Theo Zing, ngày 1/7, bác sĩ Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết các bác sĩ khoa Bệnh Nhiệt đới vừa cứu 3 bệnh nhân bị uốn ván. Trong đó, một người rơi vào tình trạng nặng là ông T.V.B. (75 tuổi, ngụ huyện Phú Tân, An Giang).
Cụ thể chiều 12/6, ông B. nhập viện cấp cứu trong tình trạng cứng hàm, tăng trương lực cơ toàn thân, bụng gồng cứng, có những cơn co giật toàn thân, nuốt sặc, co thắt thanh quản. Tại bệnh viện, gia đình bệnh nhân cho biết 7 ngày trước đó ông B. bị cây đâm vào chân, vết thương đã lành da nên chủ quan không tiêm ngừa uốn ván.
Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị uốn ván giai đoạn toàn phát mức độ nặng, có vết thương cẳng chân trái. Bác sĩ đã sử dụng huyết thanh kháng độc tố uốn ván để điều trị cho bệnh nhân. Ngoài ra, ông còn được mở khí quản thở máy và nằm tại viện để điều trị.
Kết quả siêu âm ghi nhận bên trong vết thương ở chân ông B. chứa dịch, còn dị vật. Các bác sĩ rạch lấy dị vật, mủ, làm sạch, để hở vết thương và phối hợp kháng sinh điều trị nhiễm trùng.
Sau 18 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã tỉnh, rối loạn thần kinh thực vật đã ổn định, hết gồng giật, vết thương cẳng chân trái không dấu hiệu nhiễm trùng, tiêu tiểu bình thường, đang trong quá trình cai thở máy.
Trước đó cũng có một bé trai 9 tuổi ở Bạc Liêu suýt mất mạng vì vết xước nhỏ ở chân.
Theo Vnexpress, bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ cho biết bé có biểu hiện nhiễm khuẩn huyết nặng. Thăm khám và X-quang, siêu âm ghi nhận tràn dịch màng phổi, khớp bàn chân nhiễm trùng, viêm đông đặc hai phổi. Bé nguy kịch, suy hô hấp, phải thở máy, dùng vận mạch để giữ sinh hiệu ổn định. Sau đó, các bác sĩ phải kết hợp các kháng sinh phù hợp để điều trị. Bé tiến triển, đáp ứng tốt, hết sốt, cải thiện tình trạng nhiễm trùng. Ngày 11/6, sau gần hai tuần, bệnh nhi dần ổn định và thoát khỏi tình trạng nguy kịch và sắp xuất viện.
Trúc Chi (t/h)