Cụm công nghiệp bán dẫn lớn nhất thế giới sẽ do Samsung xây dựng

Cụm công nghiệp bán dẫn lớn nhất thế giới sẽ do Samsung xây dựng

Nguyễn Thị Tuyết

Nguyễn Thị Tuyết

Thứ 4, 15/03/2023 18:01

Samsung kỳ vọng tạo ra sản lượng trị giá hơn 500 tỷ USD và tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động địa phương thông qua dự án này.

Gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc Samsung Electronics hôm 15/3 cho biết, họ dự kiến đầu tư 300.000 tỷ won (230 tỷ USD) để phát triển cơ sở sản xuất chip lớn nhất thế giới trong 20 năm tới.

Kế hoạch này được công bố trong cuộc họp giữa Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và các thành viên Nội các được tổ chức hôm 15/3 nhằm thúc đẩy khả năng cạnh tranh của quốc gia trong ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là chip phi bộ nhớ (chip hệ thống).

Tổng thống Yoon Suk Yeol cho biết, mặc dù khả năng sản xuất trong các ngành công nghệ cao như chip nhớ, màn hình OLED và pin thứ cấp của Hàn Quốc đã đạt đẳng cấp quốc tế, nhưng khả năng cạnh tranh về chip hệ thống của quốc gia này vẫn còn khiêm tốn, với thị phần chỉ từ 2-3%.

Thế giới - Cụm công nghiệp bán dẫn lớn nhất thế giới sẽ do Samsung xây dựng

Dự án xây dựng cụm công nghiệp bán dẫn của Samsung được công bố trong cuộc họp với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol hôm 15.3. Ảnh: Korea Herald/Yonhap

Hàn Quốc sẽ xây dựng một hệ sinh thái khổng lồ với các công ty trong các tổ hợp sản xuất chất bán dẫn hiện có ở tỉnh Gyeonggi để thực hiện siêu dự án bán dẫn lớn nhất thế giới, vượt qua Công viên Khoa học Tân Trúc (Hsinchu) của Đài Loan (Trung Quốc) và các cụm công nghiệp bán dẫn ở Texas (Mỹ).

Theo vị Tổng thống, chính phủ Hàn Quốc đã quyết định lựa chọn thành phố Yongin, tỉnh Gyeonggi làm địa điểm của dự án mới vì đây này là nơi Samsung “đóng đô”.

Cụm công nghiệp này sẽ được Samsung hoàn thành vào năm 2042 với 5 nhà máy bán dẫn mới. Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, dự án này nhằm mục đích thu hút 150 công ty sản xuất vật liệu và linh kiện hoặc thiết kế chip công nghệ cao trong và ngoài nước.

Các nhà máy mới của Samsung sẽ được đặt gần các nhà máy hiện có trong nước và sẽ sản xuất cả chip bộ nhớ máy tính được sử dụng để lưu trữ dữ liệu và chip logic được thiết kế để thực hiện nhiều chức năng hơn, công ty này cho biết.

Samsung dự kiến sẽ tạo ra sản lượng trực tiếp và gián tiếp trị giá 700 nghìn tỷ won (gần 536 tỷ USD) và tạo việc làm cho 1,6 triệu người lao động địa phương thông qua dự án này.

Thế giới - Cụm công nghiệp bán dẫn lớn nhất thế giới sẽ do Samsung xây dựng (Hình 2).

Quang cảnh bên trong nhà máy chip của Samsung ở thành phố Pyeongtaek, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc. Samsung dự kiến xây thêm 5 nhà máy chip mới tại tỉnh này từ nay đến năm 2042. Ảnh: Korea Herald

Cụm công nghiệp bán dẫn vừa công bố là một phần trong các kế hoạch được chính phủ Hàn Quốc công bố hôm 15/3 nhằm thúc đẩy 6 ngành công nghệ chủ chốt của nền kinh tế vốn phụ thuộc vào xuất khẩu, bao gồm chất bán dẫn, màn hình, pin sạc, công nghệ sinh học, xe điện và robot.

Hàn Quốc, quê hương của hai nhà sản xuất chip bộ nhớ lớn nhất thế giới, Samsung và SK Hynix, đang tìm cách cải thiện sự ổn định của chuỗi cung ứng để trở thành người chơi chính trong lĩnh vực chip không phải bộ nhớ do các nhà sản xuất chip như TSMC (Đài Loan, Trung Quốc) và Intel (Mỹ) thống trị.

Chính phủ nước này kỳ vọng thu hút được 550 nghìn tỷ won (422 triệu USD) vốn đầu tư vào các dự án bán dẫn cho đến năm 2026.

Kế hoạch của Hàn Quốc được đưa ra khi các cường quốc công nghệ khác như Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc đang đẩy mạnh việc xây dựng các cơ sở sản xuất chip trong nước, triển khai các biện pháp bảo hộ, cắt giảm thuế và ưu đãi hấp dẫn để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Là một “ông lớn” trong lĩnh vực kinh doanh bộ nhớ toàn cầu, Samsung đang cố gắng mở rộng sự hiện diện của mình trong lĩnh vực chip tiên tiến, bởi nhu cầu cho các sản phẩm này được dự đoán sẽ tăng cao trong những năm tới với việc áp dụng các công nghệ mới như mạng không dây 5G, trí tuệ nhân tạo và ô tô tự hành.

Công ty lớn nhất của Hàn Quốc, đã chứng kiến lợi nhuận giảm mạnh trong những tháng gần đây do nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine và tỉ lệ lạm phát cao, khiến nhu cầu đối với các sản phẩm điện tử tiêu dùng và chip nhớ sụt giảm đáng kể.

Lợi nhuận quý IV/2022 của công ty đã giảm gần 70%, một phần do giá chip lao dốc sau khi khách hàng tăng lượng hàng tồn kho để đối phó với những bất ổn về kinh tế.

Nguyễn Tuyết (Theo Korea Herald, AP, Reuters)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.