Biết tin Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị VKSND Tối cao xem xét, giải quyết vụ việc oan sai liên quan đến mình, ông Chu Quang Hưng, 73 tuổi, ngụ quận 5, TP.HCM tỏ ra phấn khởi.
Trong ngôi nhà ở phường 13, quận 5, ông Hưng chia sẻ: “Tôi đã biết việc Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo VKSND Tối cao giải quyết vụ việc của tôi. Trước đó, VKSND TP.HCM có thông báo với tôi, họ đã đăng lời xin lỗi 3 lần trên một tờ báo trung ương và 3 lần trên một tờ báo địa phương. Còn về việc bồi thường, họ vẫn bảo tôi chờ”.
Nhớ lại vụ việc năm nào, ông Hưng không còn sợ hãi mà cảm thấy xót xa xen lẫn bức xúc. Ông cho biết: “Tôi và vợ vướng vòng lao lý dẫn đến tan nhà nát cửa. Nhà tôi có 6 người, 2 vợ chồng và 4 đứa con thì có đến 2 vợ chồng và 3 đứa con trai phải đi tù. Bởi, lúc vợ chồng tôi ở trong tù, đứa con gái lớn nhất mới 12-13 tuổi, còn 3 đứa nhỏ hơn không ai chăm lo. Cả nhà như ong vỡ tổ. Lần lượt từng đứa dính vào ma túy, trộm cắp tù đày, tạm tính mỗi đứa cũng 10 năm tù”.
“Chưa hết, 2 đứa con tôi chết. Bố mẹ ruột sống với tôi, thấy vợ chồng tôi bị bắt, ấm ức cũng sinh ra bệnh tật mà chết”, ông Hưng đau đớn nhắc lại những mất mát đã trải qua.
Rồi ông cay đắng nói: “Lấy cái gì bồi thường cho tôi, 5 người đi tù, 4 người chết. Chết thì bao nhiêu cho đủ. Ba đời nhà tôi điêu đứng. Tôi đòi 99 tỷ đồng vật chất, 1 đồng danh dự. Họ tìm đâu ra 1 đồng để đền danh dự cho tôi. Còn những mất mát mà nhà tôi gánh chịu, 99 tỷ đồng cũng không đủ”.
Nghe chồng nhắc chuyện cũ, vợ ông Hưng nói xen vào: “Lúc bị bắt, cô ở trong Chí Hòa, giam cùng với mấy chục người khác. Khi mới được dẫn vào, xin lỗi, cô sợ tiểu ra quần. Thấy vậy, một bà cũng có tuổi nắm tay kéo cô đến nhà vệ sinh ngồi. Cô phải ngồi tù chung với dân giang hồ quận 4. Cô biết, họ đáng sợ lắm nên không dám tiếp xúc, không dám đụng tới họ”.
Trong hoạn nạn mới biết chân tình, đến bây giờ, ông Hưng vẫn nhớ như in những đồng đội cũ giúp đỡ ông trên hành trình kêu oan. Người hỗ trợ kinh phí, người cho vé máy bay hoặc nhắn cho một câu “thiếu ăn thì đến nhà tao ăn”. Bạn học ngày xưa thì cho ở nhờ nhà để kêu oan.
Ông Hưng nói: “Đi kiện tiêu tốn nhiều tài sản gia đình, hao tốn sức lực, vay mượn nhiều nơi. Nợ chồng nợ, xã hội đen, bạn bè giúp đỡ khiến mình xấu hổ mà đến giờ vẫn chưa có tiền trả”.
Không nhận lời xin lỗi, oan sai phải bồi thường
Trước đó, chiều 19/4, VKSND TP.HCM đã tổ chức buổi xin lỗi công khai tại UBND phường 13, quận 5 đối với ông Chu Quang Hưng. Tuy nhiên, ông Hưng không chấp nhận.
Theo đó, vào năm 1994, ông Hưng có mua bán một căn nhà tại phường 13, quận 5, nhưng giữa 2 bên xảy ra tranh chấp, ông Hưng bị tố cáo ra công an.
Ngày 25/1/1995, cơ quan CSĐT công an TP.HCM khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Hưng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Năm 1996, cơ quan CSĐT khởi tố bổ sung tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
VKSND TP.HCM đã ban hành cáo trạng truy tố ông về hai tội danh trên. Sau 13 tháng bị tạm giam, tháng 12/1996, ông Hưng được trả tự do.
Năm 2005, VKSND TP.HCM quyết định đình chỉ vụ án do không có căn cứ xác định ông Hưng phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Liên quan đến vụ làm oan ông Hưng, 7 cán bộ của công an, VKSND TP.HCM, TAND TP.HCM đã bị kỷ luật.
Tuy nhiên, đáp lại lời xin lỗi từ VKSND TP.HCM, ông Chu Quang Hưng cho biết, ông không chấp nhận lời xin lỗi. Bởi, VKS chỉ xin lỗi suông, không công bố số tiền bồi thường cho ông cụ thể là bao nhiêu.
Đồng thời, ông Hưng cũng không đồng tình với việc VKSND TP.HCM tổ chức buổi xin lỗi. Theo ông Hưng, Viện trưởng VKSND Tối cao phải đứng ra xin lỗi ông. Đồng thời, ông Hưng yêu cầu VKSND TP.HCM bồi thường cho ông 1 đồng danh dự và 99 tỷ đồng về thiệt hại vật chất.