Cử tri kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ công chức cấp xã, Bộ Nội vụ nói gì?

Cử tri kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ công chức cấp xã, Bộ Nội vụ nói gì?

Đồng Xuân Thuận

Đồng Xuân Thuận

Thứ 4, 27/03/2024 14:45

Bộ Nội vụ vừa có công văn về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, Bộ Nội vụ nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Vĩnh Long do Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến theo Công văn số 48/BDNngày 24/01/2024 về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội XV, nội dung các kiến nghị như sau: “1. Cử tri kiến nghị cần quy định thang bảng lương cụ thể đối với cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn như công chức vì những người này cũng hoạt động, làm việc thời gian như nhau. 2. Cử tri kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn, vì hiện nay khối lượng công việc họ đảm nhận rất nhiều, mức phụ cấp hàng tháng còn thấp mà giá cả hàng hóa tiêu dùng hàng ngày lại tăng cao, không đảm bảo trong chi tiêu".

Về nội dung kiến nghị của cử tri, ngày 26/3, Bộ Nội vụ cho biết, Bộ đã có công văn số 1565/BNV- CQĐP trả lời Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long.

Theo Bộ Nội vụ, căn cứ Điều 61 và khoản 4 Điều 84 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 33/2023/NĐ- CP ngày 10/6/2023 quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.

Trong đó quy định người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp (không hưởng lương) và UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quy định mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (Điều 34).

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP thì cán bộ, công chức cấp xã được thực hiện xếp lương như công chức hành chính có cùng trình độ đào tạo, theo đó đã được thực hiện các chế độ, chính sách như công chức cấp huyện trở lên.

Đồng thời, tại khoản 2 Điều 6 Nghị định này đã quy định tăng số lượng công chức cấp xã đối với những đơn vị hành chính cấp xã có quy mô dân số và diện tích tự nhiên lớn hơn so với tiêu chuẩn quy định để bảo đảm phối hợp với khối lượng công việc của cán bộ, công chức cấp xã tại các địa bàn cấp xã này.

Trong khi đó, cử tri tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho rằng, đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường hiện nay chỉ hưởng mức phụ cấp với mức lương cơ bản là quá thấp so với tình hình kinh tế hiện nay. Khi về hưu lương cao nhất hưởng 75% của 1.800.000 đồng. Cử tri đề nghị quan tâm đến đối tượng này.

Về vấn đề này Bộ Nội vụ cho biết, tại khoản 3 Điều 34 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đã phân cấp cho chính quyền địa phương cấp tỉnh quy định cụ thể chức danh, mức phụ cấp (kể cả mức phụ cấp kiêm nhiệm) đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.

Theo đó, căn cứ vào quỹ phụ cấp được ngân sách Trung ương khoán cho mỗi cấp xã, mỗi thôn, tổ dân phố quy định tại các khoản 1, 2 Điều 34 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP nguồn kinh phí ngân sách chi cho cải cách tiền lương của địa phương các quy định của pháp luật có liên quan và đặc thù của từng cấp xã, từng thôn, tổ dân phố, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định cụ thể về chức danh, việc kiêm nhiệm chức danh và mức phụ cấp của từng chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố bảo đảm tương quan hợp lý với mức lương bậc 1 của công chức cấp xã có cùng trình độ đào tạo nhằm khuyến khích người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Về hưởng chế độ khi nghỉ hưu đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Theo đó, tại Khoản 1 Điều 5 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã quy định “Mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và có chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội”.

Đồng thời, Khoản 1 Điều 89 Luật này đã quy định căn cứ để tính đóng Bảo hiểm xã hội hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là “mức lương cơ sở”.

Cử tri kiến nghị xem xét điều chỉnh chính sách với Ban Thanh tra nhân dân phường, xã

Theo cử tri thành phố Đà Nẵng phản ánh, tại Điều 36 và Điều 37 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 quy định: “Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn gồm Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các Ủy viên, được bầu từ các thôn, tổ dân phố trên địa bàn cấp xã là công dân thường trú trên địa bàn và không đồng thời là cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố”.

Trong khi đó, Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố quy định chức danh Trưởng Ban thanh tra nhân dân không nằm trong nhóm người hoạt động không chuyên trách, không có phụ cấp, chế độ chính sách.

Cử tri kiến nghị xem xét, nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi, điều chỉnh chính sách này cho phù hợp nhằm hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân phường, xã cũng như việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đồng thời, xem xét quy định có chế độ hỗ trợ cho hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn hằng năm.

Ngoài ra, cử tri phản ánh, thực hiện Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính, sẽ có một bộ phận cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách bị dôi dư và cho thôi việc.

Cử tri kiến nghị nghiên cứu, ban hành chính sách hợp lý, thỏa đáng đối với cán bộ, công chức còn trong độ tuổi lao động (độ tuổi 50 tuổi và đã có thời gian công tác lâu dài tại địa phương) thì nên xem xét và giới thiệu bố trí công việc hợp lý tại một trong các cơ quan trên địa bàn để tiếp tục có việc làm và thu nhập ổn định cuộc sống gia đình. Đồng thời, nghiên cứu chỉ đạo giải quyết sớm việc tổ chức lấy ý kiến cử tri về đề án sắp xếp và chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách bị dôi dư sau khi sắp xếp.

Trả lời cử tri Đà Nẵng, Bộ Nội vụ cho biết, về đề nghị Chính phủ sửa đổi quy định về Trưởng ban Thanh tra nhân dân, Khoản 2 Điều 37 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 quy định thành viên Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn không đồng thời là cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Theo đó, quy định của Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ đã phù hợp với quy định tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022.

Về hỗ trợ cho hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn Điểm e khoản 2 Điều 40 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 quy định Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã có trách nhiệm hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Ban Thanh tra nhân dân. Kinh phí hỗ trợ cho hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân được sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước theo dự toán, kế hoạch hằng năm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, do ngân sách nhà nước cấp xã bảo đảm.

Về thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 a) Về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 đã quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã (Điều 12) Chính phủ đã ban hành Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 03/6/2023 quy định về tinh giản biên chế Ban Tổ chức Trung ương đã có Văn bản số 26-HD/BTCTW ngày 30/11/2023 hướng dẫn việc thực hiện sắp xếp tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở những địa phương thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.

Theo đó, ngoài các chế độ, chính sách theo quy định, hướng dẫn của trung ương thì trên cơ sở cân đối ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cấp huyện và cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố do sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên địa bàn theo quy định tại Điều 12 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 (kể cả ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị của cấp ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện và cán bộ chuyên trách giữ chức vụ bầu cử theo nhiệm kỳ ở cấp xã).

Về đôn đốc tiến độ thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, ngày 1/2/2024, Bộ Nội vụ có Văn bản số 579/BNV-CQĐP đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sớm hoàn thiện hồ sơ Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 (trong đó có việc khẩn trương tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn) gửi Bộ Nội vụ theo các mốc thời gian cụ thể để kịp thời trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 30/9/2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

T.M

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.