Ngày 18/5 vừa qua, tòa án thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) đã xét xử vụ việc dân sự khá hi hữu khi cụ ông 88 tuổi sau khi qua đời đã để lại tất cả tài sản của mình cho một người bán hoa quả dù vẫn còn người thân.
Theo đó, cụ ông Mã Lâm đã viết di chúc để lại số tài sản trị giá 3 triệu NDT (gần 11 tỷ đồng) cho ông chủ tiệm trái cây họ Hựu, buôn bán trong khu chợ gần nhà.
Vài năm trước, khi ông Mã đột ngột lên cơn đột quỵ khi đang đi chợ, chính ông Hựu là người phát hiện và đưa ông vào bệnh viện. Sau đó, hai người trở nên thân thiết. Thấy ông Mã sống lủi thủi một mình, ông Hựu còn thường xuyên lui tới chăm sóc.
Cảm kích trước tấm lòng của ân nhân, ông Mã đã mời cả gia đình 4 người nhà ông Hựu đến nhà mình sống, đồng thời ủy nhiệm cho ông Hựu chịu trách nhiệm quản lý tài sản của mình. Cuối cùng, ông Mã còn viết di chúc để lại hết số tài sản cho người bạn khi ông qua đời vào năm 2019.
Trước kia, khi ông Mã còn sống, người thân của ông không thường xuyên thăm hỏi, thậm chí không đến nhà chia buồn khi con trai ông qua đời nhưng biết ông chia tài sản không có phần mình, họ liền kéo nhau đến đòi kiện.
Giám đốc văn phòng công chứng ở Phổ Đà, thành phố Thượng Hải cho biết trước đó họ đã làm công chứng di chúc chuyển nhượng tài sản cho ông Hựu với đầy đủ điều kiện hợp pháp và không thấy có vấn đề gì.
Tuy nhiên, sau khi di chúc được tuyên bố, gia đình ông Mã lập tức phản đối và đâm đơn kiện yêu cầu bác bỏ di chúc với lý do theo báo cáo sức khoẻ tháng 7/2017, ông Mã bị mắc chứng Alzheimer nặng. Họ cho rằng ông đưa ra quyết định khi thần trí không minh mẫn. Tháng 4/2021, nhóm chuyên gia của tòa án cũng đồng tình ông Mã "không nên tiến hành công việc dân sự" do không có đủ năng lực chịu trách nhiệm cho hành vi.
Cuối cùng, toà đưa ra phán quyết thu hồi quyền quản lý tài sản của ông Hựu nhưng cũng không chia cho người thân của ông Mã. Nhiều khả năng vụ việc sẽ còn tiếp tục gây ra những tranh cãi pháp lý khác.
Sau khi đăng tải sự việc nhanh chóng thu hút sự chú ý và khiến dân mạng tranh luận gay gắt về vấn đề để lại tài sản cho người lạ. Dù luật pháp Trung Quốc cho phép công dân viết di chúc cho bất kỳ ai nhưng trường hợp tặng hết cho người ngoài trong khi còn người thân vẫn tạo ra tranh cãi.
Truyền thông nhận định câu chuyện này một lần nữa khiến nhiều người phải suy ngẫm về vấn đề chăm nom cho người cao tuổi lúc cuối đời, nhất là khi dân số nước này đang già hoá. Dân mạng chia thành hai phe. Một bên cho rằng gia đình không có quyền nhận tài sản vì đã bỏ mặc, không chăm sóc cụ ông suốt thời gian dài ngay cả khi mắc bệnh. Ngược lại có người tin rằng ông Mã thiếu minh mẫn và có thể bị lợi dụng bởi người bạn.
Minh Hoa (t/h)