Ông có thể cho biết Cục Hàng không VN đã làm gì sau khi Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu làm rõ trách nhiệm vụ để lọt 600 bánh heroin?
Cục Hàng không VN đã tiến hành rà soát, kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân trong ngành liên quan đến vụ việc cơ quan chức năng Đài Loan phát hiện và thu giữ 600 bánh heroin trên chuyến bay từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TPHCM) đến sân bay quốc tế Đào Viên (Đài Loan) vào ngày 17/11/2013.
Chiều 5/12, Cục Hàng không VN đã báo cáo với Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu công tác rà soát, kiểm điểm. Đã báo cáo rõ toàn bộ quá trình nhận hàng, xử lý, gửi hàng và soi chiếu an ninh hàng không trước khi lên tàu bay. Rà soát thực hiện quy trình theo quy định của pháp luật. Đã làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan.
600 bánh heroin lọt lưới kiểm tra của các cơ quan chức năng Việt Nam - Ảnh theo Chinatimes
Kết luận như thế nào thưa ông? An ninh hàng không có hay không trách nhiệm phát hiện ma túy?
Về việc thực hiện nhiệm vụ của an ninh hàng không, chúng tôi kết luận quy trình đã được thực hiện đúng. Qua soi chiếu hàng hóa đã xác định không có chất nổ, chất nguy hiểm, đã loại trừ được các yếu tố uy hiếp an ninh hàng không.
Về trách nhiệm soi chiếu, tuy pháp luật về hàng không dân dụng không quy định an ninh hàng không thực hiện soi chiếu để phát hiện ma túy nhưng trên thực tế chúng tôi vẫn ý thức được việc phải tham gia vào công việc phòng chống tội phạm, đặc biệt là phòng chống tội phạm ma túy.
Từ trước tới nay, ngành hàng không đã thực hiện tốt các yêu cầu phối hợp của các cơ quan chức năng trong nhiệm vụ này. Chúng tôi đã phối hợp phổ biến tuyên truyền, giáo dục về việc phòng, chống ma túy cho nhân viên hàng không; có quy chế phối hợp với Cục Phòng chống ma túy – Bộ Công an; các đơn vị tại sân bay cũng đã ký quy chế phối hợp với hải quan và cơ quan phòng chống ma túy; tạo mọi điều kiện cho các cơ quan chức năng trong việc phòng, chống ma túy… Kết quả, đã cùng các cơ quan chức năng phát hiện nhiều vụ vận chuyển ma túy bằng đường hàng không.
Tuy nhiên, nhân viên an ninh hàng không chưa được huấn luyện nghiệp vụ về phát hiện ma túy. Trách nhiệm này trước tiên là của Cục Hàng không VN trong việc chưa chủ động nâng cao hiệu quả phối hợp của ngành hàng không trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy.
Mà cụ thể là chưa triển khai thực hiện kế hoạch huấn luyện nghiệp vụ cho nhân viên an ninh hàng không trong việc phát hiện ma túy.
Vì vậy, không thể nói đây là trách nhiệm của tốp an ninh hàng không soi chiếu liên quan đến vụ việc, mà đây là lỗi hệ thống, đứng đầu là Cục Hàng không VN.
Chúng tôi sẽ đề nghị các cơ quan có chức năng phòng chống tội phạm ma túy sớm mở các lớp đào tạo nghiệp vụ phát hiện ma túy cho nhân viên an ninh hàng không để nâng cao hiệu quả phối hợp.
Có thông tin cho rằng do máy soi chiếu bị hỏng nên để lọt lô hàng? Kết quả kiểm tra việc này như thế nào thưa ông?
