Sáng 10/7, Chủ tịch HĐND Tp.Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã tham dự cuộc đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri (Đơn vị bầu cử số 3) để báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Tại cuộc tiếp xúc cử tri, các đại biểu Quốc hội đã báo cáo với cử tri quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, cử tri bày tỏ vui mừng với các kết quả đã đạt được trong kỳ họp, đặc biệt, việc Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) tạo thuận lợi phân cấp, phân quyền nhiều cho Thủ đô phát triển.
Cử tri mong chờ Luật sớm triển khai thực hiện sẽ mang tính đột phá nhằm thúc đẩy xây dựng phát triển Thủ đô, để Thủ đô vươn tầm phát triển, xứng đáng là đô thị đặc biệt, có vai trò dẫn dắt sự phát triển chung của cả nước.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri kiến nghị với Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tăng cường công tác giám sát việc thực hiện lời hứa về các giải pháp khắc phục hạn chế, tồn tại đến cuối cùng mà kết quả như: vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm rác thải, nguồn nước, các sông, ngòi, ao hồ, nạn khai thác cát trái phép gây sạt lở nghiêm trọng và vệ sinh an toàn thực phẩm...
Đồng thời, đề nghị Quốc hội quyết liệt hơn nữa trong việc giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý để xử lý triệt để hơn nữa trong việc thực hiện nghiêm những quy định về PCCC & CNCH, việc di dời các nhà máy trên địa bàn Hà Nội.
Tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri, Chủ tịch HĐND Tp.Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, việc tiếp xúc cử tri thể hiện kỷ cương trách nhiệm, đề nghị lãnh đạo các đơn vị tiếp thu các nội dung theo thẩm quyền và triển khai công việc đạt hiệu quả.
Chủ tịch HĐND Thành phố cũng cho biết, Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ tổng hợp, theo dõi tiến độ giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri để thông tin tới cử tri.
Nhấn mạnh Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) và 2 Quy hoạch Thủ đô, trong đó Luật Thủ đô có nhiều cơ chế chính sách phân cấp, phân quyền cho Thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho Thành phố phát triển.
Luật đã có 9 nhóm cơ chế, chính sách chính thức Luật hóa mô hình chính quyền đô thị ở Hà Nội; tăng thẩm quyền cho HĐND, UBND; tăng số lượng đại biểu HĐND, đại biểu chuyên trách...
"Quan điểm của lãnh đạo Thành phố là tất cả những nội dung liên quan đến Luật Thủ đô sẽ được cụ thể hóa để đi vào cuộc sống. Trong số các nhóm cơ chế chính sách có một số nhóm có hiệu lực từ 1/1/2025 và một số nhóm có hiệu lực từ 1/7/2025, Thành phố sẽ có phân công, phân nhiệm để triển khai có hiệu quả các quy định trong Luật Thủ đô (sửa đổi)", Chủ tịch HĐND Tp.Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nói.
Ông Tuấn cho biết, thời gian qua, Thành phố đã có nhiều giải pháp xử lý và thời gian tới tiếp tục chỉ đạo để giải quyết. Với vấn đề PCCC, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội cũng thảo luận về dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Từ đó, Thành phố đề nghị cử tri, nhân dân cùng tham gia để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản; đề nghị các cơ quan tiếp tục tuyên truyền về kỹ năng thoát hiểm cho người dân.
Khẳng định việc di dời trụ sở các cơ quan ra khỏi nội đô thời gian tới tiếp tục thực hiện, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị 3 quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm quan tâm thực hiện chương trình 03 của Thành ủy về chỉnh trang đô thị, cải tạo xây dựng công viên, vườn hoa, lan tỏa đến các phường, cử tri nhân dân; tận dụng các khoảng không để trồng hoa, tạo cảnh quan cây xanh. Quận Cầu Giấy cần làm tốt ở công viên Nam Trung Yên, công viên Mai Dịch...
Với các vấn đề khác, Chủ tịch HĐND Tp.Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ tiếp thu và tổng hợp đầy đủ để gửi đến các bộ, ngành, cơ quan chức năng xem xét giải quyết, trả lời cử tri theo đúng quy định.