Ngày 7/7, bác sỹ CKII Huỳnh Phiến, chuyên khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình, bệnh viện Gia Đình, TP.Đà Nẵng cho biết, vừa điều trị thành công cho bệnh nhân 92 tuổi bị gãy xương có nhiều bệnh nền.
Bệnh nhân là cụ Nguyễn T. (92 tuổi). Gia đình cho biết, cụ bị trượt ngã trong sinh hoạt. Ngay sau đó, gia đình đã đưa cụ đến bệnh viện khám.
Bác sĩ xác định, cụ bị gãy liên mấu chuyển xương đùi phải với rất nhiều bệnh kèm như loãng xương, tim thiếu máu cục bộ, hẹp hở van động mạch chủ, gù vẹo cột sống và nguy cơ dinh dưỡng mức độ nặng, cân nặng hiện tại chỉ 44kg, cứng khớp toàn thân đặt biệt là phần cột sống cổ.
Bác sĩ quyết định áp dụng kỹ thuật kết hợp xương dưới màng tăng sáng với sự hỗ trợ của gây tê ngoài màng cứng tê tủy sống có lưu catheter, tức sử dụng một ống nhựa có kích thước rất nhỏ để truyền thuốc tê vào khoang ngoài màng cứng trong và sau quá trình phẫu thuật, để phục hồi khả năng vận động cho bệnh nhân.
Một ngày sau phẫu thuật bệnh nhân ổn định, tiếp xúc tốt, cử động chân bên phải được, vết mổ khô, không sốt, có thể ngồi dậy ăn uống. Để giúp phòng ngừa gãy xương, ngăn những tai biến nặng nề do gãy xương tiếp diễn, bệnh nhân tiếp tục được điều trị loãng xương, phục hồi chức năng tại bệnh viện và xuất viện sau 5 ngày chăm sóc hậu phẫu.
Theo bác sĩ Nguyễn Đình Hoà, chuyên khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình, kỹ thuật kết hợp xương dưới màn tăng sáng là kỹ thuật thuộc loại đặc biệt, với sự hỗ trợ của các phương tiện phẫu thuật hiện đại, việc kết hợp chụp phim xquang trong phẫu thuật mang lại nhiều ưu điểm vượt trội trong điều trị cho bệnh nhân.
Bác sỹ có thể kiểm soát các phương tiện phẫu thuật trong khi thực hiện, giúp kỹ thuật mổ chính xác hơn; đồng thời có thể giúp bác sĩ thực hiện mổ kín (đường mổ nhỏ hơn thông thường); ít tổn hại đến các phần mềm xung quanh vùng tổn thương, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng, rút ngắn thời gian phẫu thuật và phục hồi.
Với kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng phối hợp tê tủy sống là lựa chọn tối ưu nhất cho tình trạng sức khỏe hiện tại của bệnh nhân, đặc biệt đối với vấn đề giảm đau trong và sau mổ.
Phương pháp này giúp cho bệnh nhân phục hồi nhu động ruột nhanh hơn, bệnh nhân tự thở hoàn toàn, hạn chế biến chứng phổi, tim mạch.
Sau phẫu thuật bệnh nhân hoàn toàn không đau và có thể tập phục hồi chức năng ngay ngày hôm sau.
Tuy nhiên đây là một kỹ thuật khó, nguy cơ cao đặc biệt là khi bệnh nhân lớn tuổi và có cong vẹo và cứng cột sống, cứng nhiều khớp toàn thân kể cả cột sống cổ, chính vì vậy đòi hỏi rất nhiều ở sự chính xác và kinh nghiệm của bác sỹ thực hiện.
“Gãy xương ở người lớn tuổi là tình trạng nan giải cho bản thân người bệnh và cả người thân, nếu không điều trị kịp thời bệnh nhân sẽ không lấy lại được khả năng vận động, nằm lâu gây ra các tình trạng lở loét, viêm phổi dễ dẫn đến tử vong.
Để giảm thiểu nguy cơ cho bệnh nhân, khi gặp các sự cố tai nạn, nên nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được sự hỗ trợ của bác sỹ. Đồng thời, người thân cũng cần thận trọng, theo dõi chăm sóc các cụ lớn tuổi tại gia đình nhằm tránh các trường hợp té, gã, gây gãy xương”, bác sĩ Hoà khuyên.