Yêu cầu chặn MV There is no one at all của Sơn Tùng
Khác với những MV ca nhạc trước của Sơn Tùng, lần này ca khúc There is no one at all bị chỉ trích kịch liệt vì nội dung tiêu cực. Trong MV, Sơn Tùng với tạo hình một cậu bé teen ngỗ ngược, bất cần. Băng cát sét tua ngược về quá khứ, tái hiện hình ảnh cậu bé bị bỏ rơi ở cô nhi viện. Cậu lớn lên không có tình thương, bị bạo lực học đường và dần trở thành kẻ ngông cuồng, mất lòng tin, lạc lõng và đầy cô đơn…
Cậu bé không biểu hiện qua lời nói nhưng nội tâm gào thét, đau đớn. Lời nhạc lặp đi lặp lại, nhấn mạnh xuyên suốt câu chuyện There is no one at all. Cuối cùng, cậu bé lựa chọn kết thúc cuộc đời mình bằng cách nhảy lầu tự vẫn.
Trước những "tẩy chay" của khán giả, chiều ngày 29/4, lãnh đạo Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), cho biết đã gửi yêu cầu Google ngăn chặn MV There is no one at all của Sơn Tùng M-TP. Đồng thời đề nghị các nền tảng khác không được đăng tải MV này.
Cụ thể, trong văn bản gửi Thanh tra Bộ và Cục PTTH&TTĐT (Bộ TT&TT), Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng nội dung biểu diễn của bản ghi âm, ghi hình There is no one at all mang thông điệp tiêu cực, không có tính giáo dục với nhiều cảnh đuổi bắt, đập phá, bạo lực và kết thúc là hình ảnh nhân vật tự tử đã tác động mạnh đến tâm lý người xem, dễ gây ảnh hưởng, định hướng hành vi tiêu cực của xã hội, đặc biệt là trẻ em.
Bởi vậy, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đánh giá nội dung MV có dấu hiệu vi phạm quy định cấm “sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội” tại khoản 4 Điều 3 Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
"Cục Nghệ thuật Biểu diễn đề nghị Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xử lý hành vi của các tổ chức, cá nhân lưu hành bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại Nghị định số 38/2021/NĐCP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Cục PTTH&TTĐT (Bộ TT&TT) có biện pháp xử lý, ngăn chặn đối với các tổ chức, cá nhân đăng phát, lưu hành, phổ biến bản ghi âm, ghi hình trên trên môi trường mạng theo quy định của pháp luật", Cục Nghệ thuật Biểu diễn ý kiến.
Trước đó trả lời báo chí, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT, cho biết ông đã xem MV There is no one at all của Sơn Tùng M-TP ba lần. Theo đánh giá của ông Lê Quang Tự Do, hình ảnh trong MV có nội dung tiêu cực tới giới trẻ, thể hiện suy nghĩ, lối sống và hành động tự tử gây tác hại lớn. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều bạn trẻ có vấn đề về tâm lý sau hai năm ảnh hưởng vì dịch Covid-19.
Sơn Tùng M-TP "hãy trách nhiệm với các fan của mình"
Nhiều người nhận định đây là MV gây tranh cãi nhất của Sơn Tùng trước nay. Một bộ phận lớn phụ huynh bày tỏ sự bức xúc khi xem There is no one at all. Trong bối cảnh nhiều bạn trẻ chọn cách tự tử để giải thoát như hiện nay, sản phẩm mới của Sơn Tùng nhận nhiều chỉ trích.
Nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng, đoạn kết thúc clip là những cảnh rất tiêu cực, quá ám ảnh, nếu nhờ sự nổi tiếng của mình mà chàng ca sĩ gốc Thái Bình biết cách lan tỏa điều tích cực đến cộng đông thì tốt hơn nhiều.
“Tất cả đều hoàn hảo với Tùng, MV ngay lập tức lên top 1, hàng trăm lời tung hô, chúc mừng. Nhưng có lẽ Tùng chưa làm cha mẹ, Tùng không biết nhiều cha mẹ sẽ giật mình sợ hãi khi con họ xem MV này. Nhất là khi liên tục những vụ nhảy lầu tự tử đã diễn ra khiến các bậc làm cha, làm mẹ chưa hết bàng hoàng. Thêm một ‘thôi thúc’ nữa từ thần tượng ‘Mỗi chúng ta chỉ được sống một lần, thay vì do dự, hãy quyết đoán’. Nên sáng nay, trên khắp các mặt báo, nhiều cha mẹ đã thót tim sợ hãi... Chết thật dễ nhưng sống mới khó, hãy nói điều đó với fan của mình. Làm ơn! Các cha mẹ sẽ thật biết ơn Tùng!”.
Bên cạnh đó, GS.TS Nguyễn Phương Mai viết: "Tự tử có tính lây lan (hiệu ứng Werther). Thanh thiếu niên học theo những gì người khác làm, nhất là khi một người nổi tiếng tự tử.
Ví dụ, cái chết của Marilyn Monroe dẫn đến khoảng 200 vụ tự tử diễn ra chỉ trong vòng một tháng sau đó. Điều tương tự xảy ra với cái chết của Choi Jin Sil, khiến tỷ lệ tự sát vọt lên 162%. Hiện tượng này cũng được ghi nhận bởi những người lính, học sinh và nhiều tầng lớp xã hội khác. Đây chính là lý do mà series truyền hình Netflix 13 Reasons Why phải biên tập lại hình ảnh nhân vật chính Hannah cắt cổ tay trong bồn tắm, và series này vẫn tiếp tục được nghiên cứu cẩn thận vì nỗi lo sợ có thể làm tăng tỷ lệ tự tử trong nhóm tuổi mới lớn."
Hiện trên một số diễn đàn còn có những comment kêu gọi tẩy chay nhằm gỡ MV của Sơn Tùng khỏi các nền tảng nghe nhạc. "Xin nhờ các bậc làm cha làm mẹ, phụ huynh vì tương lai con em chúng ta xin hãy report clip There is no one at all của Sơn Tùng để Youtube gỡ ngay video độc hại này".
Trúc Chi (t/h theo Zing, Hoa học trò, Người Lao Động, )