Trước kỳ họp thứ 6 khai mạc ngày 21/10, Quốc hội khóa XIII, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổng hợp hơn 1.100 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội bày tỏ ý kiến về nhiều vấn đề, lĩnh vực cũng như đưa ra các kiến nghị.
Về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và Luật đất đai, cử tri và nhân dân bày tỏ mong muốn Quốc hội chân thành lắng nghe ý kiến của nhân dân, tiếp thu tối đa những ý kiến hợp lý; những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước đây còn phù hợp cần được kế thừa.
Với Dự án Luật đất đai (sửa đổi), nội dung được đông đảo cử tri quan tâm và kiến nghị là vấn đề thu hồi đất. Theo đó, quy định về thu hồi đất với trường hợp vì mục đích quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia, công cộng nhận được sự tán thành cao. Tuy nhiên đối với mục đích phát triển kinh tế - xã hội thì còn nhiều ý kiến băn khoăn và chưa thật sự đồng tình. Kiến nghị được đưa ra là Quốc hội, Chính phủ cần có quy định chặt chẽ bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, nhân dân và nhà đầu tư khi thu hồi đất.
Cử tri bày tỏ sự hoan nghênh với việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thành lập 7 Đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, giám sát, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng phức tạp vừa qua. Ý kiến người dân bày tỏ hy vọng trong thời gian tới công tác này sẽ có những chuyển biến rõ rệt, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI), đáp ứng niềm tin của nhân dân vào quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.
Kiến nghị cụ thể ở lĩnh vực này được đưa ra là đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, điều tra truy tố, xét xử và xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ án tham nhũng lớn đã được phát hiện, đặc biệt là với 10 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, gồm vụ án tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Vinalines; Công ty Cho thuê tài chính 2 (thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn); Ngân hàng ACB liên quan đến “bầu” Kiên...
Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng qua được cử tri nhìn nhận có những chuyển biến song kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc. Một số chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra như GDP, giải quyết việc làm, tổng đầu tư toàn xã hội; đời sống của nhiều nông dân gặp nhiều khó khăn, do thu nhập rất thấp, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa; một số nơi có hiện tượng nông dân bỏ ruộng...
Cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp hơn, hiệu quả hơn cho nông dân. Năm 2014, các cơ quan chức năng cần tập trung kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất và buôn bán phân bón, thuốc thú y, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc giả; hỗ trợ đào tạo nghề hiệu quả hơn cho nông dân
Trong thời gian qua, đời sống người dân một số địa phương gặp khó khăn, mất mát do thiên tai, nhất các tỉnh miền Trung và một số nơi như Cà Mau, Lào Cai. Đặc biệt, các cơn bão số 10, số 11 đổ bộ vào khu vực miền Trung vừa qua đã gây thiệt hại rất nghiêm trọng đòi hỏi sự giúp đỡ kịp thời, thiết thực của Chính phủ, các bộ ngành và toàn xã hội để giúp nhân dân và chính quyền các địa phương sớm khắc phục hậu quả sau bão.
Người dân kiến nghị cần quản lý chặt chẽ và quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan trong việc đảm bảo chất lượng công trình và an toàn các hồ chứa nước, đập thủy điện, nhất là ở khu vực miền Trung, tránh tình trạng người dân vừa phải chịu bão, lũ vừa phải chịu ảnh hưởng do xả lũ gây úng ngập.
Về lĩnh vực y tế, ý kiến cử tri phản ánh việc thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc gây bức xúc xuất phát từ sự thiếu trách nhiệm của lãnh đạo một số bệnh viện và sự quản lý chưa chặt chẽ của cơ quan chức năng ngành y tế dẫn đến một số vi phạm nghiêm trọng, điển hình như vụ “nhân bản” xét nghiệm máu tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, thành phố Hà Nội; việc sử dụng Vaccine viêm gan B dẫn đến chết người tại Quảng Trị và một số địa phương; việc quản lý và sử dụng không đúng vật tư y tế, tài chính của một số cơ sở y tế.
Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế và chính quyền các địa phương làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm những vi phạm của từng cơ quan, cá nhân trong từng cấp quản lý đồng thời yêu cầu ngành y tế triển khai quyết liệt hơn các giải pháp giảm quá tải ở các bệnh viện.
Bên cạnh đó, vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm đang trở thành nỗi lo thường trực của người dân trước tình trạng sử dụng hóa chất độc hại, không rõ nguồn gốc trong bảo quản thực phẩm; phun quá liều lượng thuốc bảo vệ thực vật hoặc chất không được phép sử dụng lên rau xanh; dùng chất độc huỳnh quang trong sản xuất bún
Tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi diễn ra ngày càng trầm trọng, điển hình như vụ chôn lấp hóa chất bị cấm và thuốc bảo vệ thực vật hết hạn của Công ty cổ phần Nicotex Thanh Thái trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; vụ vận chuyển, xử lý phân, rác thải từ máy bay ở sân bay Nội Bài và nhiều vụ việc khác mà báo chí đã nêu và công luận đang rất bức xúc hiện nay.
Cử tri và nhân dân kiến nghị cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc buông lỏng quản lý về môi trường; tăng mức xử phạt và xử lý nghiêm các cá nhân là lãnh đạo các doanh nghiệp có hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng về môi trường.
Theo Vnexpress