Ngày 3/5, trong buổi tiếp xúc cử tri của đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng do bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội và ĐBQH Ngô Thị Kim Yến, Thành ủy viên, Giám đốc sở Y tế TP.Đà Nẵng chủ trì, nhiều vấn đề “nóng” liên quan đến ngành Y tế được chia sẻ. Nhiều người lo ngại sự cố y khoa, bạo hành đối với cán bộ, nhân viên y tế.
Bà Hoàng Thị Xuân cho biết, nơi mình đang công tác, trung tâm Y tế quận Sơn Trà, có đến 2/3 cán bộ, nhân viên y tế là nữ. Thế nhưng, hiện tại, đơn vị này vẫn chưa có 1 quy định, biện pháp nào cụ thể nhằm bảo vệ cán bộ khi đang làm việc. Việc bạo lực trong ngành Y tế thường là đánh trực tiếp nên không có biện pháp bảo vệ thì những người làm việc tại đây khó có thể đảm bảo được công việc của mình.
Trong khi đó, bà Sữ Thị Ngân, Trưởng phòng Quản lý chất lượng bệnh viện Hoàn Mỹ nhận định, dư luận chưa có cái nhìn công tâm đối với ngành Y tế. Đồng thời, bà đề nghị phải có thêm quy định cụ thể, nghiêm khắc để chấm dứt tình trạng hành hung cán bộ trong ngành.
“Sự cố y khoa không mong muốn là điều khó tránh và trong nhiều trường hợp ngoài tầm kiểm soát. Thế nhưng, khi sự cố xảy ra, không ít người nghĩ rằng, phải có vấn đề gì đó, người ta mới hành hung. Tức là bảo vệ, bao che cho những người hành hung cán bộ y tế.
Chúng tôi mong muốn dư luận đánh giá công bằng đối với ngành Y tế. Tiêu cực chỉ là thiểu số, là những con sâu làm rầu nồi canh, không thể lấy 1 vài vụ việc để quy chụp ngành Y tế chúng tôi là tiêu cực”, bà Ngân nói.
Vị này tiếp lời: “Tại sao chúng tôi làm công việc cứu người mà vẫn bị hành hung, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe? Chúng tôi mong muốn dư luận đánh giá công bằng hơn đối với ngành Y tế. Chúng tôi không đáng bị đối xử như vậy”.
Bà Quỳnh Giao, đang công tác tại bệnh viện Đa khoa Gia Đình đưa ra 2 giải pháp để tránh trường hợp cán bộ, nhân viên y tế bị hành hung. Thứ nhất là cho những người công tác tại ngành Y tế học võ. Thứ 2 là tập huấn, yêu cầu những người làm việc trong ngành Y tế phải nói lời mềm mỏng.
Bà Giao thừa nhận, tại bệnh viện Gia Đình, nhân viên y tế luôn nói chuyện 1 cách nhẹ nhàng, xem bệnh nhân và người nhà là khách hàng và tuyệt đối tôn trọng. Tuy nhiên, tình trạng bạo hành của người nhà đối với nhân viên, cán bộ y tế đôi lúc vẫn diễn ra. “Dù chưa phải là dùng bằng tay chân nhưng lời nói nặng lời là có”, bà nói.
Bên cạnh đó, ĐBQH Ngô Thị Kim Yến cũng đồng quan điểm, dư luận chưa có cái nhìn công bằng về ngành y. Tuy nhiên, bà cũng nhận định, bản thân ngành y cũng cần phải có sự thay đổi. Mỗi cán bộ y tế cần phải cải thiện tâm lý, khả năng chịu đựng áp lực thì mới có thể hoàn thành tốt công việc. Theo bà, tất cả những ý kiến của các cử tri sẽ được tập hợp, báo cáo, kiến nghị để Quốc hội có giải pháp đồng bộ nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực đối với ngành Y tế.