Trình bày báo cáo, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và nhân dân bày tỏ sự quan tâm, đánh giá cao việc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ ngành Trung ương và Địa phương tổ chức để nhân dân tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, có hơn 10,6 triệu lượt ý kiến của các tổ chức, cá nhân góp ý cho dự thảo Luật.
Theo Trưởng ban Dân nguyện, cử tri và nhân dân bày tỏ sự quan tâm về Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị làm cơ sở cho Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp lấy phiếu tín nhiệm đối với những chức danh, chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp bầu và phê chuẩn;
Cùng các quy định, kết luận, chỉ thị của Ban chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị đã ban hành từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã tạo nên những dấu mốc mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, lựa chọn đội ngũ cán bộ có tâm, có đức, tạo niềm tin vững chắc trong nhân dân để phát triển đất nước.
Về kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của cơ quan có thẩm quyền, Trưởng ban Dân nguyện cho biết, tính đến ngày 7/4/2023, Ban Dân nguyện đã nhận được văn bản trả lời đối với 2.535/2.593 kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Kỳ họp bất thường lần thứ 2 Quốc hội khóa XV.
Đến nay, còn 61 kiến nghị chưa được trả lời, Ban Dân nguyện sẽ tiếp tục đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Để phục vụ cho việc xây dựng báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 4 và kỳ họp bất thường lần thứ 2, Ban Dân nguyện đã chỉ đạo Vụ Dân nguyện làm việc với Vụ chuyên môn của một số Bộ, ngành về một số hạn chế trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri;
Tham mưu cho Ban Dân nguyện xây dựng báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Trưởng ban Dân nguyện cho biết, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an, trong tháng 3/2023, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng tăng nhiều so với tháng 2/2023.
Tình hình khiếu kiện tiếp tục diễn biến phức tạp, có 26 đoàn khiếu kiện đông người, vượt cấp lên Trung ương (tăng 16 lượt đoàn đông người so với tháng 2/2023). Hiện còn 47 công dân của 13 địa phương khiếu kiện kéo dài tại Hà Nội.
Đối với công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử đơn thư, các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội đã tiếp 306 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 299 vụ việc và có 9 lượt đoàn đông người (giảm 89 lượt người về 95 vụ việc và 7 lượt đoàn đông người so với tháng 2/2023).
Qua tiếp công dân, đã chuyển 43 đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; hướng dẫn bằng văn bản 7 vụ việc; đã giải thích, hướng dẫn, thuyết phục công dân chấp hành đúng quy định của pháp luật đối với 206 vụ việc.
Trưởng ban Dân nguyện đề nghị đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp và giám sát các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương giải quyết dứt điểm đối với các vụ việc cụ thể đã được đề cập tại Báo cáo dân nguyện hàng tháng.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành và các địa phương đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, các địa phương trong thời gian tới.