Chiếc máy soi chiếu này đến thời kỳ bảo dưỡng, không phải hỏng. Máy soi chiếu này là loại máy soi chiếu chuyên dụng dành cho container. Việc bảo dưỡng máy định kỳ không làm ảnh hưởng đến chất lượng soi chiếu an ninh hàng không, mà chỉ ảnh hưởng đến thời gian giải phóng hàng qua hàng rào an ninh. Đó là phải dỡ rời từng kiện hàng để đi qua máy soi chứ không ảnh hưởng đến chất lượng soi chiếu an ninh hàng không. Không có máy này thì nguyên tắc soi chiếu 100% hàng hóa vẫn được thực hiện.
Được biết, khi các kiện loa chứa ma túy qua máy soi chiếu, trên màn hình hiển thị những miếng đen bất thường trong loa nhưng nhân viên soi chiếu đã bỏ qua?
Sau khi sự việc xảy ra chúng tôi đã tiến hành thực nghiệm lại và kiểm tra hình ảnh lưu lại trên máy. Có thể thấy rõ trên máy soi chiếu, số heroin được phủ bánh giấu trong ruột thùng loa hiện lên là các miếng đen.
Nhân viên soi chiếu sau khi khẳng định không có vật liệu nổ, vũ khí, chất nguy hiểm, đã không quan tâm tới chi tiết này. Như tôi đã nói ở trên, nhiệm vụ của nhân viên an ninh là tập trung phát hiện các vật, hợp chất có thể uy hiếp đến an toàn bay và do chưa được tập huấn nghiệp vụ phòng chống tội phạm ma túy nên đã nhân viên trực hôm đó đã không đặt ra nghi vấn đây là ma túy và không báo cáo việc này với kíp trưởng.
Thưa ông, khi số ma túy đi qua máy soi, có sự có mặt của nhân viên hải quan không?
Không, chỉ có nhân viên an ninh hàng không làm nhiệm vụ soi chiếu. Như tôi được biết và phía hải quan cũng đã trả lời báo chí, do doanh nghiệp không khai báo hàng hóa nguy hiểm hay hàng hóa cấm xuất khẩu trên tờ khai nên hệ thống máy tính không yêu cầu kiểm tra. Hàng được đi luồng xanh, tức là miễn kiểm tra hải quan mà chỉ phải kiểm tra an ninh.
Vậy, đến thời điểm này, Cục xử lý như thế nào với 4 nhân viên an ninh soi chiếu đã bị tạm đình chỉ công việc?
Trước tiên, tôi muốn nói rõ đội soi chiếu an ninh hôm đó đảm bảo đúng thành phần theo tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và Thông tư 30 của Bộ GTVT quy định về đảm bảo an ninh hàng không, bao gồm: kíp trưởng, nhân viên kiểm tra tài liệu, nhân viên kiểm tra chất xếp hàng, nhân viên ngồi soi hàng. Không có chuyện thiếu người như dư luận đặt ra.
Sau khi tạm đình chỉ 4 nhân viên để làm rõ trách nhiệm, hôm qua, Cục Hàng không đã báo cáo Bộ GTVT hướng xử lý.
Hai nhân viên kiểm tra tài liệu và kiểm tra chất xếp hàng có thể làm việc trở lại. Nhân viên soi chiếu sau khi bị đình chỉ sẽ được yêu cầu đi học lại để nâng cao về mặt nghiệp vụ (sau khi loại trừ các yếu tố uy hiếp an toàn bay, nếu phát hiện các vật thể khác thường nghi là ma túy cần báo cáo kíp trưởng. Cụ thể vật khác thường ở đây là các bánh ma túy nằm trong loa khi xuất hiện trên máy soi giống như những vật chèn màu đen). Chúng tôi cũng phê bình rút kinh nghiệm đối với kíp trưởng ở góc độ trách nhiệm người đứng đầu kíp trực.
Đây là xử lý về mặt hành chính, còn hiện tại Cục Hàng không vẫn đang phối hợp với cơ quan điều tra để phục vụ công tác điều tra.
Xin cảm ơn ông!
Theo Thu Phương (Báo Giao thông vận tải)