Phóng viên báo điện tử Người Đưa Tin đã tìm gặp và hỏi chuyện những người thân trong gia đình cụ Phan Kế Toại: Cụ Vũ Thị Thanh Mỹ (con dâu) và bà Phan Vũ Diễm Hằng (cháu nội của cụ).
Phóng viên: Thưa bác và chị, tôi mong có được sự lý giải sâu hơn nữa cho hành động rất con người, mang ý nghĩa dân tộc rất cao của cụ Phan Kế Toại, trong khoảnh khắc giao thời giữa 2 chế độ với rất nhiều nguy hiểm và căng thẳng khi đưa ra quyết định vào đêm ngày 17/8/1945. Một quyết định mà bản thân cụ chắc cũng không thể biết được rằng việc mình làm có chính xác, có đúng không, mà nó hoàn toàn phụ thuộc vào cảm nhận, nhận thức và tư duy của riêng cụ.
Cụ Vũ Thị Thanh Mỹ: Bất kỳ ở đâu, làm gì cụ Phan Kế Toại cũng lấy chữ "liêm, chính", "an dân", "đạo nghĩa nhân" làm gốc.
Tôi về làm con dâu của cụ cho đến khi cụ mất là 15 năm, không được chứng kiến trực tiếp, nhưng được xem, được đọc những tư liệu trong nhà và nghe kể lại. Có những khi như giai đoạn Nhật bắt nông dân nhổ lúa trồng đay, thì cụ thấy Nhật đang cai trị nước mình, mà bản thân ở trong “guồng máy” không chống đối được, nhưng cụ thấy việc đó là hại nước hại dân, nên cụ tìm cách hoãn, không hoãn được thì tránh không tham gia.
Tôi nghĩ rằng, cụ làm gì cũng xuất phát từ tấm lòng yêu nước, thương đồng bào. Vào thời điểm xảy ra cuộc khởi nghĩa tháng 8/1945, nếu các bên đánh nhau chẳng hạn, thì sẽ chết chóc, sẽ đổ máu. Nên cần phải cho người mở cửa để chính quyền cách mạng vào tiếp quản. Theo tôi hiểu là như thế, tức là chủ nghĩa dân tộc là gốc, ngấm vào tâm can của cụ.
Tất cả những hành động của cụ đều xuất phát từ lòng yêu nước, thương đồng bào. Và cụ cứ tự nhiên như thế mà hành xử, hành động thôi, không phải băn khoăn “nâng lên đặt xuống” nữa.
Phóng viên: Cụ Phan Kế Toại đã từng là Đảng viên Đảng cộng sản chưa ạ?
Bà Phan Vũ Diễm Hằng: Anh vừa xem trong cuốn gia phả nhà tôi đấy, cụ luôn khuyên con cháu không tham gia vào chính trị, mà cần học và làm các ngành phục vụ khoa học hoặc nghệ thuật mà thôi. Còn bản thân ông nội tôi, cũng không bao giờ hoạt động chính trị cả, mà chỉ làm về chuyên môn là hành chính nhà nước.
Ông nội tôi tham gia vào chính quyền nào thì cũng với hình thức là một cán bộ chuyên môn, sử dụng chuyên môn được học của mình để tổ chức hệ thống hành chính nhà nước Việt Nam.
Cho đến bây giờ rất nhiều ông bà đã có tuổi và các lãnh đạo bộ Nội vụ vẫn nói rằng hệ thống hành chính của đất nước này, đầu tiên là nhờ có ông nội tôi tổ chức và sắp xếp.
Ông nội tôi chưa bao giờ tham gia một đảng phái nào, cụ chỉ là một người làm việc vì dân tộc.
Phóng viên: Cảm ơn bác và chị đã nhận trả lời phỏng vấn!
Tháng 10/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho người mang thư mời cụ Phan Kế Toại lên chiến khu Việt Bắc tham gia Chính phủ. Tại phiên họp của Hội đồng Chính phủ ngày 09/11/1947, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội đồng đã nhất trí cử cụ Phan Kế Toại giữ chức Quyền Bộ trưởng bộ Nội vụ, thay cụ Tôn Đức Thắng đi nhận công tác khác.
Cụ Phan Kế Toại – với tư cách là người đứng đầu bộ Nội vụ, đã có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng nền công vụ và chế độ công chức phục vụ kháng chiến, phục vụ nhân dân, đặt nền móng cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và chế độ công vụ của chính thể Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Ngày 20/9/1955, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa I, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kiện toàn Chính phủ, cụ Phan Kế Toại được cử giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng bộ Nội vụ. Trên cương vị Bộ trưởng bộ Nội vụ, cụ Phan Kế Toại đã lãnh đạo, chỉ đạo bộ Nội vụ trình Quốc hội khóa II thông qua Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (năm 1960), tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức bộ máy hành chính ở trung ương cũng như ở địa phương.
(PGS. TS. Văn Tất Thu - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ).
Nguyễn Quốc (thực hiện)