Sáng 13/5, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri hai quận Ba Đình, Tây Hồ trước kỳ họp thứ 3 (Quốc hội khóa XIV).
Ông Phan Đăng Tĩnh (quận Tây Hồ) kiến nghị không nên để quy hoạch treo quá lâu. Với các loại quy hoạch ngoài lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn cần lấy ý kiến của người dân và việc triển khai không kéo dài tránh những hoang mang của người dân. Ví dụ như việc quy hoạch bãi giữa sông Hồng, quy hoạch khu vực Nghi Tàm hiện đã kéo dài nhiều năm, người dân rất băn khoăn.
Cử tri Trần Viết Hoàn (Vĩnh Phúc, Ba Đình) cho biết người dân hoan nghênh quyết tâm của Tổng bí thư trong việc xử lý các vụ án tham nhũng. Tuy nhiên, người dân vẫn bất bình với việc có quá nhiều cán bộ được bổ nhiệm tràn lan như vụ bổ nhiệm lãnh đạo ở Hải Dương, vụ bà Trần Vũ Quỳnh Anh ở Thanh Hóa, hay tài sản lớn của bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương.
Rồi câu chuyện Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, Lê Chung Dũng bỏ trốn ra nước ngoài sau sai phạm. Cử tri rất muốn biết các cơ quan chức năng đã bắt được ba nhân vật bỏ trốn kia chưa?
"Người dân đùm bọc yêu thương nhau như qua những chương trình Lục lạc vàng, Vì bạn xứng đáng, Cặp lá yêu thương để… chia sẻ với nhau từng miếng cơm manh áo, dìu nhau qua khó khăn. Thế nhưng nhiều kẻ lại tham nhũng hàng nghìn tỷ đồng. Tham nhũng là giặc. Đảng và Nhà nước đánh đổ giặc tham nhũng sẽ cứu được dân", ông Hoàn nói.
Cử tri Trần Viết Hoàn cũng hoan nghênh ông Nguyễn Đức Chung đã làm những việc được lòng dân như giảm tiền cắt cỏ, tỉa cây tránh lãng phí (từ 800 tỉ mỗi năm còn có hơn 100 tỉ đồng). Gần đây ông Chung đã về với dân thôn Hoành, nghe dân nói, đối thoại với dân.
Ông Hoàn bày tỏ: “Dân lo lắng cho Đảng, cho nhà nước. Kiến nghị Đảng, Nhà nước xem xét lại công tác cán bộ một cách nghiêm túc. Không thể để xảy ra tình trạng bổ nhiệm bừa bãi, đưa nhau lên làm quan một cách ồ ạt, gây bức xúc dư luận như vụ ở sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Dương, vụ bổ nhiệm cô Trần Vũ Quỳnh Anh ở sở Xây dựng Thanh Hóa. Phải làm rõ ai đã chống lưng cho cô Quỳnh Anh mà tiến nhanh như vậy?”.
Cử tri cũng băn khoăn chuyện các quan chức ở cấp cao giàu quá, ví dụ như Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa… Những người như thế thì không biết tính đảng, tính giai cấp sẽ ghi vào hồ sơ như thế nào đây? Rồi tình trạng có lỗi thì hạ cánh rất dễ dàng như ông Võ Kim Cự xin thôi ĐBQH, cô Trần Vũ Quỳnh Anh xin thôi công chức.
Ông cũng đặt vấn đề: Việc quản lý cán bộ của Đảng, Nhà nước quá lỏng lẻo đến nỗi khi cán bộ có tội lỗi thì trốn ra nước ngoài mà Đảng, Nhà nước không hay như ở bộ Công thương có Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, Lê Trung Dũng. Và bây giờ lại có Trần Vũ Quỳnh Anh ở Thanh Hóa đi đâu không rõ?
“Liệu có người bố trí cho họ trốn không? Cử tri chúng tôi rất muốn biết Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt chưa?” - ông nói.
Cử tri Nguyễn Hồng Toán (Tây Hồ) phát biểu, sau 6 ngày theo dõi hội nghị lần thứ 5 (Ban chấp hành Trung ương khóa XII), người dân rất hoan nghênh và phấn khởi khi Trung ương đã ra được những quyết định quan trọng.
Về ông Đinh La Thăng, cử tri này cho rằng đây là con người xông xáo và có tài. Năm năm làm Bộ trưởng GTVT và thời kỳ đầu làm Bí thư TP.HCM, ông Thăng đã thể hiện được nhiều việc quan trọng. Nhưng trong 2 năm 2009-2011 khi phụ trách Tập đoàn PVN, ông Thăng đã để lại những sai sót mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công bố, báo chí đã nêu.
Cá nhân ông và nhiều cử tri không đồng thuận với hình thức kỷ luật cảnh cáo với ông Đinh La Thăng.
"Tôi biết rằng Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xử lý có lý có tình, nhưng nhân dân cho rằng sai lầm như thế mà chỉ cảnh cáo là chưa thỏa đáng. Các hình thức cảnh cáo của Đảng cũng không có hình thức nào cho thôi chức, mà phải là cách chức. Cụ thể là cách chức Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TP.HCM và kể cả Ủy viên Trung ương Đảng", ông Toán nói.
Theo ông, có làm như vậy các đảng viên mới thấy đảng nghiêm minh, nếu không nhiều người cho rằng cứ làm sai đi, sau này chỉ bị cảnh cáo nhẹ nhàng.
"Theo tôi công là công, nhưng khuyết điểm là khuyết điểm. Không để Ban Kinh tế Trung ương là "túi đựng" các đồng chí có vấn đề. Nhân dân thấy rất ám ảnh việc cán bộ cứ bị kỷ luật lại được điều động về các vị trí khác", ông Toán bày tỏ.
"Ông Đinh La Thăng bị cảnh cáo và thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị, việc thôi chức này là cho thôi chức hay Đảng buộc phải thôi? Theo Bộ Luật Hình sự thì chỉ cần 2 triệu đồng là bị chịu trách nhiệm hình sự, nhưng đối với sai phạm hàng nghìn tỷ thì sẽ xử lý ra sao? Chúng tôi đề nghị Tổng bí thư cho ý kiến về vấn đề này để chúng tôi có thể về trao đổi với bà con tại cơ sở", ông Minh đề nghị.
"Việc cho thôi chức Ủy viên Bô Chính trị, thôi chức Bí thư Thành ủy TP.HCM đối với ông Đinh La Thăng nhưng lại cho giữ chức Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương thì có phù hợp hay không?", cử tri Đinh Vũ Khuynh hỏi.
Tổng họp từ báo ZING.VN/ TTO