Tết Nguyên đán là sinh hoạt văn hóa dân gian quan trọng nhất và lớn nhất trong năm của người Việt. Nói sinh hoạt Tết có nghĩa là thiên về mặt tinh thần nhiều hơn. Tinh thần ở đây là các hoạt động tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo cùng các thủ tục và những điều kiêng kỵ, thế nhưng dân gian lại gọi là ăn tết.
Tục ngữ có câu: “Đói quanh năm no ba ngày tết”, rõ ràng ăn rất quan trọng với người xưa, không có tiền phải vay lãi để ăn Tết họ cũng vay.
Xưa, kinh tế của người Việt dựa chủ yếu vào nông nghiệp và luôn phải “trông trời trông đất trông mây, trông mưa trông gió trông ngày trông đêm...”. Mất mùa là đói. Có đói vàng mắt mới thấy cần miếng ăn thế nào, từ đó sinh ra căn tính “có thực mới vực được đạo”. Mà nó cũng rất đơn giản đến không ngờ chỉ là “cơm ba bát, áo ba manh”. Chỉ đến Tết người ta mới được ăn các món ngon mà ngày thường không có.
Vì thế Tết còn là cuộc trình diễn ẩm thực truyền thống của người Việt. Khi người dương thế ăn Tết thì người ở âm phần cũng được ăn vì trước Tết, đi chạp mả họ đã mời tổ tiên về ăn tết.
Như Triều Tiên và Nhật Bản, Việt Nam cũng là “ngoại biên” của văn minh Trung Hoa. Và mỗi nước chịu ảnh hưởng nông sâu khác nhau với những góc khúc xạ khác nhau, một cái tết chung cho 4 nước dễ cho người ta cảm nhận rằng Tết đó có cội nguồn Trung Hoa.
Tết ra đời khoảng hơn 100 năm trước Công nguyên nhưng khi vào Việt Nam nó đã được dung hợp với phong tục, tập quán và văn hóa Việt để có thể gọi là Tết của người Việt. “Vật cùng tắc biến”, Tết Nguyên đán dần thay đổi khi người ta đã giải được tính thiêng trong tục lệ mang tính tín ngưỡng, tâm linh thậm chí là mê tín của ngày Tết. Ví dụ như: Vạch vôi trắng ở sân để ngăn ma qủy từ biển Đông vào nhiễu loạn, tại sao lại dựng cây nêu, nhà tù không nhận tù nhân, trai gái nhà nghèo về ở với nhau vào đúng giao thừa để khỏi phải mời làng... dần bị loại khỏi Tết.
Hay như màu đỏ là màu đặc trưng của những ngày Tết. Theo quan niệm Phương Đông, màu đỏ là màu của máu, của sự tái sinh, màu của sự sống và may mắn nên Tết phải có hoa đào, xôi gấc, câu đối, quả pháo cũng quấn giấy màu đỏ. Thậm chí khi bánh chưng đã luộc chín người ta còn gói lại bằng lá dong tươi, sau đó buộc lạt được nhuộm đỏ rồi mới đặt đồng bánh lên ban thờ. Nhưng Tết nay hoa mắt vì các màu.
Đúc kết về Tết, không có câu nào cô đọng và súc tích hơn câu đối:
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh
Thị mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Chỉ 14 chữ nhưng nói lên cả ăn và chơi Tết. Ăn và chơi ngang nhau, mỗi thứ có 3 biểu trưng. Tuy nhiên ngày nay chỉ còn lại bánh chưng và dưa hành. Loại trừ pháo do Chính phủ cấm vì nó quá nguy hiểm còn lại những biểu trưng kia mất đi vì nó không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại.
Cuối thập niên 90 thế kỷ XX, từ ăn đủ thức trong ngày Tết như một sự “trả thù” thời bao cấp khốn khó thì xã hội đã chuyển sang uống bia, rượu Tây và các loại nước ngọt nên Tết có câu: “Ăn đi xuống, uống đi lên”.
Tết do con người nghĩ ra giống như các loài hoa, đến kỳ bông sẽ nở. Chẳng mong Tết cũng đến, mong thì cũng ngày ấy mới đến Tết. Xưa trông mai đào biết xuân về, nay rục rịch tiền thưởng biết Tết sắp đến.
