Kinh phí đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ rừng còn hạn chế
Chiều 9/12, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk phối hợp Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Giao, đại diện cho cử tri xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện các chủ rừng hầu như không còn khả năng để quản lý, bảo vệ rừng. Do diện tích rừng rất lớn, lực lượng bảo vệ quá ít.
Bên cạnh đó, nguồn vốn, kinh phí đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ rừng còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế trong công tác bảo vệ, phát triển rừng.
Trên cơ sở đó, ông Giao đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk xem xét, kiến nghị trung ương xem xét điều chỉnh lại mức hỗ trợ quy định tại Thông tư 21/2023/TT-BTC ngày 01/6/2023 của Bộ Tài chính về quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, sớm ban hành chính sách phát triển thị trường tín chỉ carbon nhằm tăng kinh phí hỗ trợ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tạo điều kiện cho các công ty, chính quyền địa phương đủ nguồn lực để chi trả cho công tác quản lý bảo vệ rừng và thu hút, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng, từng bước thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Minh Chí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện nay số lượng lực lượng quản lý bảo vệ rừng hiện nay rất ít so với nhu cầu thực tế. Trong khi đó, diện tích rừng, quản lý bảo vệ rừng rất lớn, toàn tỉnh có tổng diện tích hơn 900.000ha rừng.
Bên cạnh đó, nguồn chi phí áp dụng cho hỗ trợ quản lý bảo vệ rừng thì thấp, không đảm bảo tiền lương cho cán bộ, công nhân viên của các công ty lâm nghiệp và người dân.
Thời gian qua, số cán bộ trong lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách cũng như lực lượng kiểm lâm xin nghỉ việc rất nhiều. Tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm xảy ra tại nhiều công ty, đặc biệt là các công ty TNHH MTV lâm nghiệp và công ty TNHH 2 thành viên lâm nghiệp.
Để giải quyết vấn đề này, thực hiện Nghị định 58 ngày 24/5/2024 của Chính phủ về chính sách đầu tư trong lâm nghiệp, UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết về chính sách đặc thù, hỗ trợ đầu tư trong lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Ngoài ra, cử tri huyện Cư M’gar cũng có ý kiến về việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính về đất đai nằm trong khu vực quy hoạch dự trữ khoáng sản quốc gia.
Lãnh đạo Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk cho hay, theo Nghị định 51 của Chính phủ quy định về việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác thì không cho phép thực hiện các dự án có tính chất lâu dài trên vùng có khoáng sản dự trữ quốc gia, trừ những trường hợp có tính chất quan trọng cấp quốc gia... Từ đó, việc chuyển quyền sử dụng đất ở đây bị vướng quy định này.
"Chúng tôi sẽ xem xét, xin ý kiến của Bộ Tài Nguyên Môi trường để trả lời kiến nghị của cử tri về vấn đề này", lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường nói.
Đề nghị mở rộng quốc lộ 26
Tại hội nghị, nhiều cử tri cũng nêu ý kiến, kiến nghị mở rộng quốc lộ 26 để đảm bảo nhu cầu lưu thông của các phương tiện và người dân.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, cử tri tại thị trấn Phước An (huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) chỉ rõ: "Trên địa bàn huyện hiện nay có khoảng hơn 200.000 dân.
Hơn nữa, Krông Pắk là một trong những huyện phát triển mạnh về các sản phẩm nông nghiệp như sầu riêng, ca cao và các hàng nông sản khác nên lượng xe đi qua quốc lộ 26 rất lớn.
Do vậy, cử tri đề nghị cơ quan có thẩm quyền sớm nghiên cứu mở rộng quốc lộ 26 để đảm bảo nhu cầu lưu thông, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn".
Tương tự, ông Đoàn Xuân Bình, cử tri tại thị trấn Phước An cho hay, hiện nay huyện Krông Pắk đã trở thành "thủ phủ" sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk. "Thủ phủ" sầu riêng đó nằm trên 3 xã của huyện Krông Pắk gồm: Ea Kênh, Ea Yông, Ea Knuêc.
Vì vậy, cử tri đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk có ý kiến với Bộ Giao thông và Vận tải đầu tư mở rộng tuyến quốc lộ 26 trong khoảng 6-7km, để đảm bảo trên hành lang của 3 xã này trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ buôn bán sầu riêng.
Ông Bình cũng đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk có ý kiến với Bộ Giao thông và Vận tải về việc đầu tư xây dựng đường tránh qua thị trấn Phước An.
Trả lời ý kiến của các cử tri, ông Lê Công Du, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Lắk thông tin, sắp tới khi cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột hoàn thành đưa vào hoạt động sẽ giảm tải được lưu lượng phương tiện cho quốc lộ 26.
Tuy nhiên, hiện tại quốc lộ 26 đang quá tải. Do đó, Sở Giao thông và Vận tải kiến nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tiếp tục kiến nghị trung ương sớm có kế hoạch đầu tư mở rộng quốc lộ 26.
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Xuân, Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho hay, đối với những vấn đề cử tri đề xuất, kiến nghị thuộc thẩm quyền Trung ương, hoặc cần quá trình, thời gian lâu dài, nguồn lực lớn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tiếp thu, tổng hợp, tiếp tục đề nghị, kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định, đáp ứng niềm mong mỏi và nguyện vọng chính đáng của cử tri. Đồng thời, đề nghị các sở, ngành và địa phương quan tâm, tiếp thu, giải trình các nội dung kiến nghị thuộc thẩm quyền và thông báo tới cử tri về kết quả giải quyết trong thời gian sớm nhất.
Khánh Ngọc