"Cứ tẩy chay vài hôm, lại thấy nghệ sĩ đó xuất hiện trên giờ vàng VTV"

"Cứ tẩy chay vài hôm, lại thấy nghệ sĩ đó xuất hiện trên giờ vàng VTV"

Đinh Lạc Thành

Đinh Lạc Thành

Thứ 4, 01/09/2021 10:53

Mới đây, điện ảnh Hoa ngữ có cuộc tẩy chay mạnh mẽ khiến các nghệ sĩ "toát mồ hôi". Là một người làm văn hoá, nhà viết kịch Chu Thơm đã có ý kiến về thần tượng ở VN.

Chào nhà viết kịch Chu Thơm, thời gian gần đây, điện ảnh Hoa ngữ có cuộc tẩy chay mãnh mẽ với những nghệ sĩ, ca sĩ có đời tư ồn ào, vi phạm pháp luật. Và những cuộc tẩy chay này rất rốt ráo khiến cho nhiều nghệ sĩ nước bạn lao đao khi bị nhãn hàng tẩy chay, khán giả quay lưng. “Trông người mà nghĩ đến ta”, theo anh khi nào khán giả của showbiz Việt của mình mới có những động thái quyết liệt như vậy?

Đúng là ở Việt Nam vẫn chưa có cuộc tẩy chay lịch sử nào. Hiện tại, không chỉ có khán giả “ngáo” thần tượng mà một số trang tin, một số kênh truyền hình cũng “ngáo” thần tượng. Vẫn còn những thông tin: Cô ca sĩ này hở bạo, chàng nhạc sĩ kia lấy vợ hai, cô người mẫu nọ sinh con… toàn những chuyện tầm phào nhưng thế thì khán giả sẽ vẫn còn để ý. Chúng tôi gọi những thông tin đó là những chuyện “người ác việc ác”, chuyện vô thưởng vô phạt… Việc định hướng của truyền thông vô cùng quan trọng.

Đối thoại - 'Cứ tẩy chay vài hôm, lại thấy nghệ sĩ đó xuất hiện trên giờ vàng VTV'

Nhà văn hoá - nhà viết kịch Chu Thơm thẳng thắn nói về văn hoá thần tượng ở Việt Nam.

Hãy để ý mà xem, các chương trình gameshow trên truyền hình hiện nay quanh đi, quẩn lại cũng chỉ mời bằng ấy nghệ sĩ. Thậm chí, có cặp vợ chồng ngồi cùng ghế giám khảo với nhau, ngồi nhiều năm thì cuộc thi kiểu cũng thiếu công bằng. Khán giả nuông chiều, truyền thông nuông chiều, vì thế nghệ sĩ cứ nghĩ mình là nhất, nghĩ mình hơn người. Ở showbiz Việt, chưa có một cuộc tẩy chay thần tượng nào mạnh mẽ cả. Cứ tẩy chay được vài hôm, tuần sau lại thấy nghệ sĩ đó xuất hiện trên giờ vàng quảng cáo của VTV. Và hình như, cứ ai có scandal thì cát- xê lại cao hơn, được chú ý hơn thì phải? Một số nhà văn hoá đã phải kêu lên rằng “chưa khi nào nên giải trí ở Việt Nam lại có nhiều chuyện bát nhào, ồn ào như hiện nay”… có xót xa không?

Theo anh nói thì truyền thông giữ vai trò lớn trong việc định hướng văn hoá thần tượng ở showbiz Việt?

Đúng vậy, truyền thông giúp định hướng cho khán giả biết đâu là đúng, là sai. Tôi mong rằng, trong thời gian tới, truyền thông sẽ tiết chế lại, đặt nghệ sĩ về đúng vị trí của mình, đừng đưa nghệ sĩ “lên mây” nữa. Bao năm qua, chúng ta đã từng nghe những danh xưng “nữ hoàng nội y”, “ông hoàng nhạc Pop”, “nữ hoàng phòng trà”… khiến người trong cuộc cũng hoang mang không biết người được nhắc đến có phải là mình không? Có những đơn vị truyền thông chuyên viết chuyện tử tế, những câu chuyện văn hoá, khơi gợi lòng trắc ẩn của cộng đồng thì không được chú ý nhưng bên cạnh đó, một số nơi vẫn đưa những câu chuyện hở hang, câu view rẻ tiền lên trang nhất thì nhiều người đọc. Điều này cần căn chỉnh lại. Nếu cứ để những những chuyện tủn mủn ấy thì khán giả cũng chỉ chăm chăm để ý những chuyện vặt vãnh của nghệ sĩ mà thôi.