Tết thay đổi khiến trạng thái cảm xúc Tết cũng thay đổi. Xưa con trẻ háo hức và mong chờ, người lớn thì lo lắng còn người già vui gia đình đoàn viên. Nhưng nay, con trẻ mong Tết không phải vì tấm áo mới, được ăn ngon hơn, lũ trẻ mong Tết vì không phải đi học thêm, được mừng tuổi.
Với người lớn, Tết đã và đang trở nên bình thường vì ăn Tết bây giờ nhàn hơn, ăn nhỏ không bị khinh, ăn to còn bị lên án lãng phí, miễn là đừng vay tín dụng đen để ăn Tết là được.
Song tội nhất lại là người cao tuổi, không nói ra nhưng ngậm ngùi, sẽ ăn được mấy Tết nữa?
Loại bỏ suy nghĩ Tết là văn hóa dân gian truyền thống nên phải duy trì thì Tết là dấu mốc, từ cũ sang mới. Vì thế, triết lý của Tết Nguyên đán là đón mừng năm mới, mừng cái mới và hy vọng vào sự đổi mới.
Bởi thế mới có câu: “Nhật tân, nhật tân, hựu nhật tân” (Mỗi ngày một mới, mỗi ngày một mới, lại mỗi ngày một mới). Từ cái triết lý ấy chuyển hóa thành giá trị và giá trị cốt lõi của Tết là tinh thần cộng cảm. Không có bất cứ sự kiện nào trong năm lại buộc người ta không ngừng nghĩ, không ngừng nói như Tết.
Tết thu hút tất cả mọi thành phần trong xã hội cùng tham gia kể cả thành phần không hào hứng. Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dù đang đánh nhau ác liệt nhưng giáp Tết các bên đều thống nhất ngừng chiến để dân chúng ăn Tết.
Tết cũng là dịp người ta lên dây cót tinh thần, lau dầu tâm hồn, để tha thứ.
Tết nhân văn thế mà dăm bảy năm trở lại đây có người nhân danh phát triển kinh tế hay bình đẳng giới lên tiếng gộp Tết Nguyên đán vào Tết Tây hay đòi bỏ tết. Chẳng phải vì nước Nhật bỏ Tết mà trở nên hùng cường. Giống như Đức, Italia, chỉ có Nhật Bản mới làm những việc mà không quốc gia nào dám làm hay không làm được. Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vì người Nhật chăm chỉ, có ý chí và lòng tự trọng cao.
Một vài chị em ra sức cổ súy bỏ Tết vì cho rằng Tết chị em vất vả nhất, họ chỉ thích cưỡi voi như Hai Bà Trưng, lại lấy phải anh chồng lười nên họ muốn bỏ Tết cũng phải.
Lại có ý kiến nương vào tai nạn giao thông do Tết uống nhiều bia rượu hay ùn tắc giao thông... Với người ham rượu bia, họ uống quanh năm đâu phải chờ đến Tết, còn tắc đường ngày nào mà chả diễn ra ở các đô thị lớn đâu phải dịp “xuân vận” mới ùn tắc?
Lại có ý kiến gộp Tết Nguyên đán vào Tết Tây, những người đưa ra ý tưởng này thật hồn nhiên, đâu phải chỉ phép tính cộng là xong. Người Việt ở vào thế lưỡng, dùng cả lịch âm và lịch dương, phần đông vẫn nặng nề với tâm linh, tín ngưỡng thì gộp sao được. Tết ông Công ông Táo vào ngày nào? Chạp mả vào tháng nào? Giả sử có một quyết định hành chính thì dân vẫn cứ ăn Tết Nguyên đán.
Tết đã và đang chuyển từ ăn, uống sang chơi. Một số gia đình mua tour đi du lịch nước ngoài. Nhiều gia đình ăn uống đơn giản, họ dành thời gian Tết để nghỉ ngơi.
Người Hàn Quốc từng bỏ Tết rồi lại khôi phục và họ đâu có mất cơ hội kinh tế?
Hãy để mọi thứ diễn ra tự nhiên. Cứ thản nhiên tết đi!