi theo, chứ không dám nghĩ đến việc được hoan nghênh, vinh danh hay nổi tiếng…".
Vinh Điền