Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng cục Điện ảnh (bộ VH,TT&DL) cho hay: "Việc cấp phép nhập khẩu đối với tất cả các văn hóa phẩm có nội dung là phim hiện nay đang thực hiện theo quy định tại Nghị định số 32/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ. Phim cấp phép bao gồm phim chiếu trên các Đài truyền hình; phim chiếu rạp, phim nhập bản mẫu giới thiệu, trình duyệt; phim phục vụ mục đích giảng dạy, nghiên cứu…
Khi Đài Truyền hình hoặc doanh nghiệp đề nghị nhập phim, cục Điện ảnh ra giấy phép nhập khẩu (thời hạn theo quy định là không quá 2 ngày làm việc). Doanh nghiệp cầm giấy phép ra Hải quan (với trường hợp nhập qua cửa khẩu) nhận bản phim mang về cục Điện ảnh giám định. Trong thời hạn không quá 12 ngày, cục Điện ảnh giám định và ra biên bản giám định. Trường hợp nhập phim qua đường truyền internet thì cục Điện ảnh vẫn phải cấp giấy phép nhập khẩu (theo khoản 1 điều 3 Nghị định 32), các doanh nghiệp sẽ tải phim về và gửi lên Cục để giám định.
Với những văn hóa phẩm nhập ở cửa khẩu Tân Sơn Nhất và các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và có trụ sở tại phía Nam thì bộ VH,TT&DL đã ủy quyền cho sở VH-TT TP. HCM làm thủ tục giám định và cấp Biên bản giám định bàn giao. Với những văn hóa phẩm nhập ở cửa khẩu Nội Bài và các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và có trụ sở tại phía Bắc, Cục Điện ảnh làm thủ tục giám định và cấp biên bản giám định".
Ông Vi Kiến Thành cho biết thêm: "Khi doanh nghiệp có chức năng phát hành phim nhập về Việt Nam thì phải xin phép cục Điện ảnh để kiểm duyệt nội dung phim rồi mới được Cục cấp phép phổ biến. Tôi cũng phải nói thật rằng, Hội đồng duyệt phim của Cục hiện nay chịu áp lực rất lớn, áp lực của lãnh đạo cấp trên, của đồng nghiệp và của khán giả, dư luận. Về thời gian, mỗi tuần họ mất 4 buổi đến Cục để duyệt phim, thù lao vô cùng thấp. Tôi mới nhận chức Cục trưởng ở đây chưa được 1 năm. Khi về, tôi rất ngỡ ngàng không hiểu sau thù lao duyệt phim rất thấp, nhưng không thể nâng lên được do quy định của bộ Tài chính. Nếu như người ở ngoài không biết, sẽ không hiểu được chuyện này. Đến tháng 4/2021 thì Hội đồng duyệt phim này sẽ hết nhiệm kỳ, nhưng nhiều nhà biên kịch thấy áp lực nên họ nói sẽ không làm nữa. Đó là một cái khó với cục Điện ảnh hiện nay”.
"Năm 2020 do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, số lượng phim nước ngoài nhập khẩu về Việt Nam giảm sút, giảm đến 50% so với mọi năm. Các rạp chiếu phim cũng phải dè chừng vì dịch bệnh. Đây là tình hình chung của thế giới, phim mới cũng không có nhiều" - ông Vi Kiến Thành cho hay.
Đạo diễn Ngọc Tuấn cho biết: "Việc các rạp chiếu phim giảm doanh thu, dè dặt trong nhập khẩu phim là do khách quan. Ngay những ngày đầu năm 2021, thì các rạp chiếu phim cũng chưa thể "bung" ra hết mình. Duy chỉ có một tuần trở lại đây là rạp chiếu phim có mở cửa đón khách, tuy nhiên quy định về việc phòng dịch Covid-19 vẫn còn nghiệm ngặt. Tín hiệu đáng mừng là có một vài bộ phim đang đạt doanh thu tốt như phim Bố già, Gái già lắm chiêu V...".
Nói về tình hình chiếu phim mùa dịch Covid-19, ông Lương Công Hiếu- Tổng giám đốc Galaxy Cinema bộc bạch: "Muốn khán giả ủng hộ phim mà không có phim hay thì sao thu hút được? Nhưng có phim hay, liệu các nhà sản xuất có dám phiêu lưu chiếu phim nhập phim vào lúc này, khi mà Covid-19 chưa chắc đã chấm dứt và nỗi sợ của khán giả vẫn còn. Doanh thu phòng vé của phim Việt năm 2019 là hơn 1.200 tỷ đồng, nghe thì rất lớn, nhưng nhà phát hành đã lấy 600 tỷ đồng (thường chia 50/50), mà mỗi phim làm bình quân 12 tỷ đồng, điểm hòa vốn trung bình là 24-25 tỷ đồng.
Nhìn vậy sẽ thấy trong 42 phim Việt ra rạp năm 2019, chỉ chừng 10 thắng lợi, đa số là hòa vốn và thua lỗ. Với thực tế như vậy, thuyết phục các nhà sản xuất đưa phim ra rạp lúc khó khăn này là không đơn giản, vì họ đâu việc gì phải phiêu lưu".