Theo thống kê của các tổ chức hàng hải quốc tế, eo biển Malacca mỗi năm tiếp nhận khoảng 50.000 tàu buôn, mang theo 40% tổng giá trị hàng hóa thương mại thế giới. Đặc biệt, đây là nơi kiểm soát tuyến đường chở dầu cực kỳ quan trọng, cung cấp cho hầu hết các nền kinh tế lớn của châu Á – Thái Bình Dương.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng của chính phủ Mỹ (EIA), vào năm 1993 mỗi ngày có khoảng 7 triệu thùng dầu và sản phẩm dầu mỏ, chiếm khoảng 20% lượng dầu toàn cầu đi qua eo biển Malacca. Đến năm 2011, con số này đã tăng lên 15 triệu thùng/ngày, chiếm 33% sản lượng toàn cầu.
Trong số các nước châu Á – Thái Bình Dương coi eo biển Malacca là “sinh tử huyệt” có Nhật Bản với (90% lượng dầu nhập khẩu của nước này đi qua Malacca) hay Trung Quốc với hơn 80% lượng dầu nhập khaiar buộc phải đi qua eo biển này. Cũng chính vì lý do này mà các nước có liên quan rất chú trọng việc phát triển và tăng cường năng lực hải quân của mình để đảm bảo giao thông cho tàu chở dầu của mình.
Tại eo biển này, 3 quốc gia có vị trí đắc địa nhất là Singapore, Malaysia, và Indonesia bởi họ có thể kiểm soát điểm hẹp nhất (2,7 km) nhưng lực lượng hải quân Mỹ có truyền thống hoạt động trong khu vực này lâu nhất. Thời gian gần đây, hải quân Trung Quốc và những các quốc gia ven biển cũng ngày càng tỏ ra quan tâm rất nhiều đến Malacca.
Nhận ra tầm quan trọng của eo biển này, các nước đều đang hối hả xây dựng một lực lượng tàu ngầm rất mạnh, đặc biệt là Indonesia với tham vọng sẽ có thể kiểm soát gàn như toàn bộ “thế giới ngầm” ở Malacca trong tương lai.
Nhưng Hải quân Singapore cũng không kém cạnh bởi hồi tháng 5 vừa qua, nước này đã đưa vào sử dụng chiếc tàu ngầm thứ 6 mua của Thụy Điển. Bốn tàu ngầm của Singapore là biến thể của tàu ngầm lớp Challenger mua từ những năm 1990 và được bàn giao từ 1995-1997, các tàu ngầm lớp Challenger có độ giãn nước khoảng 12.000 tấn khi lặn và có tốc độ 20 hải lý/h dưới nước. Mỗi tàu có 6 ống phóng ngư lôi và mang theo 10 quả ngư lôi loại 613 và 4 quả loại 431 của Thụy Điển.
Tàu ngầm lớp Archer của hải quân Singapore. |
Khi 4 chiếc này đang bắt đầu “lão hóa”, Singapore một lần nữa tìm đến Thụy Điển để mua thêm 2 tàu ngầm lớp Archer trong năm 2005. Tàu ngầm lớp Archer được đánh giá cao bởi nó là phiên bản nâng cấp của loại tàu ngầm diesel-điện lớp Västergötland mà Thụy Điển đã sử dụng từ khá lâu. Đáng chú ý, các tàu ngầm lớp Archer có hệ thống động cơ đẩy không khí độc lập (AIP), cho phép giảm thiểu độ ồn, chống bị phát hiện và có khả năng lặn trong nhiều tuần. Những tàu này có 9 ống phóng ngư lôi và mang theo 12 quả ngư lôi Black Shark, trong đó có 6 quả ngư lôi loại nhẹ 431/451 và một cơ số mìn.
Đối thủ truyền thống của Singapore, Malaysia, có đường bờ biển rất lớn và cũng nằm dọc theo eo biển chiến lược Malacca. Điều này khiến Hải quân Hoàng gia Malaysia xác định rằng họ sẽ cần một lực lượng tàu ngầm nhỏ để tuần tra vùng biển của mình.
