Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin ngày 24/4, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng cục Chăn nuôi cho biết, thời điểm hiện nay, nguồn cung thịt lợn đang vượt cầu quá nhiều, dẫn đến việc giá thịt lợn hơi giảm thê thảm.
Khi được đặt câu hỏi, liệu giá thịt lợn giảm có phải một phần là do ảnh hưởng nguồn xuất sang thị trường Trung Quốc bị chững lại hay không, ông Dương cho biết, đây chỉ là một yếu tố nhỏ. Thực tế, lượng lợn xuất sang Trung Quốc không đáng kể.
Theo ông Dương, việc cung vượt quá cầu của mặt hàng thịt lợn không phải đến bây giờ mới được nhắc tới. Trong những năm vừa qua, quy mô đàn lợn, sản lượng đều tăng đáng kể dẫn đến nhu cầu trong nước không theo kịp. Đặc biệt, khi bước sang những tháng mùa hè thì sức tiêu thụ thịt lợn sẽ giảm nhiều do người dân còn có nhu cầu về những loại thực phẩm khác. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến cán cân cung-cầu, giá thịt lợn trong nước thời gian tới.
Theo ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin tại chợ đầu mối Hoàng Mai sáng ngày 24/4, giá 1kg thịt lợn sấn là 60.000 đồng/kg, giá xương và thịt nạc khoảng 70.000 đồng/kg.
Trao đổi với PV, một chủ sạp thịt cho biết, không phải đến bây giờ, giá thịt lợn mới giảm như thế. So với trước, giá thịt đã thấp hơn khoảng 20.000 đồng/kg nhưng lượng mua vẫn không tăng nhiều. Lý giải vì sao giá thịt giảm nhưng mua không tăng, bà Bích (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, thông tin trên báo đài, giá thịt lợn hơi hiện nay giảm xuống khoảng 30.000 đồng/kg nhưng giá ở chợ đầu mối hiện nay vẫn còn là cao. Bên cạnh đó, nhu cầu thực phẩm hàng ngày của gia đình vẫn không tăng nên các bà nội trợ cũng không muốn mua tích trữ nhiều.
Cùng mối quan tâm, PV có mặt tại một số khu vực chợ quê ở tỉnh Hưng Yên để khảo sát về tình hình. Tại chợ Thi (huyện Ân Thi), sáng ngày 23/4 chỉ có duy nhất một hàng bán thịt bê, tuyệt nhiên không có một sạp thịt lợn nào. PV đem thắc mắc tới những người buôn bán xung quanh thì được biết, do giá thịt lợn xuống quá thấp (khoảng 100.000 đồng/3kg), nhiều người không muốn mổ lợn, giết thịt nữa nên không có thịt bán. Đây cũng không phải ngày duy nhất chợ Thi không có thịt lợn tươi bán. Điều này khiến nhiều người không khỏi cảm thấy quan ngại.
Đây chỉ là một trong số những khảo sát mà PV báo Người Đưa Tin thực hiện trong những ngày vừa qua. Tình trạng chung ở nhiều nơi, người chăn nuôi phải bán tống bán tháo số “cơ nghiệp” mà mình có được để đỡ phần nào khoản chi phí nuôi lợn đàn. Đặc biệt, với những hộ chăn nuôi lớn, mối canh cánh về món nợ ngân hàng lại thêm phần trĩu nặng…
Câu chuyện về giải cứu đàn lợn cũng được báo chí nhắc đến trong nhiều ngày qua. Sáng ngày 24/4, bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã tổ chức hội nghị tìm giải pháp để giải cứu ngành chăn nuôi heo khi giá thịt ở Việt Nam đang rẻ nhất thế giới.
Theo cục Chăn nuôi, hiện nay các sản phẩm chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản trong nước đã vượt xa sức tiêu thụ của thị trường nội địa. Trong đó, thịt lợn là mặt hàng đang phải đối mặt với những bất lợi lớn về thị trường. Giá lợn hơi loại tốt (khối lượng 100-110 kg/con) đã xuống thấp, dưới 28.000 đồng/kg; có nơi xuống dưới 25.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đây là mức giá thấp nhất từ trước đến nay ở Việt Nam và cũng đang là giá thấp nhất thế giới. Nếu tình trạng này kéo dài thì phần lớn các hộ chăn nuôi và ngay cả những hộ trang trại lớn cũng sẽ không trụ được.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, có 2 nhóm nguyên nhân chính khiến giá thịt lợn giảm thê thảm do nguồn cung đang lớn hơn cầu và tổ chức ngành hàng thịt lợn chưa tốt. Trong tổ chức sản xuất quy mô trang trại vừa và lớn mới chiếm 45%, còn lại là quy mô hộ nhỏ lẻ với 3 triệu hộ chăn nuôi khiến giá thành cao, rất khó kiểm soát chuỗi, đến khi có sự cố thị trường thì người thiệt thòi nhất vẫn là các hộ sản xuất nhỏ. Bên cạnh đó, khâu chế biến cũng đang còn nhiều hạn chế. Chỉ có một số doanh nghiệp lớn có tổ chức chế biến sâu, tiêu thụ vẫn theo hình thức bán tươi là chính.
Khâu tổ chức thị trường kém cả nội địa và xuất khẩu. Mạng lưới chưa phân bổ được nhiều, mới chỉ xuất đi được một số nước như Singapore, Hồng Kông,… chưa tiếp cận được các thị trường lớn.
Vì vậy, Bộ trưởng đề xuất nhanh chóng tái cơ cấu chăn nuôi, cân đối với các nhóm thực phẩm và xuất khẩu. Mục tiêu từ nay đến 2019 phải giảm đàn nái từ 4,2 triệu con xuống còn 3 triệu con nhưng sức sinh sản vẫn phải đảm bảo như 4,2 triệu con. Bên cạnh đó, cũng phải tổ chức lại ngành hàng sản xuất, mở rộng chăn nuôi tập trung. Chăn nuôi nông hộ phải tổ chức lại, dưới dạng tổ đội, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ… giảm đầu vào, có kế hoạch đầu ra, củng cố kỹ thuật, phát triển đối tượng khác thay thế. Người nông dân có thể chuyển đổi sang các loại hình chăn nuôi khác như trâu, bò, thịt bê…
Về giải pháp tạm thời, Bộ trưởng đề nghị trước mắt hạ ngay yếu tố đầu vào như cám, thuốc thú y… trên cơ sở rà soát công tác quản trị, chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi.
Bà nội trợ khổ vì thịt lợn… rẻ quá Do giá thịt lợn xuống kỷ lục, mấy ngày vừa qua, nhiều bà nội trợ cũng phải “kêu khổ”. Theo chị H.Phương (Cầu Giấy, Hà Nội): “Nghe nói giá thịt sẽ còn giảm nữa nhưng chưa biết giảm thế nào, thấy rẻ nên mình mua về làm ruốc dự trữ cho lũ trẻ. Có thời gian thì làm thêm xúc xích, lạp xường, thịt lợn sấy khô, hút chân không. Giờ, hai cái tủ lạnh đã chật ních mà đồ thì vẫn còn, chưa biết xử lý sao. Vừa làm cho gia đình ăn, vừa đem tặng cho bạn bè, họ hàng. Được cái là nhà tự làm nên sạch, mọi người thích. Nhưng điều đó đồng nghĩa với việc phải làm nhiều hơn. Mình cũng có bán đi một phần nhưng lời lãi chả được bao nhiêu”. |
Đ.Huệ