Ngày xưa ở làng quê có anh Mõ, anh ta chuyên trải chiếu ở đình làng, sau đó gõ mõ rồi đi thông báo việc làng, việc nước cho các cụ cao tuổi. Anh ta một mình một cỗ vì không ai ăn cùng, không ai muốn dây với Mõ, lâu dần anh ta lên mặt, coi mình là nhất, nghĩ mình quan trọng. Nhiều nghệ sĩ hiện nay cũng thế, họ lầm tưởng vị trí của mình, và được một số khán giả hùa theo nên văn hoá thần tượng có phần lệch lạc, chưa chuẩn. Những nghệ sĩ lớn họ khác lắm, họ sống điềm tĩnh, không muốn va chạm với ai, họ âm thầm cống hiến bằng những tác phẩm nghệ thuật. Đấy mới là điều đáng quý.

Giữa những câu chuyện tẩy chay ở Hoa ngữ, ở Hàn Quốc, thì ở Việt Nam, văn hoá thần tượng phụ thuộc nhiều vào cảm xúc của khán giả, phải không anh?

Đúng như vậy. Người Việt mình hay yếu mềm, vẫn là tâm lý “đánh người cửa trước, không đánh người cửa sau”, ở Việt Nam có một nghệ sĩ cải lương tôi không tiện nêu tên từng bị khởi tố vì tội đánh bạc, nhưng sau đó lại rất đắt show khi làm giám khảo một số gameshow, chương trình thực tế. Hay một số nghệ sĩ hài, mặc dù chả hiểu biết gì về bóng đá, cũng được một số chương trình thể thao mời lên nói như “đúng rồi”. Việc này là kiểu “yêu nhau như thế bằng mười hại nhau” nói không có chuyên môn, lên truyền hình nói “ba lăng nhăng” thì sẽ bị khán giả ném đá thôi. Đừng vì chỉ yêu quý, cảm tính mà đưa nghệ sĩ ấy vào thế khó.

Nghệ sĩ là những người có tài, có những vai diễn để đời, có ảnh hưởng tới xã hội… như NSND Trọng Khôi, NSND Hoàng Dũng, NSND Lan Hương… chứ không phải là một số danh hài hội chợ, chưa có đóng góp nhiều nhưng vì được tung hô nên nghĩ mình là những “ông giời”. Gần đây, khán giả cảm tính đến mức, đề nghị phong NSND cho hai nghệ sĩ hài mà bỏ qua danh hiệu NSƯT, nếu có danh hiệu Nghệ sĩ quốc tế, họ cũng đề nghị cho thần tượng của mình. Điều này có vô lý và vô lối không?

Tất cả những chuyện này có phải do dân trí của mình chưa cao, khán giả quá thiếu thốn các chương trình nghệ thuật nên họ mới “làm quá” và yêu thần tượng của mình quá mức không anh?

Cũng không hẳn là do dân trí, bởi có nhiều người có tri thức, họ vẫn có thần tượng riêng của mình đấy chứ. Tôi cho rằng, dần dần khán giả Việt Nam sẽ có cái nhìn văn minh, đúng đắn về thần tượng và nghệ sĩ. Ở nước ngoài, khán giả xem các cuộc thi Hoa hậu như một chương trình giải trí thông thường, cô gái nào đạt giải thì họ vẫn trân trọng nhưng không đến mức cuồng nhiệt như mình.

Ở Việt Nam, nhiều cô gái đạt giải Hoa hậu coi như đổi đời, có cô bỏ học để đi chạy show, kiếm tiềm và kiếm đại gia. Vì thế nên những giải Hoa hậu ao làng vẫn có người tham gia. Có cô chấp nhận đi thi Hoa hậu chui và về bị phạt. Đó là một cách nhận thức lệch lạc, cần điều chỉnh ngay.

Khán giả cũng không nên tung hô những người đẹp kiểu đó. Chính vì lệch lạc nên những cô gái như Bà Tưng, Ngân 98… vẫn mua nhà, sắm xe sang vì sự “hở hang” của mình. Chúng ta nên lên án những cô đó, khen chê nghiêm túc chứ không phải cứ tung hô cho vui, khiến nhiều người đẹp sau đó bị nhiều ê chề vì nhận ra sự thật, mình chẳng là gì trong xã hội này cả.

Thời gian gần đây, một số nghệ sĩ đổ xô đi làm hài, mong được nổi tiếng. Việc có nhiều nghệ sĩ, thần tượng hài lên mặt có phải do nguyên nhân nữa là khán giả dễ dãi khi nhận thần tượng không anh?

Các chương trình hài ở Việt Nam đang lên ngôi trong các năm qua, có thể kể đến như: Ơn giời cậu đây rồi, Thách thức danh hài, Cười xuyên Việt, Hội ngộ danh hài, Kỳ tài thách đấu… rồi các kênh Youtube được mở ra để chiếu các seris hài của các diễn viên trẻ mới vào nghề nên ai cũng được gọi là… nghệ sĩ. Rồi việc giả gái trên truyền hình cũng như một trào lưu, ai cũng muốn giả gái nhưng nhiều người làm rất phản cảm. Ngày xưa ở các chiếu chèo cổ, anh Hề mồi diễn hay lắm, họ nói năng đâu mà đấy, khiến cho khán giả không nghĩ Hề mồi là nhân vật phụ. Họ không nói năng tục tĩu như một số người đóng hài bây giờ. Hài nhảm, hài bẩn cần phải tẩy chay.

Nếu khán giả khắt khe hơn, nghiêm túc hơn trong cách nhìn nhận thần tượng, nghệ sĩ thì sẽ không còn những người ngộ nhận và mắc bệnh ngôi sao. Nếu chúng ta tẩy chay đúng thì ai cũng ủng hộ. Vào giữa năm 2021, cũng có một danh hài nổi tiếng vướng ồn ào khi liên quan đến việc giải ngân tiền từ thiện chậm, bị khán giả tẩy chay, thậm chí bị đề nghệ tước danh hiệu NSƯT. Có Đài truyền hình đã huỷ hợp đồng không mời anh ta làm giám khảo nữa. Đây cũng là một tín hiệu tốt khi khán giả lên tiếng về những tiêu cực mà đám đông không chấp nhận được. Không phải cứ là danh hài, người nổi tiếng, mà anh “biến thiên đường thành cái chợ”, anh ta nói gì thì khán giả cũng phải nghe.

Đối thoại - 'Cứ tẩy chay vài hôm, lại thấy nghệ sĩ đó xuất hiện trên giờ vàng VTV' (Hình 2).

Nhà viết kịch Chu Thơm cho hay, nhiều nghệ sĩ chưa đóng góp gì vẫn nghĩ mình là... "ông giời".

Anh từng công tác tại cục Nghệ thuật Biểu diễn (bộ VH,TT&DL), trong thời gian còn làm việc, có nhiều chương trình nhảm nhí bị Cục “tuýt còi”, không cho biểu diễn không anh?

Tôi từng công tác tại phòng Nghệ thuật, cục Nghệ thuật Biểu diễn, đây là đơn vị cấp phép biểu diễn cho các chương trình nghệ thuật ở Việt Nam. Hồi đó, chúng tôi cũng gạt đi nhiều chương trình nhảm nhí, khi duyệt chương trình, chúng tôi cũng phải ý kiến rất nhiều để bỏ những đoạn thừa thãi, phản cảm. Thậm chí, một số nhà sản xuất còn nổi xung lên với chúng tôi vì bị cắt nhiều quá. Nhưng chúng tôi vẫn kiên quyết làm, bởi vì chúng tôi biết, nếu đưa những tiểu phẩm ấy trình diễn sẽ rất thiếu văn hoá, làm ảnh hưởng đến các nghệ sĩ biểu diễn.

Hiện nay, các chương trình nghệ thuật cũng được kiểm duyệt khắt khe hơn vì thế các nghệ sĩ cũng nên trang bị cho mình những kiến thức chuyên môn, phải lao động nghệ thuật nghiêm túc thì mới có những thành tích tốt, được khán giả ủng hộ. Đừng vì những tung hô trên mây mà không “biết mình là ai”.

Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.