Nhằm mục đích đó, Malaysia đã sang Pháp để mua 2 tàu ngầm lớp Scorpene (cùng loại Ấn Độ mua từ Pháp) và một tàu ngầm Pháp tân trang lại để dùng cho các mục đích đào tạo. Các thỏa thuận này trị giá khoảng 1,3 tỷ USD. Cả 2 tàu ngầm của Malaysia đã được đưa vào sử dụng từ năm 2009. Phiên bản của tàu ngầm của Malaysia không có AIP nhưng họ có khả năng phát động tấn công bằng tên lửa chống hạm Exocet SM39 trong phạm vi 50 km khi đang lặn.
Việc Malaysia mua tàu ngầm lớp Scorpene đã khiến Indonesia sốt ruột và quốc gia vạn đảo này đã quyết định xem xét lại hạm đội tàu ngầm của mình. Indonesia có đường bờ biển trải dài 108.000 km và tuyên bố một vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) khoảng 5,8 triệu km vuông. Nó cũng nằm dọc theo ít nhất 3 tuyến đường hàng hải quan trọng là eo biển Malacca, Sunda và eo biển Lombok.
Tàu ngầm lớp Scorpene của Malaysia |
Kể từ đầu những năm 1980, hải quân Indonesia đã đưa vào hoạt động 2 tàu ngầm KRI Cakra và KRI Nenggala mua từ Đức. Mới đây, 2 chiếc tàu ngầm này đã được một công ty Hàn Quốc tân trang lại, điển hình nhất là hiện đại hóa "hệ thống động cơ đẩy, phát hiện và hệ thống định vị, hệ thống điều khiển hỏa lực mới và hệ thống chiến đấu".
Quan trọng hơn, Indonesia đã ra tín hiệu mở rộng một cách đầy tham vọng đội tàu ngầm của mình với mục tiêu có từ 14 đến 18 tàu ngầm. Kế hoạch Quốc phòng chiến lược của Indonesia đặt mục tiêu đến năm 2024 nước này phải có ít nhất 10 tàu ngầm.
Tháng 12/2011, Indonesia đã nhận hồ sơ dự thầu từ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp nhưng cuối cùng đã quyết định mua 3 tàu ngầm mới từ Công ty đóng tàu Daewoo của Hàn Quốc và tân trang lại hạm đội tàu ngầm hiện có. Các tàu ngầm này được cho là loại Type-209/1400 biến thể động cơ diesel-điện, tương tự như tàu lớp Scorpene của Malaysia. Hợp đồng trị giá 1,1 tỷ USD, các tàu ngầm dự kiến sẽ được giao từ 2015-2018.
Theo các điều khoản của hợp đồng, chiếc tàu ngầm thứ 3 sẽ được đóng tại Indonesia, phản ánh tham vọng tự sản xuất tàu ngầm của Indonesia. Hồi tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Purnomo Yusgiantoro khẳng định rằng nước này đang xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để sản xuất tàu ngầm trong nước.
Indonesia cũng vừa hoàn thành một căn cứ quân sự mới trên vịnh Palu và cho biết đây sẽ là căn cứ tàu ngầm của nước này. Họ mất hai năm để xây dựng với chi phí 717.000 USD. Tờ Jakarta Post cho biết, căn cứ ở vịnh Palu "rộng 10 km và đường bờ biển trải dài 68 km trong khi độ sâu của nó đạt đến 400 mét".
Với cuộc đua này, nhiều người đã tưởng tượng đến một viễn cảnh khi có biến động, eo biển Malacca sẽ “ken đặc” tàu ngầm bởi ngoài tàu của Singapore, Indonesia, Malaysia thì chắc chắn Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản với đội ngũ tàu ngầm cực kỳ hiện đại và "ác chiến" cũng quyết không để tàu bè của mình gặp rủi ro khi đi qua vùng biển này.
Theo Bưu điện Việt Nam