Vụ Mỹ ám sát tướng Qasem Soleimani có khả năng giúp cho kế hoạch của Nga ở Syria chuyển biến theo chiều hướng tích cực, trong khi căng thẳng Baghdad-Washington lại mang đến cơ hội lớn cho Điện Kremlin ở Iraq.
Nga hưởng lợi
Vụ tấn công quan chức quân sự hàng đầu Iran đã khiến cho Tehran và Washington bước đến bờ vực của cuộc xung đột toàn diện, nguy cơ gây ra hậu quả thảm khốc đối với thế cân bằng mà Nga thiết lập ở Trung Đông.
Tuy nhiên, sự trả đũa của Iran đối với Mỹ cho đến nay chỉ giới hạn ở một cuộc tấn công tên lửa quy mô nhỏ vào các căn cứ quân sự ở Iraq, không gây thương vong. Với nguy cơ leo thang ở mức nhỏ - ít nhất là trong thời điểm hiện tại - cuộc khủng hoảng đang ngày càng giống như một cơ hội cho Moscow, tờ Asia Times nhận định.
Ngay khi những va chạm ban đầu nổ ra, Nga đã gặt hái những lợi ích kinh tế. Giá dầu tăng vọt dẫn đến đồng rúp Nga cũng tăng giá trị.
Trong khi đó – Washington - đối thủ địa chính trị của Moscow trong vụ việc đã bị tô xấu hình ảnh như một quốc gia vô trách nhiệm, thất thường, đồng thời củng cố vai trò của Nga như một thế lực đáng tin cậy.
Trong khuôn khổ đó, chuyến đi tới Damascus của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tăng cường vị thế lãnh đạo toàn cầu của ông khi được chào đón ở điểm nóng Trung Đông với tư cách là một cường quốc uy tín.
Ngoài ra, việc một vị tướng chủ chốt của Iran thiệt mạng có thể làm suy yếu vai trò của dân quân thân Iran ở Syria, trong khi căng thẳng Mỹ-Iraq là cơ hội để Moscow tận dụng.
“Một lần nữa, Mỹ đã chứng tỏ mình là một thế lực rất khó đoán, khó có thể tin tưởng được”, Nikita Smagin, một chuyên gia tại Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga, nói với Asia Times. “Ngược lại, Moscow có cơ hội tô điểm vai trò là thế lực đáng tin cậy nhất trong khu vực”.
Kể từ khi can thiệp vào cuộc chiến ở Syria năm 2015, Nga đã hợp tác với Iran để hỗ trợ cho chính quyền Tổng thống Bashar Al-Assad đứng vững trước áp lực của phe đối lập.
Theo Reuters, tướng Soleimani là một trong những kiến trúc sư chính cho sự can thiệp của Nga ở Syria. Theo các nguồn tin chưa được xác nhận, ông đã gặp Tổng thống Vladimir Putin tại Moscow vào mùa hè 2015, thuyết phục ông rằng chính quyền Assad vẫn có thể được cứu vãn với sự giúp đỡ của Nga.
Mặc dù vụ Mỹ ám sát tướng Soleimani là một vấn đề mà Nga cũng cảm thấy phẫn nộ, nhưng ở khía cạnh khách quan, điều này sẽ mang lại một số điểm cộng cho Nga, do mục đích của nước này ở Syria hoàn toàn không trùng khớp với Iran.
Cơ hội trời cho
Theo Leonid Isaev, chuyên gia tại Khoa nghiên cứu châu Á và châu Phi thuộc trường Đại học Kinh tế Cấp cao ở St Petersburg, vụ ám sát tướng Soleimani có thể làm suy yếu ảnh hưởng của Iran đối với Chính phủ Syria, giúp Moscow tự do hơn trong việc định hướng mục tiêu chính trị Syria sắp tới.
Isaev lưu ý rằng, lập trường không nhượng bộ của Iran trong các cuộc đàm phán đã là một vấn đề phức tạp đối với Điện Kremlin, đặc biệt là liên quan đến cuộc xung đột ở khu vực Idlib.
“Cái chết của tướng Soleimani đại diện cho một mất mát nghiêm trọng của Iran”, chuyên gia Isaev nói với Asia Times. “Ông đã đóng một vai trò quan trọng trong việc điều phối các nhóm dân quân thân Iran khác nhau trong khu vực và đặc biệt là ở Syria”.
Hiện tại, khi tướng Soleimani đã chết, sẽ cần có thời gian để Tehran khôi phục lại mức độ phối hợp tương tự giữa các lực lượng dân quân trong khu vực.
Mặc dù có quan hệ đối tác chiến lược trong mục tiêu bảo vệ chính quyền Assad, Moscow và Tehran không phải là đồng minh chính thức. Trên thực tế, hai nước chia rẽ trong nhiều vấn đề.
Tham vọng bá quyền của Tehran ở Trung Đông và sự thù địch không ngừng của nước này với Israel không khớp với các nỗ lực của Nga nhằm duy trì sự cân bằng sức mạnh ở khu vực.
“Moscow đã lo lắng sâu sắc về việc Iran sử dụng các lực lượng của mình trên lãnh thổ Syria để đe dọa Israel. Moscow muốn tránh bằng mọi giá bất kỳ sự leo thang nào giữa Israel và Damascus”, Marianna Belenkaya, chuyên gia bình luận về các vấn đề vùng Vịnh của tờ Kommersant nêu quan điểm.
Mỹ rút quân?
Cuộc khủng hoảng mới nhất có thể tạo ra cơ hội cho Moscow ở bên ngoài biên giới Syria.
Vụ ám sát tướng Soleimani trên đất Iraq mà không có sự cho phép của chính quyền địa phương đã khiến Quốc hội Iraq yêu cầu quân đội Mỹ rời đi. Mặc dù viễn cảnh này sẽ không thể xảy trong một sớm một chiều nhưng khả năng rút quân là rất có thể xảy ra.
Điều này sẽ tạo ra một khoảng trống khác mà Nga có thể khai thác.
“Tham vọng của Nga ở Trung Đông hầu như không giới hạn ở Syria. Moscow rõ ràng hướng tời mục đích đẩy Mỹ ra khỏi toàn bộ khu vực và khẳng định vai trò là kiến trúc sư của một thế giới đa cực”, Farhad Ibragimov, chuyên gia phân tích từ Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai cho biết.
“Iraq có thể là một mảnh ghép khác để đạt được mục tiêu này”.
Tuy nhiên, các nhà phân tích đồng ý rằng sự tham gia của Moscow vào Iraq có thể sẽ bị giới hạn trong các động thái ngoại giao và bán vũ khí. Sự tham gia quân sự trực tiếp ở Iraq là khó xảy ra vì hai lý do.
Một là sự can thiệp ở nước ngoài là một vấn đề nhạy cảm đối với Nga, kể từ cuộc phiêu lưu quân sự Afghanistan từ 1979-1989. Thứ hai là các lực lượng vũ trang của Nga có nguồn lực hạn chế.
“Một sự can thiệp quân sự vào Iraq sẽ đòi hỏi khả năng lớn mà Nga chỉ đơn giản là không thể có được lúc này”, chuyên gia Belenkaya nói.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia Isaev cũng cho rằng, “Syria đã làm cạn kiệt phần lớn khả năng quân sự của Nga. Không còn nguồn lực để giúp Nga trở thành thế lực chính ở các quốc gia khác trong khu vực”.