Thông tin vụ việc, đại diện cục Thuế TP.HCM cho biết: "Nguyễn Kim đã có văn bản gửi cục Thuế TP.HCM giải trình về những thắc mắc của họ. Tuy nhiên, quan điểm của cục Thuế là vẫn truy thu số tiền theo quyết định đã ban hành đối với Nguyễn Kim".
Như vậy, với "cái lắc đầu nói không" này, Nguyễn Kim sẽ phải đóng số tiền nêu trên.
Theo đó, chi cục Thuế quận 1 (TP.HCM, nơi Nguyễn Kim đặt trụ sở hoạt động) đã có văn bản gửi tới 18 ngân hàng, nơi doanh nghiệp này mở tài khoản để yêu cầu cưỡng chế 26 tài khoản giao dịch của Nguyễn Kim.
Đây là biện pháp mạnh nhằm thu hồi số tiền nợ thuế về cho ngân sách Nhà nước mà Nguyễn Kim đã đóng chưa đầy đủ trong thời gian qua.
Trước đó, cục Thuế TP.HCM đã ban hành quyết định truy thu tiền nợ thuế đối với Nguyễn Kim và "áp" thời hạn trong vòng 10 ngày (kể từ ngày 2/7, khi đơn vị này nhận được quyết định) phải nộp, nếu không sẽ tiến hành cưỡng chế.
Đây là vụ việc khá hi hữu tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng cả về hình thức "gian lận" thuế cũng như việc cưỡng chế đúng hạn. Mặt khác, số tiền bị truy thu là rất lớn khi lên đến gần 150 tỷ đồng của 1 doanh nghiệp chuyên về điện máy.
Dư luận đang quan tâm, nếu phía Nguyễn Kim không đồng ý quyết định này thì sẽ phải làm gì? Trả lời câu hỏi này, luật sư Nguyễn Đình Huy, đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng: "Doanh nghiệp có quyền khởi kiện ra tòa nếu thấy lý lẽ của mình là phù hợp với luật pháp hiện hành. Tuy nhiên, cửa thắng của Nguyễn Kim là rất ít vì cục Thuế TP.HCM đã viện dẫn ra các quy định mà pháp luật đang điều chỉnh đối với các hình thức truy thu thuế nói trên".
Trước đó, ngày 11/7, thông tin từ cục Thuế TP.HCM cho biết, cơ quan này đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và truy thu thuế thu nhập cá nhân của công ty Cổ phần Thương mại Nguyễn Kim với số tiền gần 150 tỷ đồng.