Câu chuyện tình nửa thật nửa đùa của Trường Giang và Sam sau Siêu sao siêu ngố từng gây “sóng gió” một thời. Diễn viên Will và Kathy Nguyễn trong Em chưa 18 cũng từng khiến khán giả mừng hụt vì tưởng đâu có một cặp xứng đôi vừa lứa. Nhưng đến phim Chuyến đi của thanh xuân, khán giả ngỡ ngàng khi Will lại vướng nghi án có tình cảm với An Vy. Minh Hằng và Quý Bình cũng không khá gì khi vướng nghi vấn hẹn hò sau phim Bao giờ có yêu nhau. Sau 4 năm 2 chàng 1 tình yêu, Hoàng Thùy Linh và Harry Lu lại dấy lên tin đồn hẹn hò. Và xôn xao dư luận trong những ngày qua là cặp diễn viên Kiều Minh Tuấn – An Nguy vướng nghi án “phim giả tình thật” khi vừa đóng máy phim Chú ơi đừng lấy mẹ con.
Tôi và có lẽ nhiều khán giả khác chẳng biết nam diễn viên và nữ diễn viên này đang đóng bộ phim gì, nội dung ra sao. Cái chúng tôi biết chỉ là câu chuyện tình tay ba Cát Phượng – Kiều Minh Tuấn – An Nguy. Tôi xin phép không nói đến ai đúng, ai sai trong chuyện tình cảm bởi mình đâu là người trong cuộc. Nhưng để phản ứng lại, tôi sẽ không xem phim này và khuyên bạn cũng đừng xem phim Kiều Minh Tuấn và An Nguy đóng.
Tại sao lại không đi xem, phim Việt mà sao không ra rạp ủng hộ, có ủng hộ thì các nhà làm phim mới có động lực làm phim cho khán giả thưởng thức chứ?
Xin lỗi. Tôi không thể ủng hộ một bộ phim mà trước đó một ngày ra rạp, nam chính nữ chính công khai với truyền thông rằng họ yêu nhau, rằng vì quá nhập tâm vào vai diễn đến khi đóng máy vẫn chưa thoát khỏi nhân vật trong bộ phim. Nghe có vẻ như diễn viên hết lòng, hết sức với vai diễn này đây. Vậy thì cần phải đi xem, để xem diễn xuất ra sao chứ?
Nhưng một lần nữa, tôi xin lỗi không đi xem. Với cương vị là một khán giả đã nhiều lần thất vọng vì phim Việt với những màn “treo đầu dê bán thịt chó”, cảm giác mỗi lần xem xong bước ra khỏi rạp như mình bị lừa và cái chiêu thức quảng cáo “phim giả tình thật” được xài đi xài lạ quá nhiều lần.
Sau nhiền vố đau, một khán giả mê phim như tôi cũng khôn ra rồi nên đừng sử dụng mấy chiêu ồn ào thị phi trước ngày ra rạp nữa. Thay vào đó, hãy cho chúng tôi được bàn luận nội dung bộ phim, cảnh phim, diễn xuất đi và hãy cho chúng tôi cảm giác chờ mong ngày phim ra rạp đi.
Nhưng thử hỏi, có mấy bộ phim Việt làm được điều đó. Đó cũng là lý do vì sao mà nhiều năm trở lại đây khán giả Việt thờ ơ với chính phim nước mình sản xuất. Bởi bao năm vẫn giậm chân tại chỗ, một thời là những bộ phim hài nhưng hài không tới, đến một thời là những bộ phim remake nhưng nhạt quá và gần đây là loạt phim ngôn tình, tuổi thanh xuân lại nhẹ nhàng quá, kịch bản không có gì đáng nói. Điện ảnh Việt vẫn cứ loay hoay trong cái “bình cũ rượu mới” mà không thoát ra được.
Theo quan điểm của tôi, những bộ phim kể trên chỉ đơn thuần là phim thương mại, mang tính giải trí, nhà sản xuất phim làm không tới, diễn viên diễn còn gượng gạo, nội dung nhạt nhẽo, nghe cái tên phim cũng đủ biết nội dung, kết cục phim thế nào. Dù có gắng gượng 90 phút hay 120 phút ngồi xem thì cuối cùng mọi cảm xúc trôi tuột, không đọng lại mảy may chút cảm xúc hay suy nghĩ gì. Làm như vậy thì làm làm gì, sản xuất hàng loạt cũng có ích lợi gì khi mà không để lại dấu ấn với khán giả.
Điều quan trọng của một bộ phim là nội dung tác phẩm đem lại, hình ảnh, diễn xuất của diễn viên, lời thoại… Hãy cho khán giả chúng tôi được sống cùng nhân vật trong phim, được trầm trồ, ngưỡng mộ về cái tâm, cái tầm của người làm phim và sau mỗi bộ phim chúng tôi vẫn đau đáu suy nghĩ về một câu thoại nào đó hay một triết lý mà người làm phim khéo léo đưa vào trong phim sau mỗi lớp, mỗi cảnh.
Phong Linh