Xuyên Việt 10.380km bằng xe máy
Ông được biết đến với thân hình nhỏ thon, gầy gò và mái tóc dài phong trần của một nghệ sĩ đàn ghi ta. Ông tên Đỗ Thành Lập (64 tuổi, ngụ tại xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang), hiện tạm trú tại quận 12 (TP.HCM). Sinh ra và lớn lên ở miền Tây, song tâm hồn người nhạc sỹ lại luôn hướng lòng về miền Bắc với khao khát được trải nghiệm chuyến du hành tham quan các địa danh, thắng cảnh, di tích lịch sử, con người khắp ba miền Tổ quốc.
Đỗ Thành Lập nhận đất ở Đất Mũi – Cà Mau.
Từ ước mơ của một người con miền Nam, một nghệ sỹ phiêu du, lãng mạn, ông Lập ấp ủ trong lòng một chuyến “phượt” bằng phương tiện xe máy để mở mang tầm nhìn, vốn hiểu biết và làm công việc rất đặc biệt, đó là “gom hình đất nước”. Năm 2005, ông Lập lên kế hoạch cho chuyến “phượt”, với mục đích “gom đất” đủ 63 tỉnh thành trên mảnh đất Việt Nam về một chỗ để tạc, khắc một hình sa đồ bằng nguyên liệu “đất”.
Mất gần 5 năm cho công đoạn chuẩn bị và nung nấu ước mơ xuyên Việt, đến ngày 1/3/2010, ông Lập quyết định lên đường. Lúc này, ông tròn tuổi 64, cái tuổi như chiếc lá đầu mùa thu, dù còn nhựa sống mùa hè song đã nhuốm độ thu không. Kể lại ngày đầu cuộc hành trình ông Lập chia sẻ: “Ngày đầu tiên xuất phát để thực hiện ước mơ, tâm trạng tôi vừa vui vừa lo lắng. Lúc đó, trong túi chỉ vỏn vẹn có vài trăm ngàn đồng tiền lộ phí cho nên khiến tôi bịn rịn, lo âu rất nhiều. Nhưng cứ nghĩ tới ngày kỷ niệm Thăng Long Hà Nội sắp đến gần nếu tôi còn chần chừ thì cơ hội thực hiện ước mơ có món quà tặng đặc biệt cho đất nước sẽ không kịp. Ý nghĩ ấy thôi thúc ý chí tôi phải đi, đi bằng mọi giá. Trong thâm tâm tôi nghĩ đến việc trên đường đi sẽ chạy thuê xe ôm để kiếm tiền phục vụ lộ phí...”.
Theo lời kể lại của nhạc sỹ 64 tuổi, sau khi đi hết tất cả 63 tỉnh, điểm cuối cùng ông dừng lại ở Thủ đô Hà Nội, cây số ghi nhận trên kim đồng hồ xe máy mà ông tính được qua hai chặng đường vừa tròn 10.380 cây số. Với những đoạn đường đi qua, thuận lợi nhất là các tỉnh đồng bằng, còn khó khăn phức tạp đối với ông đó là đường đến các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh Trung du đồi núi. Bởi lẽ, nơi đây lộ trình vừa phức tạp, phải leo nhiều dốc đá, dân cư thưa thớt. Cả khi ghé ngủ nhờ nhà dân qua đêm ông cũng gặp những tục lệ lạ và những điều kiêng kỵ khiến ông phải dè chừng mọi ứng xử, lời nói. Thế nhưng, với công việc gom đất và tình người chân thành đã gắn kết người nhạc sỹ với bà con mọi miền Tổ quốc. Sau chuyến đi, ông có rất nhiều kỷ niệm đẹp về nhân dân, đất nước.
Hình ảnh sa đồ “Đất Việt” được tác giả trao cho bảo tàng Hà Nội trong ngày Đại lễ 1.000 năm Thăng Long.
Xin đất những nơi linh thiêng
Họa sỹ “bất đắc dĩ” Những ngày đặt chân ra Hà Nội dự đại lễ 1.000 năm Thăng Long, ông Lập đến ở nhà một người bạn học để một lần nữa dựng lại hình sa đồ “Đất Việt” mang vào bảo tàng Hà Nội tặng. Khi nhìn thấy thành quả lao động tổng cộng hơn 5 tháng của anh bạn già, ông Nguyễn Tấn Phong (ngụ quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nói: “Lúc anh em chúng tôi dựng hình sa đồ của anh Lập làm, tôi không thể diễn tả hết cảm xúc của mình về một kiệt tác sa đồ. Anh Lập là một nghệ sỹ đàn ghi ta chứ không phải họa sỹ. Ngay sau đó, chúng tôi đã phải thán phục gọi anh là họa sỹ”. |
Điều đặc biệt, đi tới mỗi tỉnh ông đều cất công tìm đến những vùng đất “thiêng” của tỉnh để xin đất. Khi đã xin được “đất thiêng”, ông cẩn thận “gói cất” đất, sau đó ông ghi chép cụ thể các loại đất, tên tỉnh lấy đất để không bị lẫn. Ông coi đó là một nghi thức tôn kính với “đất mẹ” với dân tộc. “Đi đến tỉnh nào, tôi đều mang giấy tờ tùy thân và giấy đi đường do Phó Giám đốc sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang cấp để trình bày sự việc. Thấy được việc làm thiết thực, chân thành của tôi, nhiều cán bộ địa phương, bà con nhân dân các tỉnh rất yêu quý, sẵn lòng giúp đỡ và trao từng nắm đất một cách trân trọng. Cho nên, trong cuốn album ảnh của chuyến đi “gom đất”, tôi đều lưu giữ đầy đủ mọi hình ảnh về người trao đất, nơi tặng đất”, ông Lập chia sẻ.
Mỗi một ngày hành quân, trọng lượng chiếc ba lô quân trang cá nhân của ông Lập đều tăng lên đáng kể. Những nắm đất quý được ông tỉ mỉ cẩn thận bọc trong hai lớp túi nilon để tránh mưa gió. Dọc đường đến 63 tỉnh thành cả nước, ông Lập cảm thấy mình rất hạnh phúc vì đã được mãn nguyện thăm viếng những nơi ông từng ao ước đến, được khám phá những miền đất mà trước đây ông chỉ nghe nhắc đến trong đài, báo, tivi... Kể về những cảm xúc trong chuyến đi xin đất gian nan, ông Lập bộc bạch: “Trong chuyến đi, tôi gặp rất nhiều trở ngại nhưng đầy kỷ niệm. Trong những lần đi xin đất, tôi nhớ nhất là lần khi về Hà Tây (cũ) xin đất nằm trong Ao Vua. Không như các tỉnh đã đến, người quản lý đền Phùng Hưng (trong khu di tích Ao Vua) bắt buộc tôi phải tuân theo nghi tục “gieo quẻ” để xin bề trên cho đất. Người quản lý còn nói rõ, nếu quẻ không được thì nhất định không cho đất. Do vậy, trong lúc tay tôi chắp vái, thành tâm cầu khẩn xin quẻ vừa run vừa sợ nếu lỡ không được. Nhưng rất may, chỉ gieo quẻ lần thứ nhất, tôi đã được cho đất ngay. Qua đó, tôi thấy mình rất may mắn, đến đâu gặp khó khăn đều vượt qua”.
Hình ảnh ông Lập xin đất ở Lũng Cú – Hà Giang.
Kết thúc cuộc hành trình, khi trở về quê hương Hậu Giang sau những ngày đi gom đủ đất thiêng 63 tỉnh thành, ông Lập bắt đầu cho những ngày rèn giũa, sáng tạo lên sa đồ hình đất Việt. Việc đầu tiên, ông chọn cây gỗ mít cũ của nhà mình làm đế đỡ hình sa đồ. Ông Lập cho hay: “Trước kia, gia đình tôi có một căn nhà cũ ở quê rồi bán cho người khác, trong ngôi nhà ấy, tôi nhớ rất rõ có một cây mít được bố tôi trồng từ khi tôi còn khá nhỏ. Do vậy, tôi tìm về ngôi nhà cũ của gia đình ngỏ ý mua cây mít. Biết được thành ý của tôi lấy gỗ mít dùng làm một phần đế đỡ cho sa đồ Đất Việt, nên chủ nhà mới vui vẻ tặng ngay mà không lấy tiền. Thấy việc khởi đầu suôn sẻ, tốt lành nên tôi càng hăng hái tích cực dồn mọi tâm huyết cho các công đoạn tiếp theo”.
Nói về việc tại sao chọn gỗ mít làm đế sa đồ, ông Lập lý giải, cây mít có nguồn gốc trong vườn của gia đình ông nên nó có giá trị đối với công việc ông đang làm. Thứ hai, gỗ mít là loại gỗ không bị mọt, hay nhanh cũ như một vài loại gỗ khác. Hơn nữa, gỗ mít thuận tiện cho việc đục chạm trổ đối với đôi bàn tay ông già chưa bao giờ hành nghề mộc. Tiếp theo, ông Lập hoàn thành việc tạc, đục hoa văn cho đế sa đồ được lắp ghép với hình con rồng và búp sen hai bên cạnh đế. Sau đó, ông Lập dùng đất từng tỉnh tách biệt nhào nặn thật nhuyễn với nước, loại bỏ đá, sỏi để lấy nguyên phần đất thuần theo màu đất và địa danh các tỉnh.
Tôi chỉ muốn hậu thế hướng về cội nguồn Nói về tấm lòng mình đối với quê hương, đất nước, ông Lập chia sẻ: “Cuộc đời tôi luôn khao khát được làm điều gì đó có ích cho đất nước. Nhưng đời người có hạn nên không thể làm hết những gì mong muốn. Việc tạc hình tấm sa đồ “Đất Việt”, tôi đã ấp ủ trong mấy năm mới làm được, đây là món quà thể hiện tấm lòng chân thành của tôi, của toàn dân miền Nam với quê hương đất nước. Tôi chỉ mong muốn hậu thế luôn biết hướng về cội nguồn dân tộc, sống xứng đáng với những gì cha ông đã xây dựng và gìn giữ đất nước”. |
Huệ